Thủ tướng: Quyền con người là nội dung cốt lõi, quan điểm xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam

PLNews – Sáng 11/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

Thủ tướng: Quyền con người là nội dung cốt lõi, quan điểm xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự và chủ trì Hội nghị có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu chính và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố có đại diện lãnh đạo các Ban Đảng Trung ương, các cơ quan của Quốc hội, các bộ, cơ quan ngang bộ, các đoàn thể chính trị, xã hội, các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Hội nghị diễn ra đúng vào thời điểm Việt Nam cùng các nước trên thế giới kỷ niệm 76 năm ngày Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (10/12/1948-10/12/2024) và hưởng ứng giai đoạn thứ 5 của chương trình giáo dục quyền con người do Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc thông qua vào ngày 19/8/2024.

Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả và hạn chế trong việc thực hiện Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 34/CT-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung về quyền con người vào chương trình giáo dục trong thệ thống giáo dục quốc dân.

Thủ tướng: Quyền con người là nội dung cốt lõi, quan điểm xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian qua, việc bảo đảm quyền con người, triển khai giáo dục về quyền con người tại Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nhấn mạnh: “Một trong những điểm cốt lõi của kỷ nguyên mới, như trao đổi của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm chính là hướng tới mục tiêu “mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hoà bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu”. Nói một cách khác, trong kỷ nguyên mới này, quyền con người, quyền công dân được Đảng, Nhà nước ta tiếp tục quan tâm và ngày càng được bảo đảm tốt hơn, như khát khao tột bậc khi sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta hằng mong ước. Chúng ta cũng có thể khẳng định rằng, trong thời gian vừa qua, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người nói chung, giáo dục quyền con người nói riêng là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm sâu sắc, đặc biệt trong thời kỳ Đổi mới”.

Hội nghị nghe báo cáo Tổng kết 7 năm triển khai thực hiện Đề án do đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày; ý kiến phát biểu của đại diện 4 bộ/ngành tham gia ban điều hành Đề án (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) và đại diện một số tỉnh, thành phố.

Thủ tướng: Quyền con người là nội dung cốt lõi, quan điểm xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam- Ảnh 3.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Hội nghị – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thông điệp quan trọng về bảo vệ và giáo dục quyền con người

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hội nghị gửi đi thông điệp quan trọng của Việt Nam với thế giới, với các nước quan tâm về bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người. Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức, với mục tiêu cuối cùng là hướng tới người dân với vai trò trung tâm, là chủ thể.

Thủ tướng nhấn mạnh, bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, giúp mọi người nâng cao nhận thức, hiểu biết về quyền con người; có ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân và tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác; có ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước và xã hội. Bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người là vấn đề mang tính toàn dân, toàn diện của cả nước, cũng là vấn đề mang tính toàn cầu.

Cơ bản thống nhất với tham luận, ý kiến phát biểu, Thủ tướng dành thời gian chia sẻ về 3 vấn đề: Một số vấn đề về quyền con người và giáo dục quyền con người; kết quả về bảo đảm quyền con người và giáo dục quyền con người tại Việt Nam; các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới.

Về quyền con người và giáo dục quyền con người, Thủ tướng cho biết ngay từ năm 1948, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã có Tuyên ngôn Phổ quát về quyền con người. Từ đó đến nay, Liên Hợp Quốc đã thông qua 5 giai đoạn của giáo dục quyền con người; trong đó giai đoạn thứ 5 chính thức phát động trên toàn thế giới vào ngày hôm qua (10/12/2024).

Thủ tướng: Quyền con người là nội dung cốt lõi, quan điểm xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam- Ảnh 4.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đối với Việt Nam, vấn đề quyền con người và giáo dục quyền con người là một trong những nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là quan điểm xuyên suốt mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển, không hy sinh tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định không có mục tiêu nào khác là mang lại độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đã khẳng định quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc.

Hiến pháp năm 2013 có 120 điều thì gồm 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “không để một số điều luật trở thành điểm nghẽn cản trở thực hiện quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế – xã hội”.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, chỉ đạo triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, nghị quyết, kết luận về quyền con người và giáo dục quyền con người.

Thủ tướng: Quyền con người là nội dung cốt lõi, quan điểm xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam- Ảnh 5.

Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Lê Huy Vịnh trình bày tham luận tại Hội nghị – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, việc bảo đảm quyền con người, triển khai giáo dục về quyền con người tại Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh, với 8 kết quả nổi bật.

Thứ nhất, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Sau gần 40 năm đổi mới từ một nước bị tàn phá nặng nề sau nhiều cuộc chiến tranh, bị bao vây, cấm vận suốt 30 năm, Việt Nam trở thành quốc gia điển hình thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, là hình mẫu về hàn gắn và khôi phục sau chiến tranh.

Tỉ lệ nghèo đa chiều theo chuẩn mới năm 2024 chỉ còn khoảng 1%. Theo Báo cáo Phát triển con người của UNDP, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2024 tăng 8 bậc so với kỳ trước, từ 115 lên vị trí 107/193 quốc gia. “Nhân quyền lớn nhất của Việt Nam là làm sao để hơn 100 triệu người dân được sống trong tự do, ấm no và hạnh phúc, an ninh, an toàn, an dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ hai, trẻ em được nuôi dưỡng, tạo mọi điều kiện đến trường; mọi người dân đều được khuyến học trên nền giáo dục quốc dân ngày càng phát triển và một xã hội học tập. Đến nay, đã phổ cấp giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tỉ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt đạt 99,7%; tỉ lệ học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục THCS đạt 90,7%.

Thứ ba, thanh niên, người trong độ tuổi lao động, người có nhu cầu tham gia lao động có nhiều cơ hội việc làm để làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương, đất nước. Tính đến quý III năm 2024, cả nước có 51,6 triệu lao động có việc làm, chiếm 98% lực lượng lao động.

Thứ tư, người cao tuổi được quan tâm, chăm sóc; công tác đền ơn, đáp nghĩa thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng được thực hiện tốt.

Tuổi thọ trung bình của Việt Nam tăng từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,5 tuổi năm 2023 và cao hơn trung bình thế giới (73 tuổi). Nhà nước hiện trợ cấp thường xuyên cho trên 1,13 triệu người có công với kinh phí 29.000 tỷ đồng/năm.

Thủ tướng: Quyền con người là nội dung cốt lõi, quan điểm xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam- Ảnh 6.

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ trình bày tham luận tại Hội nghị – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ năm, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, gặp thiên tai, bão lũ được hỗ trợ; người nghèo được tạo điều kiện để tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và thoát nghèo bền vững; bảo đảm công bằng xã hội, an sinh xã hội trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”

Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống 1,93% năm 2024. Việt Nam được thế giới ghi nhận, đánh giá cao và coi là hình mẫu thành công về xoá đói, giảm nghèo. Nhà nước hiện trợ cấp thường xuyên cho gần 3,4 triệu đối tượng bảo trợ xã hội và gần 355.000 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hằng tháng. Riêng trong đại dịch COVID-19, Việt Nam hỗ trợ cho 67 triệu lượt người với kinh phí hơn 100.000 tỷ đồng, là một trong 5 nước có tỉ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới với tiêm chủng miễn phí. Việt Nam đang thực hiện chương trình với mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025.

Thứ sáu, bình đẳng giới được quan tâm và có nhiều bước tiến. Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới, chỉ số bình đẳng giới của Việt Nam tăng từ thứ 87 năm 2021 lên đứng thứ 72/146 năm 2023.

Thứ bảy, mọi người dân đều được sống trong môi trường hòa bình với độc lập chủ quyền được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; mọi người dân đều được hưởng quyền tự do dân chủ, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, tự do sáng tạo và bình đẳng trước pháp luật.

Theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc, chỉ số hạnh phúc năm 2024 của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143; Chỉ số phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam năm 2024 tăng 1 bậc so với năm 2023, xếp thứ 54/166.

Thứ tám, Việt Nam hiện là thành viên và tích cực tham gia các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nhiệm kỳ 2023-2025.

Đặc biệt, trong 7 năm qua, Đề án giáo dục quyền con người đã được triển khai đồng bộ, toàn diện ở các bộ, ngành, địa phương và về cơ bản bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả, trong đó Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – cơ quan chủ trì Đề án – đã triển khai thực hiện và hoàn thành tốt hầu hết các hoạt động theo Kế hoạch tổng thể đề ra.

Thủ tướng: Quyền con người là nội dung cốt lõi, quan điểm xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam- Ảnh 7.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm: Bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, toàn dân, mang tính bao trùm, toàn diện, của cả nước – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Giáo dục quyền con người là chương trình chính thức

Định hướng thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ những quan điểm: Bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, toàn dân, mang tính bao trùm, toàn diện, của cả nước; bảo vệ, giáo dục quyền con người đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự tham gia của người dân; giáo dục quyền con người là chương trình chính thức chứ không phải chương trình lồng ghép, đặt trong tổng thể hệ thống giáo dục Việt Nam, với tinh thần lấy học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực, nhà trường là nền tảng, thực hiện học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Theo Thủ tướng, quyền con người tại Việt Nam gồm các nội hàm quan trọng về quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền bình đẳng, cụ thể gồm: Thứ nhất, được sống vui, sống khỏe, sống an toàn, sống xanh; thứ hai, được tự do hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật để bảo vệ, phát huy tối đa lợi ích chính đáng của cá nhân mình và đóng góp lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội; thứ ba, có cuộc sống ấm no hạnh phúc ngày càng tăng theo từng năm; thứ tư, bảo đảm bình đẳng, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đối với việc bảo đảm quyền con người nói chung, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm quyền con người.

Thể chế hóa đầy đủ và thực hiện hiệu quả các nội dung về quyền con người đã được Hiến pháp năm 2013 quy định. Đưa nguyên tắc tiếp cận dựa trên quyền con người trở thành một yêu cầu và tiêu chí đánh giá bắt buộc trong các hoạt động xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật ở mọi cấp độ.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững trên tinh thần lấy người dân là trung tâm, là chủ thể. Thực hiện tốt chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, trợ giúp các đối tượng yếu thế.

Thủ tướng: Quyền con người là nội dung cốt lõi, quan điểm xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam- Ảnh 8.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội trong việc tuyên truyền, giám sát và thúc đẩy sự tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong toàn xã hội.

Tham gia có trách nhiệm, thúc đẩy đối thoại, hợp tác trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của Liên Hợp Quốc về quyền con người nhằm giải quyết những quan tâm chung về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo.

Đối với việc triển khai Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tham gia Ban điều hành Đề án, UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan có liên quan, các cơ sở giáo dục tập trung rà soát, phấn đấu cao nhất, hoàn thành tốt nhất tất cả các nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thiện các tài liệu giáo dục, giáo trình, sách tham khảo phù hợp cho từng nhóm đối tượng bảo đảm tính hệ thống, tính liên thông của tài liệu, gắn kết lý luận với thực tiễn, kinh nghiệm Việt Nam và quốc tế.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng văn bản hướng dẫn về sử dụng giáo trình, các tài liệu giáo dục quyền con người trong các cấp học; tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quyền con người, phát triển đội ngũ chuyên gia, giáo viên giảng dạy quyền con người; hoàn thành việc triển khai đưa nội dung giáo dục quyền con người trong các sơ sở giáo dục đại học trong năm học 2025-2026.

Bộ Tài chính tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan tham gia thực hiện Đề án, UBND các tỉnh, thành phố trong việc xây dựng kế hoạch tài chính, bố trí kinh phí, bảo đảm nguồn lực để các cơ quan thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền về bảo đảm quyền con người và giáo dục quyền con người tại Việt Nam, nhất là quan điểm, đường lối, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, làm cơ sở cho đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch về quyền con người.

Thủ tướng yêu cầu chủ động tiến hành tổng kết quá trình thực hiện Đề án trong giai đoạn 2017-2025; đồng thời nghiên cứu trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về giáo dục quyền con người trong tình hình mới vào năm 2025 và xây dựng Đề án cho giai đoạn tiếp theo.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương xây dựng Kế hoạch của Chính phủ với sự tham gia của các bộ, ngành để triển khai kết luận của Bộ Chính trị về một số nội dung về Chiến lược phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thủ tướng tin tưởng rằng với sự đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn quân ta, công tác bảo vệ quyền con người, giáo dục quyền con người ngày càng đạt kết quả tốt đẹp, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, giàu mạnh và thịnh vượng của dân tộc như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo.

Theo Hà Văn (Chinhphu.vn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan