Kinh tế 2024 – Dự báo 2025: Nền tảng vững cho chứng khoán Việt trong năm 2025
PLNews – Thị trường chứng khoán đang dần di đến những phiên cuối cùng của năm 2024 với nhiều khó khăn phải vượt qua. Nhà đầu tư giao dịch thận trọng, thanh khoản thấp và khối ngoại liên tiếp bán ròng.
Tuy vậy, việc Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi), cùng những nỗ lực nâng hạng của cơ quan quản lý được cho là sẽ tạo ra nền tảng phát triển vững chắc thị trường chứng khoán Việt Nam.
Kinh tế 2024 – Dự báo 2025: Nền tảng vững cho chứng khoán Việt trong năm 2025- Ảnh 1.
Ảnh minh họa: Báo Tin tức
Củng cố pháp lý và ứng dụng công nghệ cao
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài Chính), trong năm 2024, Bộ Tài Chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã rất nỗ lực, tiếp thu các ý kiến của thị trường, những đóng góp của các nhà đầu tư quốc tế để xây dựng chính sách phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng được mong đợi của các nhà đầu tư nước ngoài.Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân PhươngThị Chân Phương cho biết, nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi là quyết tâm của Chính phủ Việt Nam.
“Mỗi giai đoạn, bối cảnh cảnh kinh tế đều tác động đến quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách trên thị trường vốn nhưng chúng tôi luôn hướng tới đảm bảo sự phát triển bền vững và ổn định của thị trường chứng khoán lâu dài”, bà Phương nói.
Theo ông Tô Trần Hoà, Vụ trưởng Vụ phát triển Thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ngày 29/11/2024, Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi). Đáng chú ý, luật lần này tập trung vào 3 nhóm chính sách là nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát, tiếp tục hoàn thiện các quy định để tăng cường giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành.
Cùng với Luật Chứng khoán, nhiều văn bản hướng dẫn thi hành khác cũng đang được Bộ Tài chính trình Chính sửa đổi, bổ sung như Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, Nghị định số 128/2021/NĐ-CP và 4 Thông tư hướng dẫn liên quan…
Ông Hòa cho biết: Bước sang năm 2025, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tục ưu tiên tập trung vào các giải pháp để hoàn thành mục tiêu sớm nâng hạng thị trường chứng khoán. Đồng thời, triển khai các giải pháp đã đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán nhằm thu hút các dòng vốn lớn, nâng cao chất lượng thị trường, duy trì tăng trưởng về quy mô; tiếp tục tuyên truyền rộng rãi đến thành viên thị trường, công chúng đầu tư nội dung của Thông tư sô 68/2024/TT-BTC đảm bảo hiệu quả, an toàn, an ninh thị trường.
Đồng thời, xem xét sửa đổi quy định pháp lý đề tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam; tăng cường phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc xem xét sửa đổi quy định pháp lý liên quan đến giảm thủ tục và rút ngắn thời gian mở tài khoản, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại tiếp tục tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bên cạnh việc sửa luật, minh bạch thị trường, ngày 6/12, Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đang nghiên cứu đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vào giám sát giao dịch thị trường chứng khoán.
Cụ thể, AI có khả năng phát hiện các hành vi bất thường như thao túng giá, giao dịch nội gián, hay các hành vi giao dịch khác đối với dữ liệu giao dịch lớn. AI cũng giúp dự báo xu hướng thị trường và tối ưu hóa việc quản lý dữ liệu nhà đầu tư.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, hoàn thiện khung khổ pháp lý, áp dụng các giải pháp công nghệ, tăng cường quản lý, giám sát đặc biệt là giám sát giao dịch là các giải pháp căn cơ, thiết thực góp phần tạo dựng thị trường chứng khoán công bằng, minh bạch, giúp hạn chế các hành vi gian lận và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn.
Thực tế cho thấy, các yếu tố ngắn hạn vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro với thị trường chứng khoán, nhưng những nỗ lực của Việt Nam nhằm minh bạch thị trường, áp dụng các công nghệ tiên tiến vào quản lý, giám sát hứa hẹn sẽ đưa chứng khoán Việt lên tầm cao mới.
Một năm đi ngang
Từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường chứng khoán trong nước vẫn đang dao động trong biên độ hẹp, khi chỉ số VN-Index luôn biến động trong vùng 1.165 – 1.300 điểm. Khối ngoại ghi nhận bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 12/2024, khối ngoại đã bán ròng hơn 89.560 tỷ đồng nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 3,51 tỷ USD).
Thực tế cho thấy, việc tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán trong năm 2024 là không hề dễ dàng, trong bối cảnh thị trường phân hóa, đi ngang. Các chuyên gia cho rằng, hiện đang tồn tại đồng thời cả những yếu tố tích cực và rủi ro tiềm ẩn đối với thị trường chứng khoán.
Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) nhận định: Thị trường sẽ gặp khó trong tháng 12 khi nền thanh khoản thấp đang thể hiện tâm lý thị trường thận trọng. Mặt khác, trong tháng 12, dòng tiền tập trung vào các hoạt động cuối năm nên thanh khoản chứng khoán không cao. Sang năm mới, nhất là tháng đầu năm, dòng tiền sẽ nhàn rỗi và tập trung vào các kênh có thanh khoản cao như chứng khoán, vàng giúp hiệu suất của các kênh này tốt hơn.
Giám đốc khối Khách hàng cá nhân Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ông Lê Vương Hùng cho rằng, thị trường từ giờ tới giáp Tết Nguyên đán sẽ không thể bứt phá do các áp lực như khối ngoại duy trì bán ròng, tỷ giá USD neo cao, lạm phát Mỹ có chiều hướng tăng tạo ra áp lực điều hành lãi suất ở Mỹ; trong đó, khối ngoại tập trung bán ròng ở các cổ phiếu bluechip (nhóm cổ phiếu an toàn và ổn định nhất) là yếu tố ảnh hưởng nhiều tới thị trường.
Ông Hùng dự báo VN-Index trong kịch bản khả quan sẽ duy trì trong biên độ hẹp 1.250 – 1.300 điểm. Đáng chú ý, tới giáp ngày 31/12, thị trường sẽ chịu ảnh hưởng từ tâm lý bán bớt danh mục để có nguồn tiền chi tiêu và phòng ngừa các thông tin bất ngờ trong kỳ nghỉ dài. Tuy vậy, thị trường cũng không có rủi ro giảm điểm mạnh.
Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam khuyến nghị, các yếu tố ngoại tác đến từ phía bên ngoài dự kiến sẽ mang lại những rủi ro cần phải theo dõi như: Tác động từ cuộc chiến kéo dài giữa Nga và Ukraine đến triển vọng tăng trưởng của khu vực châu Âu; khả năng chiến tranh thương mại lan rộng do ảnh hưởng của chính sách thuế quan mới trong nhiệm kỳ thứ 2 của Tân Tổng thống Donald Trump trong khi hoạt động sản xuất đang tiếp tục bị trì trệ tại các nền kinh tế trọng điểm; lạm phát dai dẳng tại các thị trường phát triển cùng với quan điểm “diều hâu” của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ là những thách thức tiềm ẩn khi đồng thời kéo dài lộ trình hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và kích hoạt tín hiệu đảo chiều của dòng vốn “carry trade” (carry trade là chiến lược đầu tư phổ biến thời gian qua, khi các nhà đầu tư vay tiền từ những nơi có lãi suất thấp, sau đó sử dụng số tiền này để đầu tư vào các đồng tiền có lãi suất cao hơn), trong khi dòng vốn đầu tư tiếp tục chảy về thị trường Mỹ.
Theo Văn Giáp (TTXVN)