Chuẩn hóa chất lượng để giữ đà tăng trưởng xuất khẩu rau quả
PLNews – Xuất khẩu rau quả tăng trưởng bền vững, nhuyễn thể Việt bứt phá tại Trung Quốc. TP.HCM đề xuất sàn giao dịch thịt heo, doanh nghiệp cần chủ động trước rủi ro phòng vệ thương mại.
Lĩnh vực xuất nhập khẩu
Tạp chí Tài chính ngày 8/5 đưa tin: “Chuẩn hóa chất lượng để giữ đà tăng trưởng xuất khẩu rau, quả”. Theo ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ngành rau, quả Việt Nam cần chuyển mình toàn diện, sản xuất theo chuỗi giá trị với sự tham gia đồng bộ của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân và cơ quan quản lý. Việc kiểm soát chất lượng từ vùng trồng đến chế biến cần được tăng cường. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất và chế biến, tận dụng các nghiên cứu từ viện, trường và đầu tư nước ngoài, nhằm xây dựng ngành rau, quả xuất khẩu phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trung Quốc chiếm 37% thị phần nhập khẩu nhuyễn thể Việt Nam trong quý I/2025
Trong quý I/2025, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam đạt 63 triệu USD, tăng 109% so với cùng kỳ. Trung Quốc vươn lên chiếm 37% thị phần nhập khẩu nhờ quy mô tiêu thụ lớn và quy chuẩn nhập khẩu linh hoạt. Trong khi thị trường EU giảm do cạnh tranh và yêu cầu khắt khe, Trung Quốc trở thành điểm đến chiến lược với hệ thống phân phối đa dạng. Nước này chủ yếu nhập ốc hương, nghêu và điệp – đặc biệt là ốc hương sống đạt gần 16 triệu USD. Cơ cấu nhập khẩu phản ánh xu hướng người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng chuộng sản phẩm tươi sống, chất lượng cao – lợi thế cho doanh nghiệp Việt.
Lĩnh vực thị trường trong nước
Trước tình trạng mất cân đối cung – cầu và giá cả thịt heo, Sở Công Thương TP.HCM đề xuất thí điểm Sàn giao dịch thịt heo, dựa trên hạ tầng công nghệ của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam. Theo ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở, mô hình này sẽ minh bạch giá, giảm trung gian, giúp người tiêu dùng mua được giá hợp lý. TP.HCM hiện tiêu thụ khoảng 10.000 con heo/ngày, tương đương gần 20.000 tỷ đồng/năm. Nếu sàn giao dịch vận hành hiệu quả, mô hình có thể mở rộng sang các mặt hàng thiết yếu khác như thịt gia cầm, thủy sản, gạo… và hướng tới xây dựng Sở Giao dịch Hàng hóa TP.HCM trong tương lai.
Lĩnh vực phòng vệ thương mại
Thương mại toàn cầu ngày càng biến động, hoạt động xuất nhập khẩu đối mặt nhiều thách thức từ các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) và hành vi lẩn tránh. Doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin, thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc và chứng minh tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa rõ ràng. Đồng thời, cần đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh bền vững. Khi bị điều tra, doanh nghiệp phải hợp tác với cơ quan nước ngoài và phối hợp với Cục PVTM, hiệp hội ngành hàng để được hỗ trợ. Chủ động ứng phó và sử dụng hệ thống cảnh báo sớm sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ lợi ích xuất khẩu lâu dài.
Theo congthuong.vn