Doanh nghiệp nước ngoài đã chủ động phối hợp phòng, chống hàng giả
HH&PL – Hiệu quả công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng được nâng cao khi các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài đã chủ động phối hợp, ngăn chặn.
Cùng với sự phát triển của kinh tế thế giới, nhu cầu về hàng hoá của người tiêu dùng ngày càng trở nên đa dạng, phong phú, tạo ra thị trường mở và rộng lớn cho các nhà sản xuất. Song, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn tiếp tục xảy ra với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi và luôn thay đổi.
Thời gần đây, để góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; cũng như kiến tạo và xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo động lực cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh… các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài đã chủ động làm việc với lực lượng Quản lý thị trường để phối hợp, từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Sản phẩm của Tập đoàn LEGO tham gia trưng bày nhận diện hàng thật – hàng giả, hàng vi phạm tại do Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức |
Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, trong gần một năm trở lại đây, Tổng cục Quản lý thị trường đã liên tiếp nhận được yêu cầu của các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn trên thế giới hoặc có nhà máy sản xuất ở Việt Nam, đề nghị phối hợp ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đơn cử, trong tháng 4/2023 vừa qua, Tập đoàn LEGO và Công ty Luật Rouse đã liên tiếp có 2 buổi làm việc với lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường về công tác phòng, chống hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm của tập đoàn này. Điều này thể hiện sự quan tâm, lo lắng của Tập đoàn LEGO đối với hiện tượng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra rất phổ biến ở Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của lực lượng chức năng trong việc tăng cường phòng chống các gian lận thương mại đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường, trong đó có sản phẩm của LEGO.
Ông Đỗ Việt Tùng – Trưởng ban Đối ngoại, Tập đoàn Lego tại Việt Nam cho biết, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm đồ chơi giả nhãn hiệu Lego. Có sản phẩm Lego vừa ra mắt 1-2 tháng thì trên thị trường đã có hàng giả. Đáng nói, sản phẩm giả có giá chỉ bằng 1/5 đến 1/3 giá hàng thật. Lego đã nhiều lần đề nghị các sàn thương mại điện tử gỡ bỏ sản phẩm vi phạm, đóng gian hàng nhưng không xuể.
Xe máy Honda hàng thật và hàng vi phạm từng được trưng bày cạnh nhau để người tiêu dùng dễ phân biệt, nhận diện |
Ông Bùi Văn Định, Trưởng phòng Thực thi Sở hữu Trí tuệ của Honda Việt Nam cho biết trung bình mỗi năm phát hiện từ 200-300 vụ liên quan tới làm giả các sản phẩm phụ tùng nhãn hiệu Honda Việt Nam, tương ứng với số lượng khoảng 100.000 phụ tùng giả, trong đó lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều sản phẩm dầu nhớt (do Honda sản xuất) được các gian thương thu gom vỏ chai nhựa đã qua sử dụng, sau đó về thay thế bằng các sản phẩm không rõ chất lượng và đóng hộp để bán ra thị trường.
Trước vấn nạn hàng giả ngày càng tinh vi, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), trong đó có Honda Việt Nam đã đề xuất làm việc phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tổ chức các buổi nhận diện, phân biệt hàng thật – hàng giả, hàng vi phạm.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm xe máy tại Việt Nam vào tháng 10/2023 vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác với VAMM. Thông qua thỏa thuận này, các thành viên của VAMM nói chung và Honda nói riêng mong muốn thị trường phụ tùng, linh kiện xe máy sẽ được trong sạch, lành mạnh, từ đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Trong năm 2023 rất nhiều các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã chủ động đề xuất làm việc với lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường để trao đổi, tìm kiếm các giải pháp phòng, chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ |
Không chỉ có Tập đoàn Lego hay Honda Việt Nam, trong năm 2023 rất nhiều các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước như: Đoàn công tác của Đại sứ quán Hàn Quốc; Hiệp hội công nghiệp vòng bi thế giới; Tổ chức Doanh nghiệp Cooperative Verniging SNB-React U.A khu vực châu Á Thái Bình Dương (React); Công ty Procter & Gamble (P&G); Tập đoàn Thủy tinh chuyên dụng SCHOTT AG… đã chủ động đề xuất làm việc với lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường để trao đổi, tìm kiếm các giải pháp phòng, chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Và nhiều biên bản hợp tác về phòng chống hàng giả, hàng vi phạm đã được ký kết sau các buổi làm việc.
Có thể nói, chưa bao giờ và chưa khi nào các doanh nghiệp trong và ngoài nước chủ động kết nối gặp gỡ các cơ quan chức năng để phối hợp phòng, chống hàng giả, hàng vi phạm như hiện nay. Và theo đánh giá, nhận định của lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, doanh nghiệp là đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm; và là người hiểu rõ sản phẩm của mình nhất, vì vậy, đấu tranh chống hàng giả phải bắt đầu từ sự chủ động của doanh nghiệp.
Với những nỗ lực từ cơ quan chức năng cũng như sự phối hợp đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, hiệu quả của công tác phòng, chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng được nâng cao. Minh chứng, trong năm 2023, Quản lý thị trường cả nước đã thanh tra, kiểm tra 71.928 vụ; phát hiện, xử lý 52.351 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 501 tỷ đồng.
Trong đó, đối với vụ việc vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, toàn lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 9.676 vụ việc, xử lý 9.246 vụ việc, phạt hành chính 92,5 tỷ đồng; trị giá hàng hoá vi phạm đạt trên 118,3 tỷ đồng.