Kiểm soát hàng giả trên không gian mạng: lực lượng QLTT “siết chặt vòng vây” trên 63 tỉnh thành
PLNews – Ít nhất 600 website “có dấu hiệu” vi phạm nằm trong danh sách kiểm soát chặt của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) trên 63 tỉnh thành trên cả nước trong thời gian tới.
Tổng cục QLTT cho biết, qua rà soát, thời gian qua, Tổng cục QLTT phát hiện nhiều đối tượng có dấu hiệu vi phạm sử dụng website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc mạng xã hội để kinh doanh. Theo đó, Tổng cục QLTT đề nghị Cục QLTT các tỉnh, thành phố chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, khẩn trương tổ chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm theo danh sách 600 website đã được Tổng cục QLTT cung cấp tới 63 Cục QLTT địa phương. Tổng cục QLTT yêu cầu nếu phát hiện các trường hợp vi phạm cần kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của Luật.
Tổng cục QLTT yêu cầu các đơn vị cần nghiêm túc triển khai thực hiện và báo cáo kết quả xử lý về Tổng cục trước ngày 15 tháng 11 năm 2024.
Trong bức thư chúc mừng toàn lực lượng nhân kỷ niệm 06 năm thành lập Tổng cục Quản lý thị trường, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh đã nhấn mạnh rằng: Năm 2024 là một năm đầy thách thức, đánh dấu bước chuyển mình của mô hình Tổng cục thống nhất từ Trung ương đến địa phương giai đoạn 05 năm lần thứ 2. Giai đoạn mà thế mạnh vượt trội trong việc sử dụng công nghệ tiên tiến tạo ra năng suất lao động cao; giai đoạn mà thương mại điện tử đang trở thành xu hướng mua sắm phổ biến.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của hình thức kinh doanh này cũng tạo ra những thách thức mới đối với lực lượng của chúng ta trong công tác giám sát, kiểm tra thị trường, đặc biệt là vấn đề hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ ở cả đời thực lẫn không gian ảo. Đây cũng chính là mặt trận nóng bỏng mà lực lượng quản lý thị trường chúng ta phải tập trung, ưu tiên kiểm tra, kiểm soát trong thời gian tới.
“Tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể hoàn thành nhiệm vụ nếu như từng người trong lực lượng thấu hiểu trách nhiệm, sứ mệnh của lực lượng đã đặt ra “vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và bảo vệ người tiêu dùng” – Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh bày tỏ.
Trước đó, trả lời đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn hồi tháng 8/2024 liên quan đến phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng là rất quan trọng, nhất là trong môi tường thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh: Trong nền kinh tế thị trường, việc phòng, chống gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn thuế là công việc vô cùng quan trọng, đồng thời cũng là thách thức rất lớn đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhất là trong môi trường thương mại điện tử. Thời gian vừa qua, để nâng cao hiệu quả công tác này, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành rất nhiều các cơ chế, chính sách để khắc phục tình trạng này.
Có thể nói, thời gian qua, lực lượng chức năng, mà tiên phong là đội ngũ Quản lý thị trường cả nước, Ban Chỉ đạo 389 Trung ương và các tỉnh, Cảnh sát kinh tế…, luôn tích cực đấu tranh, ngăn chặn nhiều vụ việc lớn có vi phạm trên môi trường thương mại điện tử. Tính riêng trong 9 tháng năm 2024, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý 2.014 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 35,4 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 29,4 tỷ đồng.
Đáng lưu ý là cả 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều xảy ra các vi phạm trên môi trường online. Trong đó, các địa phương có số vụ xử lý cao, gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đà Nẵng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Cao Bằng, Gia Lai, Hà Giang, Ninh Bình, Nghệ An, Thái Bình, Thái Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Trị, Tiền Giang.
Những vụ vi phạm lớn, tạo tiếng vang thời gian qua có thể kể đến như sự vụ tại Hà Nội: lực lượng QLTT đã triệt phá kho hàng lớn, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu bằng hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Facebook (Mailystyle.com); hàng trăm nghìn lượt xem và đặt hàng; hàng hóa gồm 126.603 sản phẩm thuộc 242 chủng loại hàng hóa các loại gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm và hàng gia dụng do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc với trị giá hàng hóa vi phạm trên 20 tỷ đồng. Đây là vụ việc vi phạm điển hình trong kinh doanh trên TMĐT có tính chất, quy mô phức tạp. Vụ việc đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra thụ lý.
Hay như tại Gia Lai: lực lượng QLTT cũng phát hiện, bắt quả tang tiến hành livestream bán hàng trên tài khoản “Ngọc Quyên Gia Lai” với hàng trăm nghìn lượt theo dõi; phát hiện tổng kho chứa hàng hục nghìn sản phẩm các loại của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như nước hoa Gucci, Tom Ford, YSL, Chanel, Louis Vuitton, Dior, Boss, Sauvage, Lancôme, Kilian; giầy, dép, túi, ví các thương hiệu Louis Vuiton, Chanel, Adidas, Nike; mỹ phẩm các nhãn hiệu Vaseline, Bioderma; các loại thực phẩm chức năng cùng hàng loạt các mặc hàng là đồ gia dụng, tiêu dùng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đa số các thương nhân tổ chức kho hàng gần cửa khẩu và thiết lập các điểm livestream chốt đơn hàng ở các tỉnh thành phố; giao hàng thông qua đơn vị chuyển phát. Các tài khoản chào hàng trung gian, địa điểm tiếp nhận đơn và chuyển hàng được bố trí ở nhiều địa điểm khác nhau. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ký gửi hàng hoá và sử dụng những người nổi tiếng, nhiều lượt theo dõi trên trang cá nhân để livestream, chốt đơn hàng. Do tốc độ lưu chuyển hàng hoá nhanh nên số lượng, chủng loại hàng hoá tại các kho tương đối lớn và thường xuyên biến động.
Theo đánh giá của Tổng cục Quản lý thị trường, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này xuất phát từ việc môi trường để hàng giả đưa vào lưu thông càng ngày càng trở nên dễ dàng. Ví dụ, như kinh doanh công khai trên các mô hình kinh doanh online, sàn giao dịch thương mại điện tử, khiến lực lượng chức năng rất khó đối phó…
Đáng chú ý, hiện nay còn có tình trạng các đối tượng đăng thông tin hoặc livestream bán hàng ở một nơi nhưng kho ở một nơi hoặc thậm chí bán hàng qua các trung gian để kiếm lời hoặc chia kho ra ở rất nhiều các tỉnh, thành phố khác nhau. Do vậy, cơ quan chức năng khi đi kiểm tra, xử lý vi phạm hết sức khó khăn.
Thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử, lực lượng QLTT tiếp tục thay đổi toàn diện phương thức hoạt động kiểm tra, kiểm soát. Theo đó, lực lượng sẽ ưu tiên phòng ngừa, giám sát, tăng cường kiểm tra đột xuất, chuyên đề, hậu kiểm, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Cùng với đó, tập trung xây dựng lực lượng Quản lý thị trường tinh nhuệ, chủ động, thống nhất, phản ứng nhanh, liên tục, thông suốt hiệu quả 24/7.
Đặc biệt, lực lượng sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn tập trung; đưa các giải pháp về công nghệ áp dụng vào quá trình giám sát, phòng ngừa. Tập trung triển khai Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.
Ngày 29/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 319/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Đề án hướng đến 04 mục tiêu cụ thể, gồm:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhãn hàng hóa trong hoạt động TMĐT; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động triển khai áp dụng mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Thứ hai, phát triển hạ tầng, cải tiến công nghệ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng để quản lý tập trung, xuyên suốt, đồng bộ phục vụ hiệu quả công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT.
Thứ ba, 100% đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT được đào tạo, trang bị kiến thức về TMĐT, có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ tư, 100% các sàn giao dịch TMĐT lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả; 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT lớn được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về TMĐT, pháp luật chuyên ngành đối với các hàng hóa do tổ chức, cá nhân kinh doanh; 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi của mình.
Đồng thời, đề án cũng đề ra 06 giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra, gồm: Hoàn thiện quy định pháp lý về TMĐT và bảo vệ người tiêu dùng; Xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; phát triển hạ tầng, thiết bị bảo đảm an ninh an toàn thông tin phục vụ công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT; Nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trong hoạt động thực thi pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT; Nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan; Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT; Hợp tác quốc tế về công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT. |