CEO Phạm Thị Yên – Ý chí kiên định, chìa khóa của thành công

Chẳng biết từ khi nào, chiếc võng đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt. Từ lúc rời vành nôi, chiếc võng trở thành người bạn thân thiết của tuổi thơ mỗi người. Khi ta lớn lên, võng là nơi ngả lưng lý tưởng sau thời gian lao động mệt nhọc. Bởi so với các phương tiện khác thì võng tạo cho người ta cảm giác thoải mái và thoáng mát hơn. Nhịp võng cũng dễ đưa con người vào giấc ngủ. Thêm vào đó, chiếc võng còn rất tiện lợi cho người thường di chuyển nay đây mai đó, chỉ cần cuộn lại, xếp vào ba-lô là có thể mang đi đến nơi đâu mà bạn muốn.

Với những tiện lợi đó, cùng với sự thay đổi và phát triển của xã hội, có nhiều hãng sản xuất võng ra đời với nhiều mẫu mã, chất lượng khác nhau như võng vải dù, võng mùng, võng xếp….để đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhiều người. Trong nhiều thương hiệu võng, không thể không nhắc đến Võng Yên Tâm, Giám đốc công ty là chị Phạm Thị Yên (*), một người phụ nữ đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề làm võng.

Sinh ra và lớn lên tại quê hương Đà Nẵng, nơi có con sông Hàn lượn quanh. Năm 1993, chị Yên theo chồng về Sài Gòn sinh sống và lập nghiệp. Thời gian đầu, chị làm nhân viên bán vé cho Khu du lịch Đầm Sen. Nhưng công việc đó làm cho chị không có thời gian chăm sóc gia đình nhiều, đặc biệt là ở bên con khi con đau ốm nên chị xin nghỉ.

Vốn có nghề may từ thời con gái, chị ở nhà, mở tiệm may quần áo kiểu. Khoảng năm 2008, người chị ruột ở Đà Nẵng nhờ chị Yên mua võng về bán. Thời gian đó, chị Yên vừa may quần áo vừa đi tìm nguồn hàng giúp chị mình. Tưởng chừng như Sài Gòn là nơi không thiếu một mặt hàng gì và là kho hàng khổng lồ cho các tỉnh, không bao giờ cạn kiệt nhưng theo nữ doanh nhân kể thì thời đó, mua võng rất khó, có những thời điểm không mua được vì cháy hàng. Chị kể: “Tôi cầm tiền đi hết hàng này đến hàng khác nhưng không mua được võng”. Hơn một lần chị suy nghĩ: “võng đơn giản vầy mà đi hoài mua không được”, từ suy nghĩ đó, chị quyết định ở nhà may võng để bán.

Chiếc võng trông rất đơn giản thế nhưng bắt tay vào làm mới biết không hề đơn giản chút nào. Khởi đầu của một công việc nào cũng có nhiều khó khăn, nghề làm võng cũng vậy. Chị Yên chia sẻ: “Những ngày đầu, việc tìm vải cho phù hợp không dễ, bởi vải này không có bán trên thị trường mà phải đặt người ta sản xuất”. Khó khăn không chỉ dừng lại ở đó, mua được nguyên liệu rồi nhưng để làm thành một chiếc võng tốt, võng đẹp không phải dễ vì khâu may cũng rất quan trọng vì chỉ cần sơ suất một chút cũng đủ làm hỏng tấm vải. Chị bộc bạch rằng dù có kinh nghiệm về may mặc nhưng khi bắt tay vào làm võng, chị cũng thấy khó vì may võng khác với may quần áo. Có lẽ vì vậy nên nhiều người không may được, hoặc may được nhưng không muốn nhận. Chị kể, ngày đó chị phải chở từng cuộn vải, đến từng tiệm may năn nỉ người ta may võng cho chị. Rồi khi họ may xong, chị lại chịu khó đến từng nơi chở võng về rồi đem đi chào hàng. Nhưng thực sự không đơn giản vậy, thời gian đầu võng bị hư rất nhiều vì khâu chọn vải khó, rồi thợ cũng không chuyên nghiệp. Chị kể nhiều lúc họ làm hư nhưng không đền. Chẳng biết làm sao, chị chở về, cắt và may lại. Chị kể lúc đó không có kinh phí nhiều nên không thể tuyển thợ. Bên cạnh đó, bản tính cẩn thận của chị thì việc tuyển thợ cũng không phải là việc đơn giản vì may sao cho đẹp theo ý mình rất khó, đòi hỏi người thợ đó phải lành nghề, mà để có được những người có kinh nghiệm như vậy thì phải trả thù lao khá cao.Võng đã có, nhưng làm sao để đến với tay người tiêu dùng, đó cũng là một điều khó khăn đối với chị, bởi như chị nói thì chị chẳng có kinh nghiệm gì về kinh doanh hết mà chỉ thuần túy nghề may thôi. Thế nhưng như một chữ duyên, chị đến với kinh doanh võng mùng và đã thành công. Để đạt đến thành công, chị phải rất kiên trì, nhẫn nhịn nhiều. Thời gian đầu chị đi chào hàng, không những không được người ta đón nhận mà còn bị xua đuổi. Người ta chê võng xấu chỗ này, lỗi chỗ kia, thậm chí có người còn nặng lời với chị. Có lẽ họ sợ chị cướp mất mối làm ăn hoặc để chị hạ giá sản phẩm xuống.

Bị chửi vô cớ, ai chẳng giận, chẳng tức, hơn nữa sản phẩm mình làm ra phải trải qua những công đoạn rất cực khổ mà bị từ chối thẳng thừng, nặng lời thì càng uất ức hơn. Nhưng nóng nảy sẽ làm hư việc, chị cố gắng kiềm chế cơn giận, ngậm bồ hòn làm ngọt, đem võng về. Chị chia sẻ: “Lúc đó tôi nản lắm, muốn bỏ. Nhưng rồi suy nghĩ thương trường là chiến trường, người ta làm được thì mình cũng làm được”. Và chị quyết tâm làm cho bằng được.

Chị đi khảo sát thị trường, chị đến từng người, lắng nghe ý kiến của từng khách hàng, từng đại lý, xem nhu cầu của họ như thế nào để đáp ứng. Ròng rã thời gian đầu, chị đi đi về về như vậy. Tất cả mọi sự, đều mình chị gánh vác. Chị thấy trên thị trường, mẫu mã võng mùng không được đa dạng. Điều đó đôi khi làm người tiêu dùng “bị ép” phải mua võng có mẫu mã mình không thích. Với vốn liếng là nghề may, chị sáng tạo thêm …để võng của mình đa dạng hơn các đơn vị khác. Thêm vào đó, chị cũng chăm chút cho từng đường kim mũi chỉ, nên võng của cơ sở chị ngày một đẹp và chất lượng hơn. Đây cũng là điểm khác biệt của võng Yên Tâm so với nhiều hãng võng khác trên thị trường.

Cái tên “Yên Tâm” nghe thật bình dị, nhưng cũng gợi cho người dùng cảm giác an toàn khi sử dụng. Chia sẻ với tôi, chị bộc bạch, đó là hai chữ ghép lại từ cái tên trong giấy khai sinh và tên mà mọi người thân mật gọi chị thường ngày. Hơn nữa, đặt cái tên này, chị cũng muốn nhắc nhở mình, làm sao để đem đến cho khách hàng chất lượng sản phẩm tốt nhất, an toàn nhất.

Từ một người đi mua võng về cho chị mình bán, hiện nay, cơ sở của chị Yên có hơn 150 nhân công và sản xuất được hơn 500.000 chiếc võng mỗi năm, một con số không hề nhỏ. Chị tươi cười kể những người trước kia từ chối, xua đuổi chị, giờ đây trở thành “mối quen”, khách hàng “ruột” của Công ty Võng Yên Tâm. Đó cũng là nhờ chị chịu khó, kiên trì thuyết phục họ. Đồng thời cố gắng làm cho sản phẩm của mình ngày một đa dạng về mẫu mã, kỹ càng từ khâu chọn vải đến khâu cắt, may. Chính sự bền bỉ, sắc nét của chiếc võng nên sau hơn 10 năm, thương hiệu Võng Yên Tâm được rất nhiều nơi biết đến, không chỉ các chợ, cửa hàng trong Sài Gòn mà còn nhiều nơi ở các tỉnh lân cận. Chiếc võng Yên Tâm đã vượt ra khỏi ranh giới của Việt Nam đến Campuchia.  Được lợi thế đó, chị Yên dự định sẽ mở rộng thêm thị trường. Trong tương lai gần, võng Yên Tâm sẽ có mặt trong hệ thống siêu thị Coopmart sau khi được kiểm định chặt chẽ về chất lượng, mẫu mã. Chị cười: “Sản xuất được nhiều vậy, nhưng hiện tại hàng không đủ giao cho các chợ. Trong tương lai phải mở rộng thêm cơ sở để sản xuất cho đủ hàng”. Bên cạnh đó, chị cũng dự định mở rộng thị trường sau khi khảo sát thị trường cẩn thận. Bởi nếu không khảo sát, cứ sản xuất đại trà sẽ bị thất bại vì “chôn vốn”.

Là một người phụ nữ thành đạt trọng sự nghiệp, nhưng chị luôn dành thời gian cho con cái, dù bây giờ các con chị đã lớn. Với kinh nghiệm cuộc sống, đặc biệt là trong kinh doanh, ngay từ khi các con chị còn nhỏ, chị đã dạy con làm việc gì cũng không được nóng nảy, hấp tấp. Vì như vậy, mình không thể giải quyết được vấn đề mà phải kiên trì nhẫn nại. Đồng thời làm việc gì cũng phải thực sự yêu thích nó, một khi mình đã chọn điều gì, việc gì là phải theo đuổi cho đến cùng. Và đó cũng là lời khuyên của chị, gởi gắm đến các bạn trẻ đang chuẩn bị bước vào con đường khởi nghiệp.

 

(*) Doanh nhân PHẠM THỊ YÊN – Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất Võng Yên Tâm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan