Xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong các dịp lễ, tết
Theo Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội, nửa đầu năm 2022, qua công tác thanh tra, kiểm tra, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã phát hiện 10.556 vụ vi phạm.
Lực lượng QLTT kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc tây vi phạm
Trong đó, xử phạt vị phạm hành chính 9.228 vụ, thu nộp ngân sách 1.145,642 tỷ đồng (gồm xử phạt vi phạm hành chính số tiền 382,897 tỷ đồng; truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra 762,451 tỷ đồng; tổng trị giá hàng hóa vi phạm 123,9 tỷ đồng…). Các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã khởi tố 73 vụ/106 đối tượng.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 TP, kết quả trên đã cho thấy sự quyết liệt, nghiêm khắc của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nhiều vụ việc điển hình về buôn lậu hàng cấm, hàng giả đã được khám phá, phát hiện xử lý kịp thời, được dư luận xã hội quan tâm.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đấu tranh vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn.
Đó là, hoạt đông buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thay đổi theo chiều hướng phức tạp gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong quá trình phát hiện bắt giữ, xử lý. Các vụ việc có quy mô, với số lượng tang vật lớn, sau khi phát hiện bắt giữ, lực lượng chức năng gặp khó khăn do thiếu kho lưu trữ, bảo quản tang vật. Bên cạnh đó, việc định giá, giá trị hàng hóa giám định sở hữu trí tuệ còn phức tạp kéo dài, kinh phí giám định, tiêu hủy thuê kho bãi vận chuyển hàng hóa lớn trong khi các cơ chế tài chính vẫn chưa được rõ ràng, còn bất cập trong quá trình triển khai xử lý.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, trên cơ sở các tồn tại, nhằm phát huy những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo TP Hà Nội tiếp tục triển khai nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai đồng bộ các hoạt động kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, nhất là trong các dịp lễ, tết.
Thứ hai, tăng cường công tác phối hợp trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng, nhằm nâng cao khả năng nắm bắt địa bàn, dự báo tình hình thị trường, phương thức thủ đoạn, nhất là những thủ đoạn phát sinh mới, tình hình mới.
Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức của quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả thực hiện chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đẩy mạnh giáo dục về tư tưởng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố có đường biên giới tiếp giáp với các nước cần quyết liệt hơn trong công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm ngăn chặn, hạn chế tối đa hàng hóa thẩm lậu qua biên giới, sau đó vận chuyển vào nội địa tiêu thụ, trong đó có TP Hà Nội.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ trong việc hỗ trợ các khoản, kinh phí, cũng như chỉ đạo có cơ chế tài chính để phục vụ cho công tác giám định, chi phí lưu kho, tiêu hủy hàng hóa, phương tiện trang thiết bị phục vụ cho công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, cũng như các quy định về điều kiện kinh doanh kho, bãi; quy định về định giá tang vật vi phạm đảm bảo đúng quy định, kịp thời, tránh tình trạng kéo dài gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý vi phạm.