Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm cho cơ quan cảnh sát điều tra
HH&PL – Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho cơ quan cảnh sát điều tra các cấp để xem xét xử lý.
Kiến nghị tăng thu cho ngân sách nhà nước 30.539,6 tỷ đồng
Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã thông tin về vấn đề “trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm”.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
Thực hiện Luật Kiểm toán nhà nước và Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước qua các giai đoạn, Kiểm toán nhà nước luôn nỗ lực và không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng kiểm toán, cung cấp cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng và đơn vị được kiểm toán những thông tin kết quả kiểm toán, kiến nghị có giá trị thực tiễn; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về thông tin phục vụ hoạt động giám sát, hoàn thiện pháp luật và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.
Đồng thời, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, quản lý sử dụng tài chính, tài sản công của Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và các đơn vị được kiểm toán; góp phần làm lành mạnh và minh bạch hóa nền tài chính công, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, phát huy hiệu quả ngân sách nhà nước đầu tư các dự án, công trình.
Kết quả kiểm toán thời gian qua của Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán, như: Công tác quản lý, điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ còn hạn chế; việc xác định phương án tài chính, thời gian thu hồi vốn của các hợp đồng BT, BOT có nhiều bất hợp lý…
Thông qua đó, Kiểm toán nhà nước đã đưa ra các kiến nghị giúp các đơn vị được kiểm toán, các cơ quan quản lý nhà nước chấn chỉnh công tác quản lý tài chính – ngân sách, kế toán, ngăn ngừa những hành vi tiêu cực, tham ô, lãng phí, thất thoát tiền, tài sản nhà nước; giúp các đơn vị hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý của mình, đảm bảo quản lý, sử dụng tiền tài sản nhà nước đúng pháp luật và có hiệu quả.
Kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước cũng đã cung cấp những thông tin xác thực về tình hình quản lý điều hành ngân sách, tiền và tài sản nhà nước và có nhiều kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ góp phần sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Trong 5 năm gần nhất (từ năm 2019 đến năm 2023), Kiểm toán nhà nước đã kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo kiểm toán, đã kiến nghị 331.367,4 tỷ đồng (gồm tăng thu ngân sách nhà nước 30.539,6 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước 96.183,8 tỷ đồng; kiến nghị khác 204.644 tỷ đồng); kiến nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung 1.069 văn bản gồm 14 văn bản Luật, 1 nghị quyết của Quốc hội; 16 Quyết định; 42 Nghị định; 124 Thông tư và 872 văn bản khác; 663 báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đáng chú ý, Kiểm toán nhà nước đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp để xem xét xử lý.
Sai sót thường gặp ngay từ khâu chuẩn bị dự án đầu tư
Riêng trong lĩnh vực kiểm toán các dự án, kiểm toán doanh nghiệp (theo phạm vi chất vấn) từ đầu nhiệm kỳ (2021) đến nay cho thấy:
Về kiểm toán dự án, với mục tiêu kiểm toán là xác định tính trung thực, hợp lý trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; phát hiện kịp thời những sai sót, gian lận, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động quản lý của các đơn vị được kiểm toán, cũng như các tồn tại bất cập về cơ chế chính sách liên quan.
Qua kết quả kiểm toán những năm gần đây đối với các dự án đầu tư cho thấy còn tồn tại, sai sót thường gặp ngay từ khâu chuẩn bị dự án đầu tư đến quyết toán dự án hoàn thành, như: Thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư chậm, phê duyệt khi chưa có quy hoạch hoặc không phù hợp quy hoạch; phê duyệt chưa đúng thẩm quyền. Phê duyệt, xác định nguồn vốn, nội dung đầu tư chưa phù hợp, điều chỉnh dự án chưa đảm bảo quy định; phê duyệt tổng mức đầu tư vượt chủ trương đầu tư; thiết kế cơ sở có hạng mục trùng lấn với dự án khác, thiết kế chưa phù hợp với tiêu chuẩn.
Thiết kế chưa hợp lý, không sát với thực tế dẫn đến phải điều chỉnh bổ sung, hồ sơ thiết kế dự toán còn thiếu sót thông tin, tính sai khối lượng, áp dụng sai định mức, đơn giá xảy ra tại hầu hết các dự án được kiểm toán; hồ sơ thiết kế chưa tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, thiếu cơ sở; phê duyệt thiết kế không đúng thẩm quyền; chưa thực hiện việc lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán điều chỉnh.
Bên cạnh đó, ở công tác đấu thầu: Áp dụng hình thức chỉ định thầu chưa đảm bảo quy định; hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu chưa đầy đủ nội dung, đưa ra tiêu chí làm hạn chế tính cạnh tranh giữa các nhà thầu, phân chia gói thầu chưa phù hợp; tỷ lệ tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng chưa đảm bảo quy định.
Công tác ký kết hợp đồng xây dựng: Nhiều gói thầu còn tình trạng hợp đồng ký kết thiếu chặt chẽ, chưa đầy đủ nội dung; hợp đồng ký kết không phù hợp quy định của hồ sơ mời thầu, chưa phù hợp về hình thức so với quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Công tác quản lý tiến độ: Còn nhiều dự án chậm tiến độ, kéo dài rất nhiều năm, giải ngân không đạt kế hoạch phải điều chỉnh nguồn vốn.
Công tác nghiệm thu, thanh toán, quyết toán: Tạm ứng chưa đúng quy định; chưa thu hồi tạm ứng quá hạn; nghiệm thu thanh toán các thiết bị khi chưa lắp đặt, chưa đảm bảo điều kiện, chưa đúng theo hợp đồng; thanh toán khối lượng phát sinh chưa phù hợp; bù giá thiếu cơ sở, chưa đúng quy định. Quyết toán dự án chậm.
Về kiểm toán doanh nghiệp: Kết quả kiểm toán trong những năm gần đây cho thấy, việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp còn một số hạn chế: Tình trạng còn sai sót trong hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước vẫn diễn ra tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được kiểm toán; việc quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định; còn tình trạng vật tư tồn kho lâu ngày, kém phẩm chất, chậm luân chuyển; đầu tư, sử dụng tài sản cố định chưa hiệu quả.
Một số đơn vị có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao; đầu tư tài chính hiệu quả chưa cao, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ; một số khoản đầu tư của tập đoàn, tổng công ty vào công ty liên doanh, liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ.
Một số đơn vị quản lý chi phí, giá thành sản phẩm chưa chặt chẽ, định mức sản xuất kinh doanh chưa phù hợp thực tế; chưa xây dựng định mức tiêu hao nguyên vật liệu hoặc tiêu hao nguyên, nhiên liệu vượt định mức đơn vị quy định; khai thác khoáng sản khi chưa được cấp phép hoặc khai thác vượt trữ lượng cấp phép.
Tại một số tập đoàn, tổng công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định; người đại diện phần vốn chưa báo cáo kịp thời và đầy đủ để có các giải pháp khắc phục đối với các công ty hoạt động kinh doanh thua lỗ.
Theo Kiểm toán nhà nước, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý tài chính, tài sản công; thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Hoạt động kiểm toán góp phần quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước ngày càng được công khai, minh bạch; nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đã được phát hiện và xử lý nghiêm; nhiều cơ chế, chính sách chưa phù hợp đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, góp phần hoàn thiện thể chế, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài chính, tài sản công.
Quỳnh Nga (theo Công thương)