Việt Nam chính thức là thành viên của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) từ năm 1976, từ đó đến nay Việt Nam đã tham gia 4/6 Công ước của UNESCO.
Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được quan tâm triển khai, đạt kết quả tích cực. Ảnh: MH |
Tại Hội thảo tham vấn sơ bộ về triển vọng tham gia Công ước 2001 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức, ngày 14/5, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – ông Hoàng Đạo Cương cho biết, trên cơ sở thực hiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam tham gia, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được quan tâm triển khai và đạt được những kết quả tích cực với hơn 40.000 di tích được kiểm kê, 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3.628 di tích quốc gia, trên 11.000 di tích cấp tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước ở Việt Nam vẫn còn có những khó khăn, hạn chế, thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, thiếu trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu, khai quật khảo cổ dưới nước, nguồn kinh phí đầu tư còn thấp.
Vì vậy, để từng bước giải quyết những vấn đề này, đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện cả về lý luận lẫn thực tiễn, thông qua việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các tổ chức, quốc gia trong khu vực và quốc tế. Nhận thức được vấn đề này, theo ông Hoàng Đạo Cương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khả năng Việt Nam tham gia Công ước UNESCO 2001 trong Kế hoạch công tác hàng năm của Tiểu ban Văn hóa.
Đại diện của UNESCO tại Việt Nam – ông Jonathan Baker cho hay, Công ước bảo vệ di sản văn hóa dưới nước năm 2001 tập trung vào phần thường bị bỏ qua của di sản văn hóa thế giới đó là các địa điểm dưới nước và di tích có ý nghĩa lịch sử đối với nhân loại. Công ước này cho phép các quốc gia thúc đẩy các phương thức khảo cổ dưới nước bền vững và có trách nhiệm, gắn di sản không thể thay thế này vào cơ chế của văn hóa để phát triển.
Ông Jonathan Baker đánh giá, những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ được quốc tế công nhận trong việc bảo tồn di sản văn hóa, thể hiện một hình ảnh đa chiều về sự phát triển toàn diện và bền vững trên tất cả các mặt. Theo đại diện của UNESCO tại Việt Nam, Việt Nam, với vị trí chiến lược về địa lý chính trị, quân sự và văn hóa trên bán đảo Đông Dương và đường bờ biển dài hơn 3.000km đã tham gia vào tuyến đường thương mại hàng hải nhộn nhịp nhất kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Lịch sử phong phú như vậy đã dẫn đến sự tồn tại của nhiều địa điểm nơi tàu bị đắm và hiện vật mang ý nghĩa văn hóa và xã hội to lớn, chứa đựng ý nghĩa truyền thống hữu hình và phi vật thể, bài học và cơ hội. “Những địa điểm và hiện vật này, nếu được bảo vệ đúng cách, có thể củng cố niềm tự hào dân tộc, giới thiệu hình ảnh hấp dẫn về Việt Nam với thế giới và thu hút cả đầu tư quốc tế và trong nước”- ông Jonathan Baker cho hay.
Hội thảo tham vấn sơ bộ về triển vọng tham gia Công ước 2001 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước. Ảnh: TN |
Cục Trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch – bà Lê Thị Thu Hiền thông tin, Cục Di sản văn hóa đang tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Quốc hội và Chính phủ sửa đổi Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có việc chỉnh sửa, bổ sung các quy định về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước, nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung quản lý, bảo vệ đối với loại hình di sản văn hóa dưới nước mang tính đặc thù, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật, chuyên môn đặc thù này.
Các quy định nêu trên về cơ bản đã giúp cho việc quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện. Đặc biệt, hiện nay, Cục Di sản văn hóa đang tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Quốc hội và Chính phủ sửa đổi Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có việc chỉnh sửa, bổ sung các quy định về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước, nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung quản lý, bảo vệ đối với loại hình di sản văn hóa dưới nước mang tính đặc thù, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật, chuyên môn đặc thù này
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nêu, các chính sách, chiến lược ngoại giao văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương đang tập trung thực hiện mục tiêu bảo vệ di sản văn hóa, hướng tới việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc.
“Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Việt Nam xác định việc hội nhập sâu rộng trong các lĩnh vực về văn hóa tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó tăng cường hợp tác với UNESCO là một trong những giải pháp đột phá để thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030”– ông Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.