Vitamin Thầy
HH&PL – Nhẹ nghiêng người rẽ vào con Hẻm số 195 trên đường Điện Biên Phủ, Vũ Phương thở phào thoát khỏi “trận chiến” giao thông, ung dung tăng ga chạy vào Trung tâm Đào tạo tiếng Đức DSHi – nơi cô hiện đang là một trợ giảng.
Tạch! Gạt chống sau khi gọn gàng dựng xe sát tường, để dành chỗ cho những người đến sau, Vũ Phương không quên gọi với vào trong: “Good morning Dad, thầy làm việc sáng sớm vậy ạ?” Dad là cái cách mà tụi học trò thân thương gọi ông thầy hiệu trưởng, kiêm CEO Trung tâm Đào tạo Đức ngữ DSHi của mình. Cũng không có gì quá xa lạ với Vũ Phương, hình ảnh ông “bố già”, đang đứng tưới nước cho mấy chậu hồng ngoài sảnh, rồi sau đó vào trong chuẩn bị chấm bài cho học viên.
“Kể cả là cuối tuần có tiệc hay Trung tâm có sự kiện gì cho tới một, hai giờ sáng, Thầy vẫn hết mình nhập cuộc nhưng sáng hôm sau thầy vẫn có mặt sớm nhất.”
Thầy Nguyễn Thành Thịnh, cái tên không còn xa lạ với những con người yêu tiếng Đức và cả giới doanh nhân trong lĩnh vực giáo dục. Chẳng biết rõ trên thương trường, thầy Thịnh bản lĩnh và chiến lược ra sao, nhưng trong mắt của các học viên DSHi, thầy đáng yêu và gần gũi lắm lắm. Tay đón lấy ly cà phê vừa được thầy pha cho, cô trợ giảng, cũng từng là học trò của DSHi, không quên cà khịa thầy “chỉ có cà phê của thầy là ngon nhất thôi.” “Thế thì uống cho nhiều vào rồi dạy học sinh của tui cho đàng hoàng nghen bà” thầy Thịnh đáp trả.
Các học viên DSHi trong một buổi ngoại khóa
Đúng như cái “nickname” mà thầy Thịnh được lũ học viên đặt cho, ông “Bố già” của Trung tâm DSHi luôn mang đến cho các con của mình sự quan tâm đồng đều và đúng lúc. Trang, một cô học viên tại DSHi, nhớ lại ấn tượng đầu tiên của mình với thầy, “mình chưa gặp thầy trực tiếp bao giờ, lớp mình do thầy khác dạy, học phí đóng cũng chỉ qua chuyển khoản.” Ấy vậy mà thầy biết và nhớ tên cô. “Trang cố gắng đến lớp đúng giờ nha con” thầy nhắc nhở trong một lần cô đi học trễ. Những điều nhỏ nhặt ấy tưởng chừng như đơn giản, nhưng đã để lại trong Trang một sự bất ngờ, ấn tượng mà cô chẳng thể quên. Thầy Thịnh luôn tinh tế đến từng chút một là điều mà bất kỳ học viên nào tại DSHi cũng biết rõ.
“Bố già” DSHi luôn hết mình và hòa đồng với “các con”
Việc thầy nhớ hết thông tin về từng học viên cũng không mấy khó hiểu, vì “bài viết tụi mình nộp Thầy đều tự tay chấm” Vũ Phương giải thích, “để Thầy nắm rõ từng bạn và đưa ra lộ trình học sao cho phù hợp.” Cô cho biết “Thầy quan tâm tất cả học viên, nhớ tên, học lớp nào và trình độ ra sao.” Với trách nhiệm của một nhà giáo, thầy Thịnh theo dõi việc học của học viên; và bằng tình yêu thương của một người cha, thầy cho những lời khuyên chân thành cũng như bổ ích, dựa vào khả năng của mỗi cá nhân. Không dừng lại ở trách nhiệm giảng dạy, thầy Thịnh còn rất quan tâm đến thái độ học tập của “các con”, với những bạn còn mải chơi hoặc chưa ý thức được vai trò của việc học tiếng Đức, thầy có những cách riêng để “làm tâm lý” như “nói cho các bạn hiểu về gốc rễ của vấn đề nhằm giúp các bạn biết được việc hội nhập và học hỏi quan trọng như thế nào khi du học hay làm việc tại Đức hay Âu châu” Vũ Phương chia sẻ. Theo Vũ Phương, dù học sinh cứng đầu đến đâu, với phương pháp sư phạm đặc biệt của Thầy cũng sẽ chịu ngoan ngoãn học và chấp hành nội quy của trung tâm.
Một giờ học của các học viên DSHi với giáo viên bản xứ
Nhận được sự tin tưởng và yêu mến của của tụi học trò, ông “Dad” càng đa năng hơn bên cạnh việc truyền thụ kiến thức, còn đảm nhận luôn chức năng tư vấn tâm tư tình cảm, những khó khăn ngoài cuộc sống cho những bạn tìm tới thầy. “Mình vẫn thường hỏi ý kiến, nhờ Thầy tư vấn vài việc cá nhân và mình nghĩ là các bạn khác cũng vậy”, Vũ Phương nói.
Như một liều Vitamin, sự có mặt của thầy Thịnh và những hoạt động của thầy mang lại những lợi ích khác nhau cho từng cá nhân. Bên cạnh việc theo sát học viên và đưa ra những lời khuyên kịp thời, thầy Thịnh cũng không quên bồi dưỡng sức khoẻ tinh thần và thể chất cho “các con”. Từ các chương trình hội thao, các buổi học ngoại khoá được tổ chức tại các bãi biển và khu du lịch, cho đến các buổi tiệc sang trọng, thầy luôn tạo điều kiện cho các học viên được kết nối với nhau, cũng như mở rộng mối quan hệ cho mục đích công việc sau này. Ấn tượng nhất là phải nhắc đến cuộc thi “Mr & Miss DSHi Vietnam 2019”. Tham gia chương trình, các cô cậu học trò ngoài được thể hiện mình qua những tài năng hay đam mê, còn có những phút giây thư giãn, kết nối và giao lưu với thầy cô, bạn bè và học hỏi được những kiến thức xã hội bên ngoài.
Năm nay dịch bệnh cả năm, thầy thương đám học trò nhỏ và cả gia đình chúng bị ảnh hưởng kinh tế. Một mặt thầy động viên các bạn đừng sao nhãng việc học, vì thầy biết nếu không ngừng rèn luyện thì kỹ năng của các bạn sẽ nhanh chóng mai một. Mặt khác với những hoàn cảnh khó thì thầy linh động hỗ trợ để chương trình không gián đoạn. Thậm chí, với một số bạn chưa có định hướng rõ hoặc chưa được phụ huynh đồng thuận, thầy Thịnh sẵn sàng cho các bạn học và trải nghiệm trước. Chính sự chân thành và hiệu quả đạt được trong quá trình học với thầy, đã thuyết phục được cha mẹ của các bạn ấy. “Thầy của tụi mình rất tuyệt vời, lời nói không diễn tả được hết sự tận tuỵ của Thầy với học sinh” Vũ Phương nói, mắt hướng ra cửa chính, nơi thầy đang trao đổi trò chuyện với vài phụ huynh học sinh.
Đó chính là hữu xạ tự nhiên hương, phương châm của thầy Thịnh từ khi thành lập nên Trung tâm Đức ngữ DSHi. “Rà” một vòng trang cá nhân của thầy trên mạng xã hội, chẳng thấy thầy “quảng cáo” gì mấy cho cái trung tâm của thầy cả. Thầy không làm vì bọn học trò của thầy làm hết rồi. Bao nhiêu bài viết cám ơn thầy, tri ân thầy ngập tràn, từ các học viên đang theo học hay các bạn du sinh hoặc đang làm việc tại Cộng hoà Liên bang Đức. Theo đó là những chiến tích mà các bạn gặt hái được để mang về đền đáp cho thầy. Quả thật, với thầy cô điều đó là trái ngọt, còn gì hạnh phúc và quý giá hơn.
Vu Gia | Han.Sel