Bộ Thông tin và Truyền thông lý giải nguyên nhân lừa đảo trực tuyến tăng mạnh
HH&PL – Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhóm đối tượng lừa đảo trực tuyến hiện không chỉ tập trung ở Việt Nam mà còn hình thành các tổ chức lừa đảo ở nước ngoài.
Mạo danh tin nhắn tổ chức tài chính, ngân hàng lừa đảo vẫn tái diễn
Chiều tối ngày 5/7/2023, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Họp báo thường kỳ cung cấp một số thông tin về hoạt động của Bộ, ngành thông tin và truyền thông.
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, ngành thông tin và truyền thông |
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong tháng 6/2023, doanh thu toàn ngành ước đạt 274.140 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với tháng trước (tháng 5/2023: 252.909 tỷ đồng). Lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 6/2023 ước đạt 1.614.206 tỷ đồng.
Cùng với đó, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 7.755 tỷ đồng, tăng trưởng 3% so với tháng trước (tháng 5/2023: 7.533 tỷ đồng). Lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 6/2023 ước đạt 45.905 tỷ đồng.
Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, điểm nổi bật trong tháng 6 là tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) gồm 8 Chương và 53 Điều quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 (riêng quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên của Luật này có hiệu lực từ tháng 7/2024).
Luật Giao dịch điện tử sửa đổi với 6 chính sách mới đáng chú ý được coi là đạo luật cơ bản về chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số cất cánh trong thời gian tới.
Cũng trong tháng 6/2023, Bộ đã ban hành Khung tiêu chí, thành lập Hội đồng và quy trình xác định thí điểm nền tảng số phục vụ người dân năm 2023; ban hành Bộ tiêu chí tạm thời đánh giá Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính năm 2023…
Cũng tại buổi họp báo, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, Bộ đã ghi nhận tình trạng nhiều chủ thuê bao bị xúc phạm khi từ chối cuộc gọi làm phiền, theo đó hiện nay rất nhiều người dùng nhận được các cuộc gọi rác, như kêu gọi đầu tư chứng khoán, việc nhẹ lương cao, mời mua bất động sản… khi từ chối vì không có nhu cầu, thì các đối tượng thực hiện cuộc gọi còn văng tục, chửi thề, thậm chí là đe doạ luôn người nghe.
Đồng thời, trong thời gian gần đây, ghi nhận phản ánh về hiện tượng nhiều hộ gia đình sử dụng các thiết bị điều khiển từ xa gây nhiễu trên băng tần miễn cấp phép cho thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến (433.05-434.79MHz) dẫn đến việc nhiều thiết bị (ví dụ như smartkey) bị ảnh hưởng do có cùng dải tần.
Đáng chú ý, Bộ đã ghi nhận tình trạng một số đối tượng sử dụng các trạm thu phát sóng giả để mạo danh tin nhắn tổ chức tài chính, ngân hàng lừa đảo người dùng vẫn tiếp tục tái diễn. Các đơn vị chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện rà quét, phát hiện và xử lý kịp thời.
“Trong thời gian tới, Bộ sẽ có những giải pháp hiệu quả để phát hiện ngay khi đối tượng lừa đảo bật thiết bị phát sóng giả mạo và có thể phối hợp với các cơ quan chức năng truy bắt các đối tượng này nhanh nhất” – đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Giải pháp nào để xử lý lừa đảo trực tuyến trong lâu dài?
Ông Trần Quang Hưng, Tập sự Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023 lừa đảo trực tuyến tăng mạnh (khoảng gần 65% so với cùng kỳ năm ngoái) với 24 hình thức lừa đảo trực tuyến khác nhau.
Ông Trần Quang Hưng, Tập sự Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin phát biểu tại Họp báo |
Mặc dù hình thức lừa đảo trực tuyến không có gì mới nhưng từ các số liệu thu thập được đã cho thấy điểm khác biệt lớn đó là sự dịch chuyển rõ nhóm đối tượng lừa đảo hướng đến người già, trẻ em, sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp.
Theo ông Trần Quang Hưng, các hình thức lừa đảo liên quan tài chính chiếm đa số. Nguyên nhân chỉ ra do phổ cập điện thoại thông minh nhiều và những nhóm này bị lừa đảo mạnh nhất trong 6 tháng qua. Tuy nhóm đối tượng này được tiếp cận công nghệ nhưng khả năng năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo còn hạn chế, chưa được cập nhật các hình thức lừa đảo mới.
“Các nhóm đối tượng lừa đảo trực tuyến hiện nay không chỉ tập trung ở Việt Nam mà còn hình thành các tổ chức lừa đảo ở nước ngoài. Các nhóm đối tượng này hình thành hệ thống tập trung nhiều người Việt tại đó để lừa đảo trực tuyến” – ông Trần Quang Hưng nêu.
Sự phát triển của công nghệ nhanh, mang lại nhiều lợi ích nhưng các đối tượng lừa đảo cũng lợi dụng tiện ích công nghệ để thực hiện các hành vi lừa đảo trực tuyến nhanh hơn, hiệu quả hơn, giống thật hơn và rất khó để nhận diện.
Đây là một trong những lý do Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục An toàn thông tin phát động chiến dịch nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến. Bên cạnh việc sử dụng các giải pháp công nghệ, để ngăn chặn lừa đảo trực tuyến, cần thúc đẩy tuyên tuyền thông tin về các hình thức, thủ đoạn lừa đảo trực tuyến đến với càng nhiều đối tượng người dùng càng tốt để nâng cao cảnh giác. Đây cũng là giải pháp gốc để xử lý lừa đảo trực tuyến trong lâu dài.
Được biết, Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”, triển khai từ ngày 23/6 đến ngày 23/7/2023 do Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, điều phối và phối hợp cùng thành viên Liên minh Tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng.
Chiến dịch sẽ phủ sóng rộng khắp trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nền tảng mạng xã hội để cung cấp đầy đủ thông tin, trang bị và phổ biến kiến thức về lừa đảo trực tuyến đến với mọi nhà, cho từng nhóm đối tượng, thông qua các clip tình huống lừa đảo trực tuyến phổ biến, hướng dẫn nhận diện 24 hình thức lừa đảo, đồng thời cung cấp bộ cẩm nang kiến thức phòng tránh để bảo vệ bản thân và gia đình trên không gian mạng.
Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong tháng 7/2023 đó là: Trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi. Xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2035. Xây dựng bản đồ công nghệ của các lĩnh vực. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký SIM thuê bao và xử lý tập thuê bao đứng tên nhiều SIM không đúng quy định (các chủ thuê bao sở hữu 10 sim/người trở lên). Hoàn thiện nền tảng đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân chất lượng, thực chất. |