Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hướng tới rút gọn trong xét xử các vụ việc tranh chấp bảo vệ quyền và lợi ích cho cá nhân, tổ chức
Ngày 15/2/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận và cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Theo đó, dự kiến dự án Luật sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 tới.
Theo đánh giá Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo đảm bảo các quy định của dự thảo Luật không làm phát sinh các trách nhiệm, gánh nặng, chi phí không phù hợp cho tổ chức, cá nhân kinh doanh, đảm bảo cân bằng giữa quyền lợi của người tiêu dùng và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Đồng thời dự án Luật quy định rõ về “bán hàng trực tuyến”, các thủ tục rút gọn trong xét xử của Tòa án đối với các vụ việc tranh chấp trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Quy định về các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng. Quy định trách nhiệm đối với tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian, tổ chức, cá nhân kinh doanh được xác định là nền tảng số lớn… Quy định người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật.
Cụ thể: Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội; Quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật. Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phải được thực hiện kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật. Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác. Giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bảo đảm sự bình đẳng.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương như: Đối với người tiêu dùng là người cao tuổi, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm đảm bảo thực hiện các nội dung sau: Có chính sách và bảo đảm thực hiện quyền ưu tiên về giá, phí và các ưu đãi khác cho người cao tuổi trong hoạt động mua bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan; Cung cấp cơ chế khiếu nại, giải quyết tranh chấp phù hợp với quyền, nghĩa vụ của người cao tuổi theo quy định của pháp luật; Ngoài các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 16 của Luật này, chịu trách nhiệm với các hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật về người cao tuổi trong quá trình thực hiện giao dịch với một bên là người cao tuổi; Có cơ chế, chính sách chống phân biệt đối xử, xúc phạm người cao tuổi trong việc thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin cá nhân của người cao tuổi theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan; Có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật đối với người cao tuổi.
Tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được giải quyết thông qua: Thương lượng; Hòa giải; Trọng tài; Tòa án. Không được thương lượng, hoà giải trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc lợi ích của nhiều người, trừ trường hợp xác định được số người cụ thể. Trong trường hợp pháp luật có quy định, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp trực tiếp hoặc trực tuyến.
Đặng Thu Hằng (theo BCĐ 389)