Mạng xã hội có thể gây hại cho sức khỏe người trẻ
PLNews – Nghiên cứu mới ở Đức cho thấy mạng xã hội đang âm thầm bào mòn sức khỏe tinh thần người trẻ. 1/3 thanh thiếu niên có dấu hiệu nghiện, nhiều người thừa nhận cảm thấy kiệt sức và lo âu.

Áp lực mạng xã hội và thách thức tâm lý của giới trẻ trong thời đại số
Cuộc sống số mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng kéo theo không ít hệ lụy tâm lý cho giới trẻ, đặc biệt là thanh thiếu niên. Theo báo Handelsblatt ngày 20/5, các nhà nghiên cứu tại Đức cảnh báo rằng áp lực từ mạng xã hội cùng với những khó khăn như lạm phát, thiếu nhà ở và khủng hoảng khí hậu đang khiến nhiều bạn trẻ đối mặt với căng thẳng tâm lý nghiêm trọng.
Nghiên cứu “Thanh niên ở Đức” cho thấy giới trẻ ngày nay rất quyết tâm khẳng định bản thân qua thành tích và sự nghiệp, nhưng khoảng 1/3 trong số họ thường xuyên cảm thấy kiệt sức vì áp lực cao và thiếu cảm giác thành công thực sự. Tác giả Simon Schnetzer cũng bác bỏ định kiến rằng “tuổi trẻ lười biếng”, khẳng định ngược lại là thế hệ này rất chăm chỉ và nỗ lực.
Tuy nhiên, áp lực phải thể hiện bản thân liên tục có thể gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần như căng thẳng, tự ti và thiếu động lực, dù các biện pháp phòng chống COVID-19 đã kết thúc nhưng gánh nặng tâm lý vẫn duy trì ở mức cao.
Sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội thường xuyên
Nghiên cứu cho thấy cứ 4 thanh niên thì có 1 người đánh giá tình trạng tâm thần của mình cần được điều trị, tuy nhiên 85-90% vẫn tự nhận bản thân ổn định và kiên cường. Sự mâu thuẫn này phản ánh sự phức tạp trong nhận thức về sức khỏe tâm thần của giới trẻ hiện nay.
Việc sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội quá nhiều, đặc biệt trong thời gian đại dịch COVID-19, được xem là một trong những nguyên nhân chính gây ra căng thẳng tâm lý ở thanh thiếu niên.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh chưa có bằng chứng trực tiếp cho thấy việc sử dụng mạng xã hội gây ra trầm cảm. Căng thẳng chủ yếu xuất phát từ việc sử dụng có vấn đề như mất kiểm soát, sử dụng quá mức hoặc xa lánh xã hội.
Theo nghiên cứu mới của OECD, trẻ em và thanh thiếu niên ở Đức đang dành ngày càng nhiều thời gian trước màn hình, trung bình gần 7 giờ mỗi ngày đối với trẻ 15 tuổi, gây thêm áp lực cho sức khỏe tâm thần trong thời đại số hóa.
1/3 số người trẻ được khảo sát có hành vi nghiện mạng
Whatsapp, Instagram và YouTube là những nền tảng mạng xã hội được giới trẻ sử dụng nhiều nhất, tiếp theo là Tiktok, Snapchat, Pinterest và Facebook. Sự khác biệt rõ nét về giới tính cho thấy, nữ giới trẻ ưa chuộng Instagram, Tiktok và Snapchat, trong khi nam giới thường sử dụng YouTube, Discord và Twitch, đặc biệt là trong cộng đồng game thủ.
Theo nghiên cứu, khoảng 1/3 thanh thiếu niên từ 14 đến 19 tuổi có dấu hiệu nghiện mạng xã hội. Chuyên gia Schmitz phân biệt rõ giữa mất kiểm soát chủ quan và căng thẳng khách quan, đồng thời nhấn mạnh việc có đến 1/3 người trẻ tự phê phán thói quen sử dụng mạng xã hội của mình là tín hiệu tích cực.
Gần một nửa số thanh thiếu niên tham gia khảo sát thừa nhận mạng xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và nhiều người đang cố gắng giảm thời gian dùng điện thoại, máy tính. Schmitz cảnh báo việc sử dụng thiết bị số thường là biểu hiện của các vấn đề tâm lý hơn khi những người trẻ bị lo âu hoặc trầm cảm có xu hướng thu mình vào thế giới kỹ thuật số nhiều hơn.
Hiểu biết về truyền thông bắt đầu từ gia đình
Việc học cách ứng xử đúng đắn trong thế giới số ngày càng trở nên cấp thiết. Theo chuyên gia Schmitz, kiến thức truyền thông không chỉ cần được giảng dạy tại trường mà còn phải bắt đầu từ gia đình, bởi trẻ em thường mô phỏng hành vi sử dụng thiết bị số của cha mẹ.
Bên cạnh phụ huynh và nhà trường, các nền tảng công nghệ cũng phải chịu trách nhiệm lớn hơn. Nhà giáo dục truyền thông Lampert nhấn mạnh các công ty công nghệ cần thiết kế sản phẩm sao cho không gây áp lực hoặc rủi ro không cần thiết cho trẻ em và thanh thiếu niên.
Nhà tương lai học Christian Schuldt cho rằng các công ty nên minh bạch hơn trong thuật toán và có hệ thống cảnh báo khi người dùng sử dụng quá mức. Nhiều người dùng, cả trẻ lẫn lớn, không nhận thức được mức độ “mắc kẹt” trong các hệ thống này và việc tìm giải pháp phù hợp đang là thách thức lớn.
Chuyên gia Schuldt gọi đây là “ngưỡng cửa của một xã hội mới” với truyền thông điện tử và trí tuệ nhân tạo làm trung tâm. Đại dịch, biến đổi khí hậu và các khủng hoảng xã hội đang thúc đẩy những thay đổi sâu rộng, đòi hỏi con người phải tìm ra những cách thức văn hóa mới để thích nghi.
Cuối cùng, sức khỏe tâm thần trở thành vấn đề lớn trong thị trường lao động. Nhà nghiên cứu Schnetzer cho biết căng thẳng và quá tải là nguyên nhân phổ biến khiến người lao động nghỉ ốm, và các nhà lãnh đạo cần biết cách quản lý giới hạn căng thẳng của nhân viên một cách tinh tế hơn.
Theo suckhoedoisong.vn