Chống hàng giả, hàng kém chất lượng: Cần đồng lòng từ nhiều phía
12/06/2025
PLNews – Chống hàng giả, hàng nhái không thể dựa vào riêng lực lượng quản lý thị trường, cần có sự chung tay của cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Hàng giả tràn lan, hàng xách tay lộng hành: Doanh nghiệp chính hãng “lao đao”
Các chuyên gia, doanh nghiệp tham dự tọa đàm “Triệt tận gốc hàng giả, hàng kém chất lượng: Bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp”. Ảnh: Minh Khuê
Tại tọa đàm “Triệt tận gốc hàng giả, hàng kém chất lượng: Bảo vệ người dân và doanh nghiệp” do Báo Thanh Niên tổ chức, các chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan chức năng đã lên tiếng cảnh báo: Hàng giả, hàng nhái đang len lỏi khắp thị trường, gây thiệt hại nặng nề và khó kiểm soát. Ông Nguyễn Thuận Đạt – Giám đốc điều hành Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh, đơn vị phân phối hơn 138 thương hiệu quốc tế như Rolex, Versace, Nike… cho biết, hàng nhái được bán tràn lan trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử với mức giá chỉ bằng 10 – 30% hàng thật, khiến các thương hiệu chính hãng thất thu tới 20%, chưa kể chi phí bảo vệ hình ảnh.
Không chỉ hàng giả, thị trường còn bị bóp méo bởi hàng xách tay không hóa đơn, trốn thuế nhưng vẫn được gắn mác “cao cấp”. Nhiều cửa hàng bày bán công khai sản phẩm xa xỉ trị giá hàng tỷ đồng, dù vi phạm nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.
Cảnh báo “bẫy quà tặng” và hàng giả tràn lan trên sàn thương mại điện tử
Trong lĩnh vực sữa, bà Trần Thị Hồng Nhung – Giám đốc phát triển Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Sữa – cảnh báo nhiều phụ huynh đang bị mê hoặc bởi chiêu trò “mua hàng tặng quà”, từ nồi cơm điện đến vali kéo. Những phần quà này vô tình trở thành cái bẫy để hàng giả dễ dàng len lỏi vào tay người tiêu dùng.
Lực lượng quản lý thị trường truy quét hàng giả tại Saigon Square vào tháng 5/2025. Ảnh: Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước.
Đáng lo ngại hơn, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) – tiết lộ rằng một lãnh đạo sàn TMĐT lớn từng đề nghị “kiểm tra nhẹ tay” vì nếu làm nghiêm, chưa tới 2% sản phẩm là thật. Đồng hồ hàng hiệu bán giá vài chục triệu trên mạng, theo ông Dũng, hầu hết là hàng giả không rõ nguồn gốc.
Dù đã xử lý hơn 10.000 vụ vi phạm, con số này chỉ như “phần nổi của tảng băng chìm”. Nguyên nhân không chỉ đến từ thủ đoạn tinh vi mà còn do tâm lý cả tin, ham khuyến mãi của người tiêu dùng.
Cần chế tài đủ mạnh
Tại tọa đàm, bà Phạm Khánh Phong Lan – Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM – thẳng thắn cho rằng cuộc chiến chống hàng giả hiện nay là “không cân sức”. Lực lượng chức năng mỏng, chế tài nhẹ, người tiêu dùng vẫn dễ dãi với hàng rẻ. Trong khi ở các nước phát triển, vi phạm sẽ phải đền bù tài sản lớn, thì ở Việt Nam, doanh nghiệp vi phạm chỉ cần đổi tên là tiếp tục hoạt động.
Bà Phạm Khánh Phong Lan – Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh phát biểu. Ảnh: Minh Khuê.
Ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM – cho biết việc kiểm tra gặp nhiều trở ngại do các đối tượng thường xuyên tẩu tán hàng hóa, thậm chí chống đối lực lượng chức năng. Ông nhấn mạnh cần có sự chung tay của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng – người tiêu dùng không nên là “nạn nhân thụ động” mà phải là lực lượng chủ động chống lại hàng giả.
Các giải pháp được đưa ra bao gồm: xác định rõ hàng xách tay không hóa đơn là hàng nhập lậu, tăng kiểm soát tại sân bay – cửa khẩu – sàn thương mại điện tử, siết chặt livestream bán hàng và nâng cao nhận thức qua tuyên truyền.
Bên cạnh đó, việc thúc đẩy mua bán minh bạch qua nền tảng số, mở rộng hoàn thuế VAT cho du khách, ứng dụng QR, Blockchain truy xuất nguồn gốc và tham gia sâu vào các hiệp định bảo vệ sở hữu trí tuệ cũng là hướng đi cần thiết.