Hạ tầng thương mại: Đòn bẩy khơi thông thị trường
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hà Giang đã có những bước chuyển mạnh mẽ từ tư duy phát triển hạ tầng đến thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, mạng lưới chợ nông thôn được xem là hạt nhân trong việc hình thành các điểm kết nối tiêu thụ, trao đổi hàng hóa cho người dân vùng cao.
Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Hà Giang đã triển khai đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp 20/26 công trình chợ nông thôn, đạt 76,9% kế hoạch cả giai đoạn. Cụ thể, trong năm 2022 đã đầu tư 11 công trình với kinh phí 18.251 triệu đồng; năm 2023 là 9 công trình với tổng kinh phí 28.126 triệu đồng; các hạng mục còn lại tiếp tục được triển khai trong năm 2024.

Hà Giang chú trọng đầu tư chợ gắn với bảo tồn văn hoá truyền thống (Ảnh: Du lịch Hà Giang)
Đáng chú ý, các công trình chợ được ưu tiên bố trí tại các xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận hàng hóa thiết yếu và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Môi trường buôn bán tại các chợ cũng dần được nâng cấp với khu vực bán thực phẩm, khu vệ sinh riêng biệt, phương tiện thu gom rác thải, bảo đảm tiêu chí an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Tính đến nay, toàn tỉnh Hà Giang có 173 chợ đang hoạt động, trong đó 35 chợ kiên cố, 108 chợ bán kiên cố và 30 chợ tạm. Đã có 96 chợ được đầu tư, cải tạo đáp ứng cơ bản nhu cầu dân sinh và tiêu chí hạ tầng thương mại trong xây dựng nông thôn mới. Dự kiến giai đoạn 2026-2030, Hà Giang sẽ tiếp tục đầu tư 77 công trình chợ, trong đó riêng giai đoạn 2026-2030 đề xuất xây mới 13 công trình, cải tạo 11 công trình.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và xây dựng chuỗi liên kết
Song song với hạ tầng, Hà Giang cũng xác định cần “mở đường” cho sản phẩm nông sản vùng cao như mật ong bạc hà, chè shan tuyết, thổ cẩm… bằng các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối thị trường, nâng cao năng lực sản xuất và quản trị kinh doanh cho người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp địa phương.

Chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại (Ảnh: Ngọc Minh)
Trong giai đoạn 2021-2024, tỉnh đã triển khai 40 hoạt động lớn nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nổi bật là 19 hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối tiêu thụ thông qua các phiên chợ, hội chợ, lễ hội thương mại kết hợp du lịch; 9 đợt truyền thông quảng bá sản phẩm địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng; 5 mô hình hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đặc trưng theo chuỗi giá trị; 5 lớp tập huấn nâng cao năng lực thương mại với gần 850 lượt người tham gia.
Ngoài ra, Hà Giang cũng chú trọng ứng dụng công nghệ trong kết nối giao thương. Tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 2 ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm kết nối thị trường cho các sản phẩm đặc trưng địa phương. Nhờ đó, nhiều sản phẩm nông sản vùng cao như mật ong bạc hà, cam sành Hà Giang, chè Shan Tuyết, dược liệu quý… đã có cơ hội tiếp cận thị trường rộng hơn, vươn ra các tỉnh, thành và từng bước khẳng định vị thế trên thị trường trong nước.
Đơn cử, thời gian qua, HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ (HTX Po Mỷ) cũng đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, giao dịch hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử. Các mặt hàng được HTX Po Mỷ đưa lên chợ mạng vô cùng đa dạng, chủ yếu là những sản phẩm đặc trưng của địa phương như sâm khoai, mật ong bạc hà, thịt lợn treo, lạp sườn… gây ấn tượng mạnh với người tiêu dùng cả nước nhờ chất lượng vượt trội.
Hiện, mỗi tháng HTX có khoảng gần 1.000 đơn hàng được bán trên “chợ mạng”, duy trì doanh thu gần 2 tỷ đồng/năm và tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương là người dân tộc thiểu số.
Tương tự, sau gần 10 năm hoạt động, đến nay, HTX Lanh Trắng ở thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn hoạt động ổn định, tạo việc làm cho hơn 100 thành viên là những phụ nữ dân tộc Mông vươn lên thoát nghèo, làm giàu bằng chính nghề truyền thống tại địa phương.
Những năm qua, hoạt động hiệu quả của các HTX điển hình như HTX Lanh Trắng chính là một trong những điểm tựa giúp huyện Đồng Văn nâng cao giá trị sản xuất, gia tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.
Tuy nhiên, Hà Giang cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn còn tồn tại. Sản xuất hiện nay vẫn nhỏ lẻ, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung; liên kết chuỗi giá trị còn yếu, thiếu ổn định; các sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mạnh để có thể cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ bền vững.

Mật ong là sản phẩm chủ lực của bà con dân tộc thiểu số Hà Giang (Ảnh minh hoạ)
Đa dạng giải pháp để sản phẩm địa phương vươn xa
Trong giai đoạn 2026-2030, tỉnh Hà Giang xác định sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp toàn diện để đưa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vươn xa. Về hạ tầng, tỉnh đề xuất đầu tư thêm 24 công trình chợ (13 công trình xây mới, 11 công trình cải tạo) nhằm tăng cường điểm kết nối giao thương cho người dân.
Về thị trường, tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm, phân bổ nguồn vốn kịp thời, đồng thời tạo cơ chế khuyến khích xã hội hóa và huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án có cùng mục tiêu. Hà Giang cũng đề xuất sớm đưa hệ thống thông tin quản lý và số hóa báo cáo chương trình vào hoạt động nhằm tinh giản quy trình và tăng hiệu quả chỉ đạo, điều hành.
Đặc biệt, tỉnh nhấn mạnh vai trò then chốt của việc hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp tại chỗ – từ các hộ sản xuất nhỏ đến các hợp tác xã – thông qua đào tạo, tập huấn, hỗ trợ vốn, công nghệ và truyền thông để nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường. Đây chính là mũi nhọn để sản phẩm của người dân không chỉ “có chỗ đứng” tại chợ phiên địa phương mà còn đủ sức “lên sàn” thương mại điện tử, tiếp cận khách hàng toàn quốc.
Từ những chợ phiên vùng cao nhộn nhịp đến các hoạt động kết nối thị trường bài bản, Hà Giang đang từng bước gỡ “nút thắt” đầu ra cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hành trình này cần sự tiếp sức từ trung ương, sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp chính quyền địa phương và trên hết là sự chủ động, dấn thân của chính người dân. Có như vậy, các sản phẩm đặc trưng vùng cao mới thực sự có cơ hội vươn mình, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế – xã hội miền núi một cách bền vững và tự cường.
(Theo Congthuong)