Nỗi lo ngộ độc thực phẩm dịp cuối năm
Thời điểm cuối năm dương lịch, gần Tết Nguyên đán là dịp các cơ quan, đơn vị tổ chức tổng kết và liên hoan tất niên. Do số lượng người tham gia đông, lượng thực phẩm, đồ uống có cồn tiêu thụ nhiều, khâu chuẩn bị những cuộc liên hoan như vậy phải mất nhiều thời gian và nhân lực.
Vì vậy, công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm cần được tăng cường, tránh để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ ngộ độc rượu làm nhiều người phải nhập viện cấp cứu, trong đó có một số trường hợp tử vong, nguyên nhân có thể là do sử dụng phải rượu không có nguồn gốc, do một số cơ sở mua cồn công nghiệp pha chế thành rượu. Xét nghiệm cho thấy hàm lượng độc tố Methanol trong các mẫu rượu này.
Ảnh minh họa |
Theo Cục An toàn thực phẩm, rượu có thành phần chính là ethanol, với công thức hóa học C2H5OH, trong khi rượu methanol có công thức hóa học CH3OH. Hai loại rượu này đều được lên men và chưng cất. Tuy nhiên, nếu như rượu ethanol lên men từ tinh bột hoặc đường thì rượu methanol lại lên men từ nguyên liệu có chứa cellulose (gỗ). Methanol có trong rượu là một chất cực độc. Methanol thường được sử dụng trong đời sống để làm dung môi trong chất tẩy rửa sơn, nước rửa kính, mực in máy photo.
Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá nhiều rượu ethanol trong thời gian ngắn hoặc do uống quá nhiều rượu có độc chất methanol dẫn đến lượng cồn trong máu quá nhiều. Lúc này gan không kịp đào thải ra ngoài sẽ tổn thương tế bào gan, các bộ phận ở não ngừng hoạt động, kèm các biến chứng nguy hiểm như: Nghẹt thở, động kinh, hạ thân nhiệt, nhịp tim không đều, thậm chí tử vong.
Rượu chứa methanol dễ gây ngộ độc hơn vì sản phẩm chuyển hóa của methanol là acid formic rất độc. Đây cũng là tác nhân lớn làm ngộ độc rượu gây tổn thương đến các tế bào ở mắt và não.
Người bị ngộ độc rượu sẽ có các triệu chứng, như: Da hơi xanh, hoặc tím đặc biệt vùng xung quanh môi và móng tay; lú lẫn, phản ứng chậm, không thể đi lại; khó khăn trong việc duy trì ý thức; nói không rõ, nói ngọng; nôn mửa; thở chậm, thở không đều. Trong tình trạng nghiêm trọng người bệnh có thể co giật, hôn mê, nghẹt thở, tổn thương não và tử vong.
Khi phát hiện người có các triệu chứng như trên, cần đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nặng xảy ra.
Để hạn chế tình trạng ngộ độc rượu, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tuyệt đối không sản xuất kinh doanh loại rượu pha chế từ nguyên liệu, cồn không bảo đảm chất lượng, không nhãn mác, chưa công bố tiêu chuẩn; người tiêu dùng tuyệt đối không mua và sử dụng rượu trôi nổi, không nhãn mác chưa công bố tiêu chuẩn;
Các cơ quan chức năng, đặc biệt tuyến xã, phường tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, xử lý nghiêm, công khai các cơ sở vi phạm.
Theo https://qltt.vn/