Thực phẩm bẩn bủa vây trường học: Không dừng ở ngộ độc

HH&PL- Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn trôi nổi, trẻ còn đối mặt với hàng loạt bệnh lý nếu sử dụng nhóm thực phẩm này thường xuyên.

Hàng rong, quà vặt hay thức ăn nhanh là loại thực phẩm được chế biến và bán theo kiểu công nghiệp, mục tiêu nhanh – tiện và nhiều calo (năng lượng), sử dụng nhiều dầu mỡ, gia vị, từ đó trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người, chủ yếu là trẻ em, học sinh.

Số lượng hàng quán tại các cổng trường ở khắp các địa phương ngày mọc lên càng nhiều, bất chấp các quy định của pháp luật, vô vàn hình thức bán. Đáng nói, đa phần số thực phẩm này mập mờ về nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thực phẩm bẩn bủa vây trường học: Không dừng ở ngộ độc
Quà vặt là sở thích của học sinh ở nhiều lứa tuổi. Ảnh: Ngọc Hoàn

Thời gian qua, nhiều vụ học sinh bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn đồ mua từ quán hàng rong không đảm bảo đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nhóm thực phẩm này.

Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng lại ở nguy cơ ngộ độc thực phẩm, mà ảnh hưởng đối với sức khỏe của người sử dụng loại thực phẩm này thường xuyên, khi tác hại của nó không đến ngay (cấp tính) mà theo kiểu mãn tính, tức là “mưa dầm thấm lâu” vào đối tượng là học sinh – lực lượng chính tạo nên đội ngũ tri thức sau này.

Theo ngành y tế, trong nhóm thực phẩm này có chức hàng loạt chất độc hại như: Chất bảo quản, hóa chất, chất phụ gia, phẩm màu; cùng với đó, dư lượng muối, đường gây bất lợi cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt thiếu các vi chất dinh dưỡng cho nhu cầu phát triển của cơ thể, về lâu dài ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, gây rối loạn chuyển hóa, béo phì,… Thức ăn vặt còn khiến trẻ chán bữa ăn chính, làm cho những trẻ có thể trạng gầy yếu càng còi cọc hơn.

Đặc biệt, những chất độc hại trong thực phẩm tích tụ dần dần trong cơ thể, về lâu dài gây ra các bệnh mãn tính, trong đó nguy hiểm nhất là ung thư (ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư vòm họng, ung thư gan, ung thư tủy…).

Thực phẩm bẩn bủa vây trường học: Không dừng ở ngộ độc
Hàng rong “bủa vây” học sinh giờ tan trường. Ảnh: Đoàn Anh

Để bảo vệ sức khỏe cho học sinh, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng hàng rong “bủa vây” cổng trường. Mới đây, UBND TP. Nha Trang (Khánh Hoà) – địa phương xảy ra liên tiếp các vụ học sinh nhập viện sau khi ăn thực phẩm bán rong – đã có văn bản gửi các đơn vị có liên quan về việc kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, buôn bán hàng rong trước cổng trường học, bệnh viện và trụ sở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.

Trong đó, UBND TP. Nha Trang yêu cầu trường học các cấp trên địa bàn thành phố bố trí lực lượng kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời việc buôn bán hàng rong trước cổng trường học. Đặc biệt, chú ý các khung giờ đến trường và tan trường; khi phát hiện các trường hợp buôn bán hàng rong, thông báo cho chính quyền kịp thời xử lý.

Nhưng như đã nói, các hàng quán kiểu này có vô vàn hình thức bán, bất chấp các quy định. Vì vậy, chỉ có giáo dục và nêu gương cho trẻ về an toàn thực phẩm, nói không với các thực phẩm “bẩn” mới có thể chấm dứt mối nguy này.

Thực phẩm bẩn bủa vây trường học: Không dừng ở ngộ độc
Một số phụ huynh cũng dễ dãi trong việc sử dụng đồ ăn trước cổng trường cho con em mình. Ảnh: Ngọc Hoàn

Hiện vẫn còn thiểu số bậc phụ huynh “chiều” con trẻ bằng cách mua quà vặt, hàng rong sau khi tan trường như “phần thưởng”, nhưng không nghĩ đến những chất độc đang dần ngấm vào cơ thể con em mình.

Để xóa bỏ mối nguy hại này, cần có sự vào cuộc của cả bậc phụ huynh và các em học sinh, đồng hành với ngành chức năng và nhà trường để có được kết quả khả thi.

Các phụ huynh cần giáo dục trẻ tránh xa các hàng rong không đảm bảo vệ sinh, các loại thức ăn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hạn chế cho con em sử dụng đồ ăn vặt, đồ ăn mua rong mà nên chuẩn bị bữa sáng cho con ở nhà hoặc lựa chọn những hàng quán có đủ điều kiện. Phụ huynh cũng nêu gương cho con em mình bằng cách không sử dụng những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nêu trên.

Đối với những người bán hàng rong, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về nguồn gốc nguyên liệu, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không an toàn; không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép để sản xuất, chế biến thực phẩm.

Theo Thanh Bình. Công Thương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan