Hôm nay, Quốc hội bấm nút biểu quyết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
PLNews – Vào 14h ngày 21/11, các ĐBQH sẽ biểu quyết bằng hình thức bấm nút điện tử để thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025.
Theo chương trình, trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội sẽ tiến hành các nội dung: Thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Từ 10h sáng, Quốc hội họp riêng để thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP HCM, TP Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.
Ngay đầu phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Thời gian còn lại của buổi chiều, Quốc hội sẽ thảo luận về việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương; dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 vào ngày 18/6/2024; Quốc hội cũng đã thảo luận ở tổ, hội trường về dự án Luật này.
Tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; Quốc hội cũng thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (ngày 22/10).
Chiều 3/11/2024 vừa qua, UBTVQH cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, UBTVQH cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo tiếp thu, giải trình và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã được tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, ý kiến các cơ quan có liên quan, cơ bản nhất trí với nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với dự thảo Luật.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược nhằm: Đảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý; Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc; Đảm bảo thuốc cho phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp cấp bách phát sinh trong thực tiễn; Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động về dược, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.