Tháo gỡ vướng mắc trong chống hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ
HH&PL – Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, vụ việc có dấu hiệu hình sự được phát hiện có xu hướng tăng dần theo từng năm.
Buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp
Tại tọa đàm, “Chống hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ – Bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp” do Tạp chí Hải Quan tổ chức sáng 8/12 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ – Tổng cục Quản lý thị trường – cho biết, tình trạng vi phạm hành chính về hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng dần.
Các vụ việc phức tạp, có dấu hiệu hình sự được lực lượng quản lý thị trường phát hiện có xu hướng tăng dần theo từng năm. 9 tháng đầu năm 2023, số vụ chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự cao gấp đôi số vụ việc chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự của cả năm 2018.
Toàn cảnh tọa đàm “Chống hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ – Bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp” |
Các hành vi vi phạm chủ yếu tập trung vào các nhóm về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hoá; lĩnh vực đầu tư, điều kiện kinh doanh; an toàn thực phẩm và hàng hoá nhập lậu. Bên cạnh đó, với sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua, hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan trên các nền tảng giao dịch trực tuyến, các mạng xã hội xuyên biên giới.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, hiện tượng các đối tượng người nước ngoài “núp bóng”, cấu kết với các đối tượng trong nước cũng như các đối tượng vi phạm sử dụng công nghệ cao để kinh doanh, vận chuyển hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… vào thị trường trong nước tiêu thụ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và cần được sớm quản lý.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Theo ông Vũ Hoài Linh, Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Đội 4) – Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, mặc dù công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng thực tế vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, đối với việc xử lý hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quá cảnh, xuất khẩu, cả Luật Hải quan và Luật sở hữu trí tuệ có quy định chưa thống nhất về việc tạm dừng làm thủ tục hải quan và xử lý đối với các hàng hoá theo 2 loại hình này… Đối với việc xử lý hình sự liên quan đến sở hữu trí tuệ cũng chưa thực hiện được vụ nào, vì theo Điều 192 của Bộ luật hình sự thì chỉ áp dụng cho hành vi sản xuất hàng giả, buôn bán hàng giả, không áp dụng cho hàng giả về sở hữu trí tuệ.
Doanh nghiệp hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt hàng thật – hàng giả |
Ngoài ra, trong việc sản xuất có dấu hiệu hàng giả mà liên quan đến xuất khẩu thì theo Quy định tại Điều 12 Nghị định số: 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp không quy định thẩm quyền xử lý của lực lượng hải quan. Các doanh nghiệp, chủ sở hữu quyền vẫn còn thiếu sự quan tâm phối hợp trong quá trình trao đổi thông tin, đấu tranh, bắt giữ và xử lý vi phạm.
Do đó, để nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh với tội phạm buôn lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Đội 4) – Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật để tạo sự thống nhất trong việc áp dụng chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm về hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, cần bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho lực lượng hải quan đối với hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong chung tay phòng, chống buôn lậu trong đó có hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Về phía Quản lý thị trường, ông Trần Văn Dũng cho rằng, cần xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính cũng như cơ chế liên thông, trao đổi dữ liệu cơ sở giữa các Bộ ngành. Ví dụ xây dựng một số dữ liệu quốc gia phục vụ trong hoạt động xử lý vi phạm hành chính giúp các lực lượng chức năng tra cứu “hành vi tái phạm”, từ đó xác định thẩm quyền xử lý vụ việc trong công tác xử lý vi phạm hành chính.
Đồng thời, rà soát, sửa đổi quy định về thương mại điện tử nhằm nâng cao trách nhiệm của các chủ sàn thương mại điện tử trong việc kiểm soát hàng hóa; sửa đổi, bổ sung quy định nhằm truy xuất hiệu quả các thông tin về người bán, giao dịch, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa trên thương mại điện tử, biện pháp xử lý khẩn cấp vi phạm trên môi trường mạng.
10 tháng đầu năm 2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 14.141 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan tại các cửa khẩu. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 5.692 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 97 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 433,5 tỷ đồng. Riêng về hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, từ năm 2022 đến nay, lực lượng hải quan đã phát hiện, xử lý gần 100 vụ việc với tổng trị giá hàng hóa trên 18 tỷ đồng. Các cơ quan chức năng cũng dự báo, trong những tháng cuối năm 2023, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn cả nước sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát địa bàn để kịp thời phát hiện và ngăn chặn, xử lý. |