Cần đặt lợi ích quốc gia để nâng tầm Di sản vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà

HH&PL – Việc xoá bỏ “ngăn sông cấm chợ”, thống nhất về quản lý là giải pháp căn cơ để vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới.

Tháng 9/2023, UNESCO chính thức công nhận vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Việc vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam là bài học kinh nghiệm hữu ích trong việc kết hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới nói riêng, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh nói chung ở Việt Nam trong những năm tới.

Đồng thời, dấu mốc này mở ra nhiều cơ hội cho phát triển du lịch Hải Phòng – Quảng Ninh, đặc biệt trong xây dựng thương hiệu du lịch quốc tế. Tuy nhiên, để khai thác, phát huy các giá trị di sản, cho đến nay điều mà các nhà nghiên cứu du lịch, doanh nghiệp du lịch trong nước mong mỏi chính là sớm xoá bỏ tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, có sự đồng nhất về quản lý hoạt động tại vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà của tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng.

Cần đặt lợi ích quốc gia để nâng tầm Di sản vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà
Việc tháo gỡ các khó khăn, hạn chế sẽ hỗ trợ doanh nghiệp du thuyền hoạt động thuận lợi hơn tại vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà. Ảnh: Indonechia

Theo một số doanh nghiệp du thuyền trên vịnh Lan Hạ, thời gian qua, tàu du lịch muốn đi từ Hạ Long sang vịnh Lan Hạ, hoặc ngược lại vẫn phải chờ sự chấp thuận của các cơ quan chức năng Quảng Ninh và Hải Phòng. Mặt khác, tình trạng doanh nghiệp phải sử dụng cùng lúc hai du thuyền do đang kinh doanh sản phẩm trải nghiệm ở cả vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ và quần đảo Cát Bà. Sau khi đưa khách tham quan, nghỉ một đêm trên vịnh Hạ Long, du thuyền sẽ quay về bến Tuần Châu. Từ đây, khách được chuyển lên một chiếc tàu cao tốc, chạy sang khu vực nơi du thuyền chạy tuyến Lan Hạ neo đậu ở vùng nước thuộc Gia Luận, Hải Phòng, khiến hành trình của du khách mất nhiều thời gian.

Chia sẻ với Báo Công Thương về thực trạng trên, ông Phạm Hà – CEO Lux Group, chủ tàu Heritage Cruises, thành viên Hiệp hội tàu du lịch Lan Hạ cho hay, việc không đồng nhất trong quản lý của Quảng Ninh-Hải Phòng suốt thời gian qua đã gây khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động, chưa kể hạ tầng bến cảng, tình trạng ô nhiễm, rác thải trên di sản chưa được xử lý dứt điểm. “Thay vì tư duy cục bộ địa phương, doanh nghiệp rất mong Quảng Ninh, Hải Phòng có sự quản lý đồng nhất, đặt lợi ích quốc gia để nâng tầm di sản. Qua đó, để khách du lịch có thể lựa chọn đến Việt Nam thay vì quốc gia khác”- ông Hà nói.

Chia sẻ quan điểm về phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà, ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng nhấn mạnh, tư duy cát cứ và cục bộ địa phương có thể ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến việc phát huy giá trị di sản. Theo đó, “việc hợp tác, liên kết chặt chẽ và thực chất phải được coi là giải pháp hàng đầu trong việc khắc phục tính cát cứ, cục bộ để khai thác và phát huy hiệu quả giá trị di sản vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà, để cùng với Đồ Sơn, nơi đây trở thành trung tâm du lịch quốc tế trong tương lai”- ông Tuấn nói.

Theo đó, hiện, các chuyên gia, doanh nghiệp đều hy vọng hai địa phương tiếp tục có sự hợp tác, xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước đối với hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch, thời gian tham quan, vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ.

Ông Phạm Hà kiến nghị, phương thức quản lý, khai thác du lịch cần thay đổi với thời đại công nghệ. Đó là không cần biết tàu đón khách ở đâu mà chỉ cần xác định họ tham quan chỗ nào qua hệ thống định vị để thu phí. Cần nhất là những tour đi thông hai địa phương, nâng cao thời gian nghỉ dưỡng trên vịnh để giữ chân du khách lâu hơn. “Có thể thông giữa các vịnh để du khách khi tham quan vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ không phải đi ba hành trình khách nhau, ba du thuyền khác nhau. Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát hành trình qua GPS một cách dễ dàng”- ông Hà nêu ý kiến.

Tổng giám đốc, Chủ đầu tư Du thuyền Indochine Premium – bà Lê Phương Nhi cũng nêu ý kiến rằng, chính quyền hai địa phương cần ngồi lại để xây dựng điểm đến chung nhằm thu hút du khách. Theo bà Nhi, làm sao để dịch vụ phải chỉn chu hơn, vịnh đẹp hơn, sạch hơn, tổ chức quy củ hơn. Khách hàng đến Việt Nam chọn điểm đến là Việt Nam chứ không chỉ chọn riêng vịnh Hạ Long hay Cát Bà. “Chúng ta có tài nguyên du lịch hoàn hảo để khai thác, đủ để thu hút du khách tại sao không thể làm chỉn chu hơn, đồng bộ hơn để khách có thể đến trải nghiệm và chi tiền nhiều nhất“, bà Lê Phương Nhi nói.

Thực tế, thời gian qua, theo lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Phòng đã có những hợp tác nhất định trong quản lý, khai thác du lịch ở vùng Hạ Long-Cát Bà trước khi quần thể này được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Theo đó, việc đồng thuận giữa Hải Phòng và Quảng Ninh là mấu chốt để UNESCO thông qua hồ sơ công nhận quần thể Hạ Long-Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Thời gian tới, hai địa phương sẽ tiếp tục bàn bạc, thống nhất các vấn đề chung như tour tham quan, kênh tiếp nhận thông tin và biện pháp bảo vệ để đề xuất, tham mưu Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch giao triển khai thực hiện.

Hy vọng, việc hợp tác, thống nhất về quản lý của Quảng Ninh, Hải Phòng trong khai thác di sản vịnh Hạ Long-Cát Bà sẽ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp du lịch, du thuyền hoạt động; qua đó tiếp tục tạo lợi thế cạnh tranh đối với sản phẩm du lịch tàu biển, cũng như du lịch biển đảo Việt Nam phát triển. Đặc biệt trong thời điểm ngành du lịch Việt Nam đang chuẩn bị bước vào mùa cao điểm đón khách du lịch quốc tế, việc khắc phục được những khó khăn, hạn chế cũng như tháo gỡ các rào cản đối với doanh nghiệp du lịch tàu biển là cơ hội để Việt Nam thu hút, níu chân du khách ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.

Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới, bởi nơi đây chứa đựng các khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên bao gồm các đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ và các đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với các đặc điểm karst liên quan như các mái vòm và hang động. Cảnh trí ngoạn mục không bị tác động của các đảo có thảm thực vật che phủ, hồ nước mặn, đỉnh nhọn núi đá vôi với các vách dựng đứng nhô lên trên biển. Với 1.133 hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ (775 đảo đá vôi thuộc Vịnh Hạ Long và 358 đảo đá vôi thuộc Quần đảo Cát Bà) được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú trên mặt nước lấp lánh màu ngọc bích, Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà hiện lên như một bàn cờ bằng đá quý; nước non trùng điệp, thanh bình; những bãi cát trắng mịn, tinh khôi.

Bảo Thoa (theo Công thương)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan