Ngày Quốc tế Phòng chống lạm dụng ma túy và buôn bán bất hợp pháp (26/6)
HH&PL – Ngày 26/6 hàng năm được Liên Hợp Quốc chọn làm Ngày Quốc tế phòng, chống lạm dụng ma túy. Đây là sự kiện nâng cao nhận thức của người trên toàn thế giới về những tác hại và cách ngăn ngừa ma tuý.
Vì chỉ thông qua sự đoàn kết và nỗ lực chung của toàn xã hội mới có thể đạt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn ma túy khỏi cuộc sống. Và với danh sách các ngày lễ trong tháng 6, thì Ngày Quốc tế Phòng chống lạm dụng ma túy cũng chính là ngày lễ cuối cùng trong tháng.
Ngày 26/6/1988, một cuộc mít tinh do Ủy ban quốc tế về phòng chống ma túy tổ chức kéo dài trong hơn 2 giờ đã diễn ra tại trụ sở của Liên Hợp Quốc. Từ đó, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 26/6 hàng năm là “Ngày quốc tế phòng, chống lạm dụng ma túy” nhằm kêu gọi các quốc gia trên thế giới có những biện pháp tăng cường các hoạt động phòng, chống bài trừ tệ nạn buôn bán và sử dụng ma túy.
Tại Việt Nam, năm 2001 Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định lấy tháng 6 hàng năm là “Tháng hành động phòng, chống ma túy” và ngày 26/6 là “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống ma túy và tác hại của của tệ nạn ma túy để tự phòng, chống làm giảm tệ nạn ma túy trong đời sống xã hội. Từng bước đẩy lùi và xóa bỏ tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội, tạo môi trường lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
Phát biểu tại hội nghị Báo cáo về tình hình ma túy trên toàn thế giới đã được UNODC phối hợp với Văn phòng Thường trực phòng chống ma túy (SODC) tổ chức tại lễ công bố Báo cáo Tình hình Ma túy Thế giới năm 2011 tại Việt Nam, bà Zhuldyz Akisheva, Giám đốc cơ quan UNODC tại Việt Nam nêu rõ: Buôn bán ma túy ở khu vực Châu Á vẫn tập trung chủ yếu là thuốc phiện và hêrôin, thuốc phiện sản xuất ở Châu Á chiếm hơn 99 phần trăm thị phần toàn cầu. Lạm dụng các chất từ thuốc phiện, đặc biệt là tiêm chích hêrôin vẫn đang là vấn đề bức xúc ở Việt Nam, là nguyên nhân chính lây nhiễm HIV và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với cộng đồng. Bà cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp ATS đang ngày càng gia tăng và trở thành mối đe dọa mới đối với sức khỏe. Bà cám ơn Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực phòng chống ma túy và tiếp tục hợp tác với UNODC thực hiện cơ chế kiểm soát ma túy quốc tế dựa trên cơ sở ba công ước vào các năm 1961,1971, và 1988.
Trong hàng thế kỷ qua, các nước đã kiên trì đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến ma tuý. Kết quả đạt được tuy có nhiều ấn tượng, song ma tuý vẫn chưa bị nhổ tận gốc khỏi đời sống con người. Đáng ngại hơn, lượng sản xuất thuốc lắc (ma tuý tổng hợp) lại gia tăng. Cơ quan này cảnh báo lượng sản xuất và tiêu thụ thuốc lắc có dấu hiệu tăng mạnh ở các nước đang phát triển, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Về số người sử dụng ma tuý, báo cáo của UNDOC cho hay toàn cầu có từ 172 đến 250 triệu người từng sử dụng ma tuý trái phép ít nhất một lần trong năm. Trong đó, khoảng 143 đến 190 triệu người sử dụng cần sa; khoảng từ 15 đến 21 triệu người sử dụng ma tuý có nguồn gốc từ thuốc phiện; 16 đến 21 triệu người sử dụng bột cocaine; 16 đến 51 triệu người sử dụng dược chất ma tuý thuộc nhóm amphetamin; 12 đến 24 triệu người sử dụng ma tuý tổng hợp estasy. Những con số trên đây là tính cả những người từng một lần thử qua ma tuý (có thể chưa nghiện). Còn về số người nghiện ma tuý kinh niên, UNODC ước tính vào khoảng 18 đến 38 triệu người. Hằng năm có khoảng 200.000 người chết vì ma túy. Hiện công việc sản xuất loại ma túy này đã phát triển thành một ngành công nghiệp lớn, với những xưởng chế xuất có quy mô lớn ở Đông Nam Á. Tội phạm liên quan đến ma túy đang gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng về an ninh ở nhiều khu vực trên thế giới.
(Theo QLTT)