Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bình Định: Thành lập các đoàn kiểm tra các ngành hàng trọng điểm có nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại
Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bình Định, trong năm 2023 sẽ tăng cường thành lập nhiều Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tiến hành giám sát, kiểm tra, thu thập thông tin, đánh giá thực trạng tình hình tại các địa bàn trọng điểm, các lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm xảy ra hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt lưu ý tình trạng đối tượng lợi dụng không gian mạng, thương mại điện tử để rao bán, quảng cáo, khuyến mãi nhiều mặt hàng giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng cấm… ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đồng thời, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành, thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch chuyên đề, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Quá trình kiểm tra cần xác định trách nhiệm, kiến nghị xử lý các đơn vị, cá nhân quản lý địa bàn, lĩnh vực để xảy ra vụ việc vi phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Do đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu các đơn vị thành viên căn cứ tình hình thực tế, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, xây dựng kế hoạch công tác năm 2023, trong đó cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và theo chức năng, địa bàn, lĩnh vực quản lý; xây dựng phương án tổ chức lực lượng, phương tiện tăng cường kiểm tra, kiểm soát các địa bàn trọng điểm, ngăn chặn triệt để tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng giả, hàng nhập khẩu có điều kiện, có thuế suất cao, hàng kém chất lượng, hàng hóa ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Cụ thể: Lực lượng Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh, xử lý các đường dây, ổ nhóm buôn bán, các tụ điểm tập kết hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Đẩy mạnh công tác điều tra các vụ án về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh sớm đưa ra truy tố, xét xử, nghiêm minh trước pháp luật. Chủ động kiến nghị các cáp, các ngành có giải pháp khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng như: Hải quan, Thuế, Hải đoàn 48, Quản lý thị trường, kiểm lâm, Thanh tra chuyên ngành… Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, các website, mạng xã hội (Facebook, Zalo…), các ứng dụng bán hàng trực tuyến…và các hành vi vi phạm về niêm yết giá bán hàng. Đặc biệt lưu ý đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng kém chất lượng lưu thông trên thị trường; hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Lực lượng Hải quan chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cảng biển, cảng hàng không và các địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát Hải quan. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong tuần tra, kiểm soát trên biển, tại các cảng biển, cảng hàng không và thực hiện các kế hoạch chuyên đề đấu tranh với các mặt hàng trọng điểm, đặc biệt chú trọng ngăn chặn hàng cấm, hàng gian lận xuất xứ, tình trạng chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ….