Người tiêu dùng gặp rủi ro vì hàng giả mạo thương hiệu quốc tế
PLNews – Công an TP Hà Nội đã triệt phá thành công một đường dây sản xuất và buôn bán thuốc giả với quy mô lớn, hơn 100 tấn hàng hóa giả mạo.
Hàng giả núp bóng thương hiệu quốc tế: Nguy cơ lừa đảo người tiêu dùng
Thời gian qua, nhiều vụ việc sản xuất và buôn bán hàng giả quy mô lớn đã bị lực lượng chức năng triệt phá, phản ánh một thực tế đáng lo ngại: nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi đăng ký kinh doanh đã sử dụng tên gọi tương tự hoặc dễ gây nhầm lẫn với các thương hiệu nổi tiếng quốc tế. Điều này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ lừa dối người tiêu dùng mà còn có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín thị trường.
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Công an nhân dân, vào ngày 22/4/2024, Cục Cảnh sát kinh tế (C03) phối hợp với Công an TP Hà Nội đã triệt phá thành công một đường dây sản xuất và buôn bán thực phẩm chức năng giả với quy mô lớn, thu giữ hơn 100 tấn hàng hóa giả mạo.
Các đối tượng trong vụ án này đã lập các công ty “bình phong” với tên gọi dễ gây nhầm tưởng, có liên quan tới các thương hiệu nổi tiếng quốc tế như MediPhar, MediUSA, MegaLife, nhằm hợp thức hóa hoạt động sản xuất và tiêu thụ thực phẩm chức năng giả.
Tương tự, tại Phú Thọ, lực lượng chức năng đã khám xét Công ty TNHH Thương mại Famimoto, phát hiện doanh nghiệp này sản xuất và tiêu thụ hàng chục tấn mì chính, hạt nêm, dầu ăn giả. Những sản phẩm này có bao bì thiết kế rất giống các nhãn hiệu lớn trên thị trường, khiến người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn khi lựa chọn. Đặc biệt, tên gọi của công ty này cũng rất dễ làm người tiêu dùng nghĩ đến sản phẩm mì chính của một thương hiệu nổi tiếng Nhật Bản.

Các vụ việc trên cho thấy, việc lợi dụng tên gọi doanh nghiệp “na ná” các thương hiệu ngoại đã trở thành một chiêu thức tinh vi giúp các đối tượng sản xuất hàng giả lừa dối người tiêu dùng và qua mặt các cơ quan quản lý.
Khoảng trống pháp lý trong việc kiểm soát tên doanh nghiệp gây nhầm lẫn với thương hiệu quốc tế
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, tên doanh nghiệp không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đăng ký trước. Khoản 2 Điều 37 của luật này đã quy định rõ: “Tên doanh nghiệp không được xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ”.
Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy việc kiểm tra sự trùng lặp chủ yếu chỉ giới hạn trong cơ sở dữ liệu tên doanh nghiệp quốc gia. Ngoài ra, hiện chưa có cơ chế yêu cầu đối chiếu rộng rãi với nhãn hiệu quốc tế hoặc các thương hiệu nổi tiếng chưa đăng ký tại Việt Nam. Điều này tạo ra một khoảng trống, khiến một số doanh nghiệp cố tình đặt tên gần giống các thương hiệu nước ngoài (chỉ cần thay đổi một chút về âm tiết hoặc chữ viết) và vẫn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Một ví dụ điển hình là việc một doanh nghiệp lấy tên “Famimoto”, rất dễ khiến người tiêu dùng liên tưởng đến các thương hiệu quốc tế uy tín. Khi bán sản phẩm giả dưới cái tên gần giống này, doanh nghiệp lừa dối người tiêu dùng và rất khó bị xử lý ngay từ đầu nếu chỉ dựa vào giấy tờ đăng ký kinh doanh.
Ngoài Luật Doanh nghiệp, Khoản 3 Điều 6 của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 cũng có quy định về quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, cho rằng quyền này được xác lập qua việc đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều 202 của Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định các biện pháp xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là nếu thương hiệu quốc tế chưa đăng ký tại Việt Nam hoặc nhãn hiệu chưa được bảo hộ, việc đối chiếu để từ chối cấp phép tên doanh nghiệp gần như không thể thực hiện được. Thêm vào đó, ngay cả khi phát hiện sự nhầm lẫn, quy trình yêu cầu doanh nghiệp đổi tên cũng khá phức tạp và kéo dài.
Trước tình trạng này, Nghị định 65/2023/NĐ-CP, sửa đổi Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã phần nào siết chặt quy định về việc đặt tên doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh. Cụ thể, cơ quan đăng ký doanh nghiệp phải từ chối cấp tên nếu phát hiện tên gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã bảo hộ. Nghị định cũng cho phép yêu cầu doanh nghiệp đổi tên trong vòng 30 ngày nếu phát hiện sự nhầm lẫn sau khi cấp giấy phép. Tuy nhiên, việc thực thi ngoài thực tế vẫn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tự giác của doanh nghiệp và khả năng kiểm tra, đối chiếu của cán bộ đăng ký.

Siết chặt việc đặt tên doanh nghiệp: Ngăn ngừa hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng
Việc doanh nghiệp cố tình đặt tên gây nhầm lẫn với các thương hiệu nổi tiếng dẫn đến hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng. Người tiêu dùng dễ nhầm tưởng sản phẩm có nguồn gốc từ các thương hiệu lớn, từ đó dễ bị lừa đảo. Điều này không chỉ làm môi trường kinh doanh trở nên méo mó, tạo ra lợi thế cạnh tranh không công bằng, mà còn khiến hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan, gây tổn hại đến sức khỏe cộng đồng. Hình ảnh quốc gia cũng bị ảnh hưởng nếu hàng giả “Made in Vietnam” len lỏi vào thị trường nước ngoài.
Các vụ việc như việc phát hiện 100 tấn thực phẩm chức năng giả hay hàng chục tấn mì chính giả mới đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nếu không siết chặt quy trình cấp phép, các vụ việc tương tự chắc chắn sẽ tiếp tục tái diễn. Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước hết, cần bổ sung quy định yêu cầu cơ quan đăng ký doanh nghiệp phải đối chiếu với cơ sở dữ liệu nhãn hiệu quốc tế và các thương hiệu nổi tiếng khi xét duyệt tên doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp liên ngành giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và Cục Sở hữu trí tuệ để nâng cao hiệu quả kiểm tra.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về trách nhiệm trong việc lựa chọn tên doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Doanh nghiệp cần ý thức được sự ảnh hưởng của tên gọi đối với người tiêu dùng và môi trường kinh doanh. Cuối cùng, cơ quan chức năng cũng cần áp dụng chế tài mạnh hơn đối với doanh nghiệp cố tình lợi dụng tên gọi để lừa dối người tiêu dùng, thậm chí xử lý hình sự theo Điều 192 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
Phong Lâm
Theo congthuong.vn