‘Phong sát’ KOLs lừa dối: Dẹp bọn ‘kẹo rau, tôm rồng’ làm méo mó thương mại điện tử!
PLNews – Mức phạt ‘nhẹ hều’ chưa đủ răn đe các “chiến thần” lừa dối, làm méo mó thương mại điện tử- vũ khí để thị trường nội địa tăng 2 con số như Tổng Bí thư kỳ vọng!
Người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật: Hệ lụy và bài học cho người tiêu dùng
Mạng xã hội tràn ngập hình ảnh nghệ sĩ, KOL, KOC cầm sản phẩm quảng cáo với những lời cam kết chất lượng, nhưng thực tế không ít trong số đó là chiêu trò lừa dối người tiêu dùng. Từ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng đến những sản phẩm chưa rõ nguồn gốc, nhiều người nổi tiếng đã tâng bốc sản phẩm quá mức, bất chấp hậu quả.
Gần đây, loạt cái tên như hot girl Chu Thanh Huyền – vợ cầu thủ Nguyễn Quang Hải, Hằng Du Mục, Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên, Quang Linh Vlogs bị lên án vì quảng cáo sai sự thật. Điển hình, Hằng Du Mục khẳng định yến sào cô bán là loại cao cấp, mỗi hũ 70ml chứa 30 gram yến tươi, nhưng thực tế con số này bị thổi phồng. Quang Linh Vlogs cũng bị chỉ trích khi quảng cáo kẹo rau củ với tuyên bố thiếu cơ sở khoa học.
Trước làn sóng phản đối, Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục, Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên và đơn vị sản xuất đã lần lượt lên tiếng xin lỗi. Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng quảng cáo thiếu trung thực, gây ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Lời xin lỗi của người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật: Chân thành hay chỉ đối phó dư luận?
Nhiều người đặt câu hỏi: Nếu không có phản ứng từ dư luận và sự can thiệp của cơ quan chức năng, liệu những người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật có tự giác sửa sai? Lời xin lỗi của họ có thực sự chân thành hay chỉ là động thái đối phó dư luận?
Trường hợp của hot girl Chu Thanh Huyền phần nào phản ánh điều này. Sau khi bị chỉ trích vì quảng cáo sai sự thật, cô đăng video xin lỗi trên TikTok nhưng đồng thời lại có những phát ngôn gây tranh cãi trên Facebook, xem thường dư luận.
Theo ông Hồ Tùng Bách, Phó Trưởng phòng Người tiêu dùng (Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương), thương mại điện tử mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng tạo điều kiện cho hành vi lừa đảo, cung cấp thông tin sai lệch. Các chuyên gia truyền thông cảnh báo rằng nếu không có chế tài đủ mạnh, tình trạng người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật sẽ tiếp diễn, ngày càng tinh vi hơn.
Với những hợp đồng quảng cáo trị giá hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng, mức xử phạt chỉ vài chục triệu đồng chẳng khác nào “muỗi đốt inox”, chưa đủ sức răn đe.
Mức phạt quá nhẹ liệu có đủ sức răn đe?
Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt đã lợi dụng độ nổi tiếng của Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs và Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên để quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Các nhãn hàng có thể phải chi hàng trăm triệu đồng, thậm chí nhiều hơn, để mời họ quảng cáo.
Thế nhưng, với hành vi quảng cáo sai sự thật – tuyên bố “một viên kẹo bằng cả một đĩa rau” – mức phạt dành cho Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs chỉ là 70 triệu đồng mỗi người, tổng cộng 140 triệu đồng. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt, với hàng loạt vi phạm về công bố sản phẩm, chỉ bị xử phạt 125 triệu đồng và buộc thu hồi sản phẩm, nộp lại toàn bộ số tiền thu được từ việc bán kẹo rau củ Kera.
Những con số này đặt ra câu hỏi: Liệu mức phạt này có đủ sức răn đe hay chỉ như “muỗi đốt inox” trước lợi nhuận khổng lồ từ quảng cáo sai sự thật?

Đã đến lúc siết chặt quản lý quảng cáo: Cần chế tài mạnh tay hơn cho người nổi tiếng vi phạm?
Tại Trung Quốc, hàng loạt nghệ sĩ đã bị cấm sóng vĩnh viễn chỉ vì vi phạm quy định quảng cáo hoặc vướng bê bối đời tư. Ngô Diệc Phàm, Trịnh Sảng từng là những cái tên có sức ảnh hưởng lớn nhưng sau scandal, sự nghiệp của họ hoàn toàn sụp đổ.
Một số ý kiến cho rằng Việt Nam cũng cần siết chặt quy định quảng cáo trực tuyến, đặc biệt đối với KOL và nghệ sĩ có sức ảnh hưởng lớn. Việc chỉ xử phạt hành chính là chưa đủ mà cần áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn như cấm quảng cáo, hạn chế hoạt động hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm nghiêm trọng.
Bởi lẽ, người nổi tiếng không chỉ bán sản phẩm, mà còn bán cả danh dự, trách nhiệm và niềm tin của công chúng. Họ không chỉ lừa dối người tiêu dùng mà còn vi phạm Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, gây cạnh tranh không lành mạnh với những doanh nghiệp chân chính. Kiếm tiền từ quảng cáo không sai, nhưng nếu đó là tiền kiếm được bằng cách lừa dối người tiêu dùng, thì không còn là kinh doanh, mà có thể xem là hành vi lừa đảo. Và lừa đảo thì phải bị xử lý nghiêm minh.
Phong Vân
Theo congthuong.vn