Sabeco cùng tham vọng sáp nhập Bia Sài Gòn – Bình Tây

PLNews – Sabeco mở rộng quy mô, tăng cạnh tranh quốc tế bằng cách chào mua 38 triệu cổ phiếu Công ty Tập đoàn Bia Sài Gòn – Bình Tây (Sabibeco), tăng vốn sở hữu lên gần 60%. 

Sabeco chốt ngày thâu tóm Sabibeco
Sabeco chốt ngày thâu tóm Sabibeco

Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán: SAB) vừa công bố kế hoạch chào mua công khai gần 38 triệu cổ phiếu, tương đương 43,2% vốn điều lệ của Công ty Tập đoàn Bia Sài Gòn – Bình Tây (Sabibeco), nhằm mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Dự kiến, thương vụ sẽ diễn ra vào tháng 11 và tháng 12, với tổng giá trị ước tính trên 800 tỷ đồng. Giá chào mua cao hơn khoảng 25% so với thị giá cổ phiếu Sabibeco trên thị trường chứng khoán. Sau khi hoàn tất giao dịch, Sabeco sẽ trở thành công ty mẹ của Sabibeco với tỷ lệ sở hữu trực tiếp gần 60%.

Các đối thủ nước ngoài không ngừng nâng cao nhận diện thương hiệu và cung cấp nhiều sản phẩm đa dạng, trong khi danh mục sản phẩm của Sabeco lại tập trung vào phân khúc bia trung cấp với ít lựa chọn hơn. Nhu cầu tiêu thụ bia cao cấp, đa dạng hương vị đang tăng, khiến Sabeco phải tìm cách đáp ứng xu hướng thị trường.

Bên cạnh thương vụ với Sabibeco, Sabeco cũng lên kế hoạch mua thỏa thuận hơn 2 triệu cổ phiếu của Công ty Bia Sài Gòn – Miền Tây (WSB) trong tháng 11, nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 85%. Hiện tại, Sabeco đang nắm giữ hơn 70% vốn của công ty này.

Sabibeco hiện sở hữu 6 nhà máy bia với tổng công suất 510 triệu lít 1 năm
Sabibeco hiện sở hữu 6 nhà máy bia với tổng công suất 510 triệu lít 1 năm

Thương vụ thâu tóm Sabibeco, đơn vị sở hữu thương hiệu bia Sagota, đã được Sabeco tiết lộ từ đầu năm 2023 nhưng mất gần hai năm để hoàn thành. Theo các chuyên gia, chiến lược mua bán và sáp nhập (M&A) này là phương án nhanh chóng để Sabeco mở rộng quy mô và cạnh tranh hiệu quả hơn trong bối cảnh thị trường ngày càng khốc liệt với sự gia nhập của nhiều thương hiệu quốc tế. Báo cáo từ Euromonitor chỉ ra rằng, thị phần của Sabeco đã giảm từ 42% vào năm 2018 xuống còn 33,9% năm 2023, do áp lực từ các thương hiệu ngoại và sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng.

Theo Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), việc mua lại Sabibeco có thể nâng tổng công suất sản xuất bia của Sabeco lên trên 3 tỷ lít mỗi năm, tăng 25,4% so với mức hiện tại là 2,4 tỷ lít. Với mức công suất này, Sabeco sẽ trở thành doanh nghiệp sản xuất bia lớn nhất Việt Nam, vượt qua cả Heineken, đơn vị hiện dẫn đầu với 6 nhà máy và công suất khoảng 2,78 tỷ lít.

Tổng công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)
Tổng công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)

Sabibeco, được thành lập vào năm 2005, sở hữu 6 nhà máy bia với công suất hàng năm đạt trên 600 triệu lít, phân phối tại hơn 43 tỉnh thành và đạt doanh thu hàng năm khoảng 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty này liên tục báo lỗ, với mức lỗ ròng trong năm 2023 là hơn 150 tỷ đồng do biên lợi nhuận thấp và chi phí cao.

Báo cáo tài chính của Sabibeco cũng ghi nhận nhiều giao dịch với Sabeco khi đóng vai trò là bên liên quan. Hai năm qua, công ty đã chi khoảng 1.200 -1.300 tỷ đồng để mua nguyên vật liệu từ Sabeco và đạt doanh thu bán hàng khoảng 1.600 -1.700 tỷ đồng từ Sabeco.

Theo Minh Sơn (Vnexpress)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan