Người nhiễm HIV có nên ăn nhiều đạm?
HH&PL – Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong tối ưu sức khỏe cho người nhiễm HIV. Vậy người nhiễm HIV có nên ăn nhiều đạm không?
Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) tác động đáng kể đến hệ thống miễn dịch, gây ảnh hưởng tới khả năng duy trì sức khỏe. Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong tối ưu sức khỏe cho người nhiễm HIV.
Bài viết này tập trung phân tích vai trò của protein (chất đạm), người nhiễm HIV có nên ăn nhiều đạm hay không, từ đó đưa ra lời khuyên về cách bổ sung đạm hợp lý cho người nhiễm HIV.
1. Vai trò của chất đạm với người nhiễm HIV
Protein (hay chất đạm) rất cần thiết cho cơ thể để thực hiện nhiều chức năng quan trọng, bao gồm xây dựng và sửa chữa các mô, hỗ trợ hệ thống miễn dịch, duy trì khối lượng cơ.
Đối với những người sống chung với HIV, protein trở nên quan trọng hơn nữa vì virus có thể dẫn đến suy yếu hệ thống miễn dịch, tăng viêm và tỷ lệ mất cơ cao hơn, đặc biệt là nếu bệnh tiến triển.
Dưới đây là các vai trò chủ yếu của protein đối với người nhiễm HIV:
– Hỗ trợ hệ thống miễn dịch: HIV nhắm tới và gây tổn hại đến hệ thống miễn dịch, đặc biệt là tế bào CD4 (một loại tế bào bạch cầu quan trọng đối với phản ứng miễn dịch). Người nhiễm HIV rất cần một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ để chống lại nhiễm trùng và các bệnh khác.
Protein là thành phần chính trong quá trình sản xuất tế bào miễn dịch, kháng thể và enzyme, giúp sửa chữa các mô bị tổn thương, chống lại các tác nhân gây bệnh.
– Duy trì cơ bắp: Một trong những thách thức phổ biến mà những người nhiễm HIV phải đối mặt là teo cơ, điều này có thể xảy ra ngay cả trong giai đoạn đầu của bệnh. HIV, đặc biệt là khi không được điều trị, làm tăng nhu cầu trao đổi chất và có thể góp phần gây ra sự phân hủy cơ.
Protein giúp duy trì khối lượng và sức mạnh cơ bắp, giảm nguy cơ suy nhược và cải thiện chất lượng cuộc sống.
– Làm lành và phục hồi các vết thương: Những người nhiễm HIV dễ bị nhiễm trùng và các bệnh khác do hệ thống miễn dịch suy yếu. Protein đóng vai trò quan trọng giúp phục hồi cơ thể sau các bệnh nhiễm trùng, vết thương và các biến chứng sức khỏe khác có thể phát sinh do HIV.
Protein hỗ trợ quá trình chữa lành bằng cách giúp tái tạo các tế bào và mô bị tổn thương do nhiễm trùng hoặc các bệnh cơ hội.
– Chuyển hóa thuốc: Liệu pháp kháng virus (ART) rất quan trọng để kiểm soát HIV và ức chế virus, nhưng đôi khi nó có thể gây stress cho cơ thể. Chế độ ăn đủ protein có thể hỗ trợ gan chuyển hóa các loại thuốc này và giúp giảm thiểu một số tác dụng phụ của quá trình điều trị.
Từ những vai trò này, chúng ta thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo chế độ ăn đủ protein ở những người nhiễm HIV, giúp cơ thể người bệnh duy trì sức khỏe tổng thể và hỗ trợ hệ thống miễn dịch.
2. Cách bổ sung protein (đạm) ở người nhiễm HIV
Mặc dù protein rất quan trọng đối với người nhiễm HIV, nhưng câu hỏi đặt ra là: Vậy có nên ăn nhiều protein không? Câu trả lời phụ thuộc vào từng trường hợp, như giai đoạn bệnh, thành phần cơ thể và tình trạng dinh dưỡng tổng thể.
Một số yếu tố chính cần cân nhắc bổ sung protein:
– Nhu cầu protein tăng: Trong một số trường hợp, người nhiễm HIV có nhu cầu protein tăng hơn so với bình thường, thường ở những người đang sụt cân, teo cơ hoặc nhiễm trùng cơ hội.
– Chất lượng hơn số lượng: Mặc dù những người nhiễm HIV có thể cần nhiều protein hơn, nhưng không có nghĩa là họ cần ăn nhiều đạm hơn mà cần ăn những loại đạm cung cấp đủ các axit amin thiết yếu mà cơ thể không thể tự sản xuất được, giúp cơ thể sử dụng đạm hiệu quả hơn.
Các loại protein chất lượng cao thường từ thịt nạc (thịt lợn, bò, gà), cá và hải sản, trứng, sữa và sản phẩm từ sữa (sữa chua, pho mai) và đậu đỗ (đậu phụ, các loại đậu hạt, đậu lăng…).
– Chế độ ăn cân đối, hợp lý: Chế độ ăn nhiều protein không cân bằng có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn, như thừa năng lượng mà thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu khác như carbohydrate và chất béo. Carbohydrate cần thiết cho sản sinh năng lượng, đặc biệt là khi bị mệt mỏi, trong khi chất béo giúp hấp thụ các vitamin tan trong dầu mỡ như vitamin A, D, E, K.
Do đó, những người nhiễm HIV nên tuân theo chế độ ăn cân bằng bao gồm đủ lượng protein, carbohydrate, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Trao đổi với bác sĩ và nhân viên y tế những vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng tới nhu cầu dinh dưỡng, như tăng hoặc giảm cân, mức độ cần vận động thể lực mỗi ngày cho lao động và sinh hoạt, sự xuất hiện của các bệnh khác (như bệnh thận, tình trạng sốt…) vì tất cả những điều này đều có thể ảnh hưởng tới nhu cầu protein.
Trong một số trường hợp, ăn thừa protein có thể gây hại cho cơ thể, đặc biệt khi mắc bệnh thận.
Để tăng cường sức khỏe và thể trạng tổng thể, những người nhiễm HIV nên tập trung vào chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất dinh dưỡng, hỗ trợ hệ thống miễn dịch, duy trì khối lượng cơ và cung cấp đủ năng lượng:
– Protein chất lượng cao: Như đã đề cập ở trên.
– Carbohydrate phức hợp: Chọn carbohydrate phức hợp như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau, cung cấp năng lượng bền vững, giàu vitamin và khoáng chất thiết yếu. Những thực phẩm này cũng cung cấp chất xơ, hỗ trợ sức khỏe đường ruột, có thể giúp kiểm soát các triệu chứng như tiêu chảy mà một số người nhiễm HIV có thể gặp phải.
– Chất béo lành mạnh: Sử dụng các nguồn thực phẩm cung cấp chất béo lành mạnh như bơ, hạt giàu béo (như lạc, hạt óc chó, hạt mắc ca), cá béo (như cá basa, phần mỡ ở bụng cá). Những loại chất béo này cung cấp acid béo thiết yếu, giúp duy trì cấu trúc tế bào, hỗ trợ chức năng miễn dịch và đảm bảo hấp thu các vitamin tan trong chất béo (như đã nêu ở trên).
– Vitamin và khoáng chất: Người nhiễm HIV nên ăn đa dạng thực phẩm mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu vitamin và khoáng chất của cơ thể:
+ Vitamin A: Quan trọng cho chức năng miễn dịch, có nhiều trong gấc, đu đủ, cà rốt, một số loại rau có lá xanh sẫm.
+ Vitamin D: Tốt cho xương và răng. Người nhiễm HIV nên hoạt động ngoài trời nhiều để da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, giúp tổng hợp vitamin D cho cơ thể.
+ Kẽm: Rất quan trọng cho chức năng miễn dịch, có nhiều trong thịt nạc, nhuyễn thể (như sò, hàu) và vừng.
+ Sắt: Cần cho tổng hợp sắt, giúp đưa oxy hoạt động trong khắp cơ thể. Sắt có nhiều trong các loại thịt đỏ, tiết, đậu hạt và một số loại rau (rau ngót, rau dền, rau muống, rau mồng tơi…)
– Uống đủ nước: Cần nhớ uống đủ nước để tối ưu các chức năng trong cơ thể, thải các chất không có lợi ra khỏi cơ thể và giúp hoạt động chuyển hóa trong cơ thể tốt hơn.
Tóm lại, protein rất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt người nhiễm HIV, nhưng cần sử dụng protein hợp lý, đúng cách và kết hợp chế độ ăn cân đối, hợp lý, đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng, uống đủ nước và đảm bảo đa dạng thực phẩm để tối ưu sức khỏe.
Một điều đặc biệt quan trọng là báo ngay với nhân viên y tế khi có các vấn đề về sức khỏe để được hướng dẫn xử trí các vấn đề đó kịp thời.
Cảnh báo nhiễm HIV trong nhóm thanh thiếu niên.