Ngày Dân số Thế giới (11/7)
HH&PL – Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đã quyết định lấy ngày thế giới tròn 5 tỷ dân 11/7 là Ngày Dân số Thế giới nhằm nâng cao nhận thức của toàn thế giới về các vấn đề dân số toàn cầu.
Đây cũng ngày để nhắc nhở các quốc gia và mỗi người trên trái đất về nguy cơ dân số tăng quá nhanh, dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng như thiếu lương thực, thiếu nơi ở, thiếu nước sạch, ô nhiễm môi trường,…
Vào năm 1994, tại Cairo, Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển, 179 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã thông qua chương trình hành động với tầm nhìn sâu rộng trong lĩnh vực dân số và phát triển (ICPD). Các quốc gia đều đồng thuận với quan điểm cho rằng chúng ta cần đặt con người vào vị trí trung tâm và khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa dân số và phát triển. Việc lồng ghép đầy đủ các vấn đề dân số vào các chiến lược phát triển, vào công tác lập kế hoạch, ra các quyết định và phân bổ nguồn lực ở các cấp, vùng nhằm giải quyết hợp lý các chỉ tiêu dân số, bao gồm tỷ lệ tăng dân số, cơ cấu tuổi, mức sinh, mức chết, di cư… đều ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của phát triển con người, kinh tế – xã hội.
Ngày Dân số Thế giới năm 2024, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) kỷ niệm tròn 30 năm thực hiện Chương trình Hành động Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển, theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, trên toàn cầu còn nhiều vấn đề chưa được đáp ứng. Mỗi ngày, trên thế giới có khoảng 800 phụ nữ tử vong vì những nguyên nhân có thể phòng tránh được có liên quan đến thai sản. Điều này tương đương với hơn 290.000 phụ nữ tử vong mỗi năm. Bạo lực đối với phụ nữ ảnh hưởng đến gần 1/3 phụ nữ trên toàn thế giới. Hiện mới chỉ khoảng 55% phụ nữ có khả năng tự đưa ra quyết định về sức khỏe sinh sản và tình dục của mình. Một nửa dân số thế giới hiện đang sống ở các trung tâm đô thị. Đến năm 2050, con số này sẽ là gần 70%…
Ngày Dân số Thế giới 11/7/2024, Việt Nam lựa chọn chủ đề “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”, trong 30 năm qua, nước ta áp dụng những cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế xã hội giữa các vùng và các nhóm dân cư. Việt Nam cũng vừa vượt mốc 100 triệu dân. Công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ) đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 đến nay tiếp tục duy trì xung quanh mức sinh thay thế. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh.
Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về DS – KHHGĐ của các cấp, các ngành và toàn dân có bước đột phá. Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội. Dịch vụ DS – KHHGĐ được mở rộng, chất lượng ngày càng cao. Mức sinh giảm, số người sinh ra giảm làm cho tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi của Việt Nam giảm từ 42% vào năm 1979 xuống còn 25% vào năm 2015, cuối năm 2023 là 23,9%. Ngược lại, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15 – 64) tăng từ 53% lên 68,4% (2015) và 2023 chiếm khoảng 67,5%.
Chất lượng dân số Việt Nam ngày càng được cải thiện, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng lên. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng 33,7 năm từ 40 tuổi (1960) lên 73,7 (2023). Tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong trẻ em đã giảm 2/3; tỷ số tử vong mẹ giảm 3/4 so với năm 1990. Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng thêm 6,6 cm, đạt 168,1 cm ở nam (2020) và 156,2 cm ở nữ.
(Theo QLTT)