Nhiều chính sách có hiệu lực từ tháng 5/2024
HH&PL – Tháng 5/2024 nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực, trong đó có các chính sách liên quan giá điện, nguyên tắc in seri tiền mới, các loại hàng hóa nguy hiểm vận chuyển bằng đường bộ, đường thủy…
Điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần từ ngày 15/5/2024
Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 05/2024/QĐ-TTg, có hiệu lực từ 15/5/2024.
Theo đó, căn cứ khoản 5 Điều 3 về nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân, hằng năm, giá điện sẽ được điều chỉnh 03 tháng/lần kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Trong đó, nếu giá điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán hiện hành thì được điều chỉnh giảm tương ứng. Ngược lại, nếu giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.
Ảnh minh hoạ |
Nguyên tắc in seri tiền mới từ ngày 14/5/2024
Nội dung này được Ngân hàng Nhà nước ban hành tại Thông tư 01/2024/TT-NHNN quy định về quản lý seri tiền mới in.
Theo đó, trong quá trình in tiền, việc in seri trên tiền được quy định như sau:
– Với tiền được ban hành trước 2003: Seri gồm vần và dãy số tự nhiên có 07 chữ số từ 0000001 trở đi.
– Với tiền được phát hành từ 2003 trở đi: Seri tiền gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 08 chữ số. Trong đó, hai chữ số liền kề với vần seri là hai chữ số cuối trong năm sản xuất còn 06 chữ số tiếp theo là dãy số tự nhiên từ 000001 trở đi.
Trong đó, vần seri gồm 02 trong số 26 chữ cái (A, B, C, D, E, F, G, H, I, J, K, L, M, N, O, P, Q, R, S, T, U, V, W, X, Y, Z) và gồm vần chính, vần phụ.
– Mỗi tờ tiền sẽ có một seri riêng…
Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp được quy định tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ban hành ngày 15/3/2024 của Chính phủ.
Nghị định quy định ưu đãi đầu tư đối với: Cụm công nghiệp là địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Việc áp dụng các ưu đãi đối với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về thuế, pháp luật về tín dụng và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường hợp pháp luật quy định các mức ưu đãi khác nhau thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất.
Nghị định quy định Ngân sách địa phương (đã bao gồm thu bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương) cân đối hỗ trợ đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài cụm công nghiệp trên địa bàn (ưu tiên hỗ trợ đầu tư công trình hạ tầng bảo vệ môi trường các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động; hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật chung thiết yếu của cụm công nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, cụm công nghiệp phát triển theo hướng liên kết ngành, chuyên ngành, hỗ trợ, sinh thái, bảo tồn nghề truyền thống) theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước.
Nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng mức vốn đầu tư của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Kinh phí hỗ trợ không tính vào tổng mức đầu tư của dự án để tính giá cho thuê lại đất, giá sử dụng hạ tầng đối với các dự án đầu tư trong cụm công nghiệp. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có trách nhiệm quản lý, sửa chữa, vận hành thường xuyên các công trình hạ tầng kỹ thuật được hỗ trợ để phục vụ hoạt động chung của cụm công nghiệp.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền, quy định của pháp luật về việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn.
Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/5/2024.
Quy định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia
Ngày 25/3/2024, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 21/2024/TT-BTC quy định về định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý.
Thông tư quy định rõ định mức chi phí bảo quản gạo như sau: Trường hợp bảo quản thường xuyên, chi phí là 68.241 đồng/tấn.năm; trường hợp bảo quản lần đầu, mức chi phí từ 118.538-219.977 đồng/tấn/năm.
Chi phí bảo quản thường xuyên đối với: Thóc đổ rời và đóng bao áp suất thấp là 123.304 đồng/tấn.năm; Thóc đổ rời và đóng bao bảo quản kín bổ sung N2 nồng độ ≥98% là 122.240 đồng/tấn/năm.
Đối với muối ăn, chi phí bảo quản lần đầu là 139.877 đồng/tấn.năm; chi phí bảo quản thường xuyên là 14.097 đồng/tấn/năm.
Chi phí bảo quản thường xuyên nhà bạt cứu sinh thường như sau: Đối với nhà bạt 60,0 m2 mức chi phí là 457.553 đồng/bộ.năm; đối với nhà bạt 24,75 m2 mức chi phí là 322.837 đồng/bộ.năm; đối với nhà bạt 16,5 m2 mức chi phí là 299.717 đồng/bộ.năm… Chi tiết định mức chi phí bảo quản các loại hàng dự trữ quốc gia khác được quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.
Định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý được thực hiện chi cho các nội dung chi có liên quan đến công tác bảo quản hàng dự trữ quốc gia theo danh mục nội dung định mức được quy định tại Thông tư số 19/2024/TT-BTC ngày 22/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định định mức kinh tế – kỹ thuật bảo quản hàng dự trữ quốc gia và định mức hao hụt thóc, gạo dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý.
Định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý quy định nêu trên được áp dụng làm căn cứ để xây dựng dự toán và quản lý chi phí, thực hiện kế hoạch bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/5/2024.
Quy định mới về nhập khẩu gạo, lá thuốc lá khô từ Campuchia năm 2023, 2024
Ngày 4/4/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BCT quy định việc nhập khẩu mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Campuchia theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 và năm 2024.
Thông tư này quy định hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt khi nhập khẩu vào Việt Nam năm 2023 và năm 2024.
Đối tượng áp dụng là các thương nhân nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Mã số hàng hóa và tổng lượng hạn ngạch thuế quan mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia theo Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 05/2024/NĐ-CP ngày 24/01/2024 của Chính phủ Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia giai đoạn 2023-2024 (Nghị định số 05/2024/NĐ-CP).
Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2023 được áp dụng cho các tờ khai đăng ký với cơ quan hải quan từ ngày 02/6/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2024 được áp dụng cho các tờ khai đăng ký với cơ quan hải quan từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa quy định tại Điều 2 Thông tư này theo quy định tại Nghị định số 05/2024/NĐ-CP. Đối với mặt hàng lá thuốc lá khô, thương nhân được Bộ Công Thương cấp Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và Thông tư số 12/2018/TT-BCT ngày 15/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP; số lượng nhập khẩu được trừ vào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu theo Giấy phép do Bộ Công Thương cấp.
Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu hàng hóa quy định tại Điều 2 Thông tư này được điều hành theo phương thức trừ lùi tự động tại cơ quan hải quan nơi thương nhân làm thủ tục nhập khẩu. Việc trừ lùi tự động cho đến hết số lượng hạn ngạch thuế quan thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan hải quan.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Hoàn thành Nghị định mới về cải cách tiền lương trong tháng 5
Ngày 5-1, Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 được ban hành. Trong đó, Chính phủ đã quyết nghị nhiều nội dung quan trọng.
Liên quan đến chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Chính phủ giao Bộ Nội vụ hoàn thành Nghị định quy định chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong tháng 5-2024.
Đây là cơ sở để thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.
Hướng dẫn xếp lương công chức thi hành án dân sự
Thông tư 2/2024 của Bộ Tư pháp quy định mã số, xếp lương các ngạch công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự sẽ có hiệu lực từ ngày 18/5/2024.
Thông tư này quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương các ngạch công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự, gồm Chấp hành viên, Thẩm tra viên thi hành án và Thư ký thi hành án; áp dụng đối với công chức làm công tác thi hành án dân sự thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Cụ thể, công chức thi hành án dân sự được quy định gồm 8 ngạch: Chấp hành viên cao cấp, chấp hành viên trung cấp, chấp hành viên sơ cấp, thẩm tra viên cao cấp thi hành án, thẩm tra viên chính thi hành án, thẩm tra viên thi hành án, Thư ký thi hành, thư ký thi hành án, thư ký trung cấp thi hành án.
Công chức chuyên ngành thi hành án dân sự được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước (Bảng 2) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004.
Ngạch Chấp hành viên cao cấp, thẩm tra viên cao cấp thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại A3, nhóm A3.1 (từ 6.20 đến 8.0).
Ngạch Chấp hành viên trung cấp, Thẩm tra viên chính thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm A2.1; (từ 4.40 đến 6.78).
Ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Thẩm tra viên thi hành án, Thư ký thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại A1 (từ 2.34 đến 4.98).
Ngạch Thư ký trung cấp thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại B (từ 1.86 đến 3.66).
Tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý cơ quan nhà nước
Nghị định 29/2024/NĐ-CP tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo trong cơ quan Nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2024.
Nghị định 19 áp dụng đối với các chứng danh Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Vụ trưởng, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ; Tổng cục trưởng và tương đương; Phó Tổng cục trưởng và tương đương; Giám đốc Sở, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, Chánh Văn phòng UBND cấp tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng ban Ban Dân tộc…
Các chức danh nêu trên phải đáp ứng tiêu chuẩn chung về chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; trình độ; năng lực và uy tín; sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác và các tiêu chuẩn riêng đối với từng chức danh.
Trong đó, tiêu chuẩn chung về trình độ là tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác theo quy định của cấp có thẩm quyền…
Hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý về giáo dục
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 04/2024/TT-BGDĐT hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý chuyên ngành giáo dục và đào tạo.
Nội dung thông tư bao gồm danh mục vị trí việc làm; bản mô tả vị trí việc làm; khung năng lực của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục và đào tạo; áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học (bao gồm các đại học, học viện, trường đại học) và trường cao đẳng sư phạm công lập và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thông tư quy định xác định vị trí việc làm theo 5 nguyên tắc.
Thứ nhất, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục.
Thứ hai, bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định 106/2020/NĐ-CP quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ ba, vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo gắn với cơ cấu tổ chức, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng của các cơ sở giáo dục.
Thứ tư, mỗi vị trí việc làm phải có bản mô tả vị trí việc làm, khung năng lực và gắn với chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Thứ năm, đảm bảo hiệu quả, thu gọn đầu mối, thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ viên chức và giảm chi phí ngân sách nhà nước khi xác định vị trí việc làm theo chức danh nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục.
Thông tư 04/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/5/2024.
(Theo QLTT)