Ninh Bình đăng cai tổ chức Lễ hội Trung thu năm 2024
27/08/2024
HH&PL – Lễ hội Trung thu năm 2024 dự kiến diễn ra từ ngày 13/9 đến ngày 16/9/2024 tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình với chuỗi hoạt động đa dạng, nhiều màu sắc.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa ban hành kế hoạch tổ chức Lễ hội Trung thu năm 2024 tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Đây là hoạt động thường niên nhằm tạo sân chơi bổ ích cho các cháu thiếu niên, nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu cổ truyền của dân tộc. Các hoạt động trong lễ hội sẽ cùng các em đến với những giấc mơ, những câu chuyện thần kỳ, ước vọng tương lai góp phần hoàn thiện nhân cách của con người Việt, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
|
Lễ hội Trung thu năm 2024 sẽ tổ chức mang đậm chất truyền thống, với nội dung đa dạng, ý nghĩa. Ảnh: D.D |
Theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đây không chỉ là dịp người lớn thể hiện sự quan tâm tới con trẻ, là cơ hội đoàn viên mà còn là sân chơi mang lại niềm vui và hạnh phúc để các em nhỏ có cơ hội tìm hiểu về các phong tục truyền thống của dân tộc. Những khoảnh khắc vui vẻ, những trò chơi và hoạt động cùng gia đình, bạn bè sẽ là những kỷ niệm đẹp của các em.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu Lễ hội Trung thu năm 2024 tổ chức mang đậm chất truyền thống, được tổ chức với nội dung đa dạng, ý nghĩa, thiết thực, đảm bảo an toàn, hiệu quả, tạo sân chơi lành mạnh và hấp dẫn phục vụ các em thiếu niên, nhi đồng.
Tại kế hoạch, Lễ hội Trung thu năm 2024 sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc, tạo cơ hội cho các cháu thiếu niên, nhi đồng được tham gia tất cả các hoạt động trải nghiệm, vui chơi, thưởng thức nghệ thuật hoàn toàn miễn phí. Như: Không gian sắp đặt “Tết Trung thu qua những món đồ chơi”, hoạt động này giớii thiệu những đồ chơi trung thu không chỉ đơn thuần để giải trí mà còn là công cụ giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ trẻ, là lời nhắn nhủ, lời chúc thầm lặng và sâu sắc của cha ông ta với thế hệ trẻ về tinh thần hiếu học, khuyến khích sự học và sự thành đạt.
Ngoài ra, tại sự kiện sẽ có khu trưng bày với các loại đồ chơi Trung thu truyền thống: đèn kéo quân, đầu lân sư, tiến sĩ giấy, mặt nạ giấy bồi, lồng đèn cá chép, đèn ông sao, tò he, thiên nga bông, trống ếch… rực rỡ sắc màu. Hướng dẫn, trải nghiệm nghề truyền thống, làm đồ chơi, đồ thủ công, các em được nghe kể về lịch sử làng nghề, được xem các nghệ nhân đầy tâm huyết làm nghề, được tự mình làm ra các sản phẩm xinh xắn như nặn gốm, vuốt gốm, ghép tranh gốm, đan móc thủ công, in tranh dân gian – họa màu, làm dép lốp, ép hoa khô, thêu thổ cẩm, chần bông ghép vải, làm bánh truyền thống…
Cùng với đó là các hoạt động trải nghiệm nghệ thuật – nghệ thuật xiếc – tạp kỹ. Các em được tập biểu diễn với những bộ môn xiếc phù hợp như đi xe đạp 1 bánh; thăng bằng trên con lăn, bóng, thang tre; cà kheo, tung hứng, lắc vòng; bóng bay nghệ thuật… Các nghệ sĩ biểu diễn sẽ hướng dẫn các em những tiết mục rối cạn, rối nước vui nhộn, độc đáo, hấp dẫn và rất gần gũi. Các em nhỏ cũng có dịp trải nghiệm các môn thể thao võ thuật cổ truyền, múa lân – sư – rồng; các hoạt động hướng cho các em ham đọc sách, yêu sách.
Năm nay, tham gia tổ chức lễ hội là các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, các phòng chuyên môn, các đoàn thể chính trị – xã hội của tỉnh Ninh Bình…
Bảo Thoa (theo Công thương)