Gia tăng vi phạm hóa chất: Thách thức mới trong quản lý thị trường
Với việc hoàn thành công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra 35 doanh nghiệp và đạt được một số kết quả trong xử lý vi phạm, Cục Hóa chất đã để lại dấu ấn quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực hóa chất trong năm 2024.
Năm 2024, tình hình phát triển kinh tế – xã hội cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục có những biến động lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen.
Năm thứ tư thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025 với nhiệm vụ phấn đấu cao nhất để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong bối cảnh các năm đầu của kỳ kế hoạch gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid -19 và biến động chính trị toàn cầu, với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước, và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, kinh tế cả nước tiếp tục khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.
Cùng với sự phục hồi kinh tế nói chung, tốc độ phục hồi và tăng trưởng của ngành công nghiệp hóa chất cũng được duy trì và tăng trưởng ấn tượng. Lượng nhập khẩu, kinh doanh hóa chất tăng cao, đặc biệt đối với hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Song song với vấn đề đó, số lượng hành vi vi phạm trong lĩnh vực hóa chất ngày càng tăng; các hoạt động vi phạm trong lĩnh vực hóa chất ngày càng đa dạng và phức tạp. Trong đó có hành vi về thực hiện khai báo hóa chất không đúng thông tin và thực tế hoạt động nhập khẩu. Hiện tượng này có nguy cơ gây giảm hiệu quả công tác kiểm soát các loại hóa chất nguy hiểm, đặc biệt là các loại hóa chất có thể bị lạm dụng vào các mục đích không phù hợp gây bức xúc trong dư luận thời gian qua như N2O (khí cười), các hợp chất xyanua, các tiền chất công nghiệp (có thể được sử dụng trong quá trình sản xuất các loại ma túy tổng hợp).
Trước vấn đề trên, Cục Hóa chất luôn nhận định công tác thanh tra, kiểm tra là một nhiệm vụ trọng tâm, cần thiết, phù hợp với xu hướng chuyển hoạt động quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Ngay từ đầu năm 2024, Lãnh đạo Cục Hóa chất đã quán triệt tinh thần, trách nhiệm, chuẩn hóa quy trình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và nâng cao năng lực cán bộ công chức đầu mối thực hiện công tác này.
Cục Hóa chất đã triển khai đồng bộ ba hình thức thanh tra: thanh tra chuyên ngành, kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất. Công tác này được thực hiện một cách bài bản, có trọng tâm trọng điểm, tập trung vào những doanh nghiệp có quy mô sản xuất, kinh doanh lớn và những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh, an toàn hóa chất. Việc tăng cường thanh tra, kiểm tra không chỉ nhằm phát hiện và xử lý vi phạm, mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, từ đó đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất.
Năm 2024 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác xử lý vi phạm của Cục Hoá chất với tổng số tiền phạt và thu hồi ngân sách đạt hơn 2,3 tỷ đồng (tăng 82% so với năm 2023). Bên cạnh các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền, Cục Hóa chất đã áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất đối với 02 công ty và tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế đối với 01 công ty.
Công tác thanh tra, kiểm tra còn phản ánh thực trạng cần lưu tâm khi số lượng hành vi vi phạm có xu hướng gia tăng. Phân tích chi tiết các hành vi vi phạm cho thấy những điểm yếu trong công tác quản lý an toàn hóa chất của doanh nghiệp; trong đó, vi phạm về huấn luyện an toàn chiếm tỷ lệ cao nhất với 22%, thể hiện qua việc không tổ chức huấn luyện định kỳ, nội dung huấn luyện không đầy đủ hay người huấn luyện không đạt tiêu chuẩn. Tiếp đến là các vi phạm về thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và kế hoạch/biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất (chiếm 20%). Các vấn đề về Phiếu an toàn hóa chất cũng chiếm tới 12% tổng số vi phạm được phát hiện.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm gia tăng, trong đó nhận thức của doanh nghiệp về an toàn hóa chất còn hạn chế là một trong những nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh khiến một số doanh nghiệp cắt giảm chi phí về an toàn cùng với việc không thường xuyên cập nhật các quy định pháp luật mới và năng lực quản lý còn yếu của một số doanh nghiệp cũng góp phần làm gia tăng tình trạng vi phạm.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật song song với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia trong quản lý và giám sát. Việc tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu về vi phạm được xem là những giải pháp then chốt để có để tăng cường hiệu quả công tác quản lý về hóa chất trong thời gian tới.
Lãnh đạo Cục Hóa chất quán triệt các các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chị thị số 10/CT-BCT ngày 05 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
Với tinh thần xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2025 tăng 30% số lượng so với năm 2024, Cục Hóa chất đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc tăng cường công tác quản lý nhà nước. Thực hiện phương thức chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là xu hướng tất yếu, nhưng điều này đòi hỏi công tác thanh tra, kiểm tra phải được thực hiện một cách thận trọng, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Với những kinh nghiệm tích lũy được trong năm 2024 cùng sự chỉ đạo sát sao của tập thể Lãnh đạo Bộ Công Thương, Lãnh đạo Cục Hóa chất và những nỗ lực không ngừng với định hướng rõ ràng, công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực hóa chất được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần đảm bảo an toàn và phát triển bền vững của ngành.
Theo https://qltt.vn/