Tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV: Đặt nền móng cho lập pháp nhiệm kỳ mới

PLNews – Hoàn thiện chương trình pháp luật nhiệm kỳ XV không chỉ là tổng kết, mà còn là khởi đầu cho hành trình lập pháp đổi mới nhiệm kỳ tới.

Bộ Công Thương hoàn thành 7 nhiệm vụ lập pháp trọng tâm

Bộ Công Thương vừa công bố kết quả tổng kết việc thực hiện Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và xây dựng Định hướng lập pháp cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI theo chỉ đạo từ Chính phủ và Bộ Tư pháp.

Triển khai loạt chỉ đạo như Công văn 3084/BTP của Bộ Tư pháp, Quyết định 745/QĐ-TTg và Quyết định 2960/QĐ-BCT, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện việc thực hiện các định hướng lập pháp trong nhiệm kỳ vừa qua. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã quán triệt nghiêm túc các kết luận, kế hoạch, đặc biệt là Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị, đảm bảo triển khai sâu rộng trong toàn ngành.

Trụ sở Bộ Công Thương. Ảnh minh họa

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Công Thương được giao chủ trì 7 nhiệm vụ quan trọng như: sửa đổi Luật Dầu khí, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, rà soát các luật liên quan đến hóa chất, thương mại, điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm – hiệu quả, và xây dựng dự án Luật về công nghiệp hỗ trợ. Đến nay, cả 7 nhiệm vụ đã được Bộ hoàn thành đúng tiến độ, làm cơ sở để Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn tiếp theo.

Xác định hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ xuyên suốt trong giai đoạn mới

Là một trong những bộ thuộc khối kinh tế ngành, Bộ Công Thương xác định công tác xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong hoạt động quản lý nhà nước. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật không chỉ đảm bảo hiệu quả vận hành bộ máy hành chính, mà còn là nền tảng cho phát triển công nghiệp – thương mại bền vững.

Trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ đã bám sát các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tư tưởng xuyên suốt được thể hiện rõ qua các văn kiện quan trọng như Nghị quyết Đại hội XIII, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021 – 2030, Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị, và Nghị quyết 27-NQ/TW về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

Đồng thời, Bộ cũng nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ như Nghị quyết 99/NQ-CP và 76/NQ-CP liên quan đến cải cách hành chính và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2030. Nhờ đó, chất lượng xây dựng pháp luật trong ngành Công Thương ngày càng được nâng cao, nội dung văn bản pháp luật đảm bảo cả về kỹ thuật lập pháp và tính thực tiễn, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý trong tình hình mới.

Tập trung thể chế hóa chủ trương lớn

Bộ Công Thương kiến nghị triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng và thi hành pháp luật trong giai đoạn 2026–2030.

Cụ thể, Bộ đề xuất:

  • Tiếp tục quán triệt nghiêm túc các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, đặc biệt là 4 Nghị quyết trụ cột (57, 59, 66, 68-NQ/TW).
  • Bám sát các dự thảo văn kiện Đại hội XIV để làm cơ sở chính trị, định hướng rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
  • Đổi mới công tác điều hành, nâng cao kỷ luật hành chính và trách nhiệm người đứng đầu, thúc đẩy cải cách hành chính.
  • Tuân thủ nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, đảm bảo quy trình xây dựng luật minh bạch, có tham vấn chuyên gia và doanh nghiệp.

Thanh Bình

Theo congthuong.vn

Tin liên quan