Người sản xuất, buôn bán thuốc có hàm lượng thấp hơn so với quảng cáo có thể bị tù chung thân hoặc tử hình
PLNews – Theo Bộ Công an, thuốc có hàm lượng thấp hơn so với quảng cáo có thể bị coi là thuốc giả, nếu không đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng được đăng ký.
Buôn bán thuốc giả có thể bị tử hình: Người tiêu dùng cần cảnh giác với hàm lượng thuốc sai thực tế
Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tục triệt phá nhiều đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả có quy mô lớn, khiến dư luận không khỏi lo lắng – đặc biệt khi thuốc là sản phẩm được sử dụng thường xuyên trong hầu hết mọi gia đình.
Luật Dược 2016 quy định rõ: Thuốc có hoạt chất không đúng hàm lượng, không đảm bảo chất lượng như đăng ký, hoặc sai lệch so với nhãn, quảng cáo đều được xếp vào nhóm thuốc giả – tiềm ẩn nguy cơ gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe.
Theo Bộ luật Hình sự hiện hành, mức phạt cao nhất đối với hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả có thể lên đến tù chung thân hoặc tử hình, nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như làm chết người, gây thiệt hại lớn về tài sản hoặc đe dọa an ninh, trật tự xã hội. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, tịch thu tài sản, cấm hành nghề vĩnh viễn.

Các công ty cung cấp hoặc phân phối nguyên liệu, hoạt chất phục vụ việc sản xuất thuốc giả cũng không được loại trừ trách nhiệm. Nếu nhập khẩu, phân phối sai mục đích hoặc tiếp tay cho hành vi sản xuất thuốc giả, các đơn vị này sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Người tiêu dùng cần cảnh giác, kiểm tra kỹ thông tin thuốc, không nên quá tin vào quảng cáo và nên mua thuốc từ cơ sở uy tín để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Công ty cung cấp hoạt chất sản xuất thuốc giả: Trách nhiệm pháp lý nghiêm minh, xử lý cứng rắn
Các công ty cung cấp hoạt chất cho việc sản xuất thuốc giả sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý tùy theo mức độ liên quan.
Nếu biết rõ hoạt chất được dùng để làm thuốc giả mà vẫn cố tình cung cấp, công ty sẽ bị xem là đồng phạm hoặc giúp sức, bị xử lý hình sự như chủ thể chính trong vụ án.
Trường hợp không biết hoạt chất bị sử dụng sai mục đích nhưng vi phạm quy định quản lý (như không kiểm soát nguồn gốc hoặc bán cho đối tượng không đủ điều kiện), công ty vẫn sẽ bị xử lý hành chính, có thể bị tịch thu hàng hóa hoặc rút giấy phép kinh doanh.
Các công ty nhập khẩu, phân phối hoạt chất cho đơn vị không đủ điều kiện cũng đối mặt với mức phạt hành chính lên đến 100 triệu đồng, kèm theo nguy cơ thu hồi giấy phép và đình chỉ hoạt động theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Nếu việc nhập khẩu, phân phối hoạt chất sai mục đích gây ra sản xuất thuốc giả, thuốc kém chất lượng và hậu quả nghiêm trọng, các cá nhân, tổ chức liên quan sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 194 hoặc 195 Bộ luật Hình sự.
Minh Ngọc
Theo suckhoedoisong.vn