Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Quản lý thị trường và Công an tỉnh Bắc Ninh phát hiện tài khoản Shopee có tên “Đại lý Gạo Hồng Anh” đăng bán sản phẩm “Gạo Ông Cua” có giá rẻ hơn nhiều so với giá thành sản phẩm chính hãng |
Quá trình theo dõi thông tin, lực lượng chức năng nhận thấy, trên các nền tảng thương mại điện tử sẽ có những thời điểm vàng cho người tiêu dùng mua sắm. Đơn cử như trên Shopee, ngày mồng 1 và ngày 15 hàng tháng, sàn thương mại điện tử này đều áp dụng các “mini sale”, khi đó các sản phẩm đều được hưởng mức “trợ giá” rất cao, kéo theo đó, số lượng đơn hàng được chốt từ các tài khoản cũng tăng cao so với ngày thường. Nắm bắt được điều này, Đoàn kiểm tra đã bố trí lực lượng để sẵn sàng kiểm tra khi thời điểm chín muồi.
Chiều tối 6/6/2024, khi xe giao hàng tới địa điểm nhận đơn, các lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất Cơ sở kinh doanh lương thực đại lý gạo Mỳ Tịnh có địa chỉ tại thôn Phúc Nghiêm, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Cơ sở này do ông Nguyễn Minh Tuệ, trú tại thôn Long Văn, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh làm chủ.
Tại đây, Đoàn kiểm tra bắt quả tang các công nhân đang thực hiện gia công, đóng gói gạo từ các bao lớn sang các bao bì loại 5kg thể hiện thương hiệu “GẠO ÔNG CUA và hình”. Ngoài tên thương hiệu, trên các nhãn bao bì hiển thị đầy đủ thông tin về website, doanh nghiệp sản xuất và địa chỉ công ty của sản phẩm chính hãng. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng kiểm đếm được 160 bao “Gạo Ông Cua” đã được đóng thành phẩm để sẵn sàng vận chuyển đến tay người tiêu dùng
Ngoài ra, tại cơ sở, Đoàn kiểm tra còn ghi nhận hàng trăm vỏ bao bì nhãn hiệu “Gạo Ông Cua” chưa sử dụng cùng 4 tấn gạo đựng trong 80 bao tải chưa được đóng gói, trên các bao bì thể hiện: “Gạo đặc sản”, “ST25”, “đặc sản Sóc Trăng”, “Gạo ngon nhất thế giới” cùng hàng loạt các loại máy móc, như: máy hàn nhiệt, máy khâu, cân điện tử, chỉ dù trắng phục vụ cho hoạt động đóng gói gạo thành phẩm.
Bước đầu xác minh, giá 1 bao “Gạo Ông Cua” do cơ sở này đăng bán trên shoppee có gi145.000 đồng/bao 5 kg. Đối với những ngày được trợ giá, đơn hàng sẽ được trợ giá xuống còn 137.000 đồng/bao5kg. Trong khi đó, giá sản phẩm chính hãng hiệu ông cua có giá 220.000 đồng/bao.
Sau một thời gian xác minh, Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN – đại điện theo ủy quyền của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí đơn vị sở hữu thương hiệu “Gạo ông Cua” khẳng định, số gạo ST25 tại cơ sở của ông Nguyễn Minh Tuệ là hàng giả.
Đây là vụ kiểm tra thứ 02 liên quan đến hành vi giả mạo bao bì nhãn hiệu Gạo Ông Cua mà lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý chỉ trong vòng hai tháng. Tuy nhiên, đây được coi là vụ việc điển hình khi lực lượng Quản lý thị trường phát hiện cơ sở sản xuất trực tiếp chứ không phải các hộ kinh doanh đơn thuần.
Trong thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh Bến Tre, An Giang, Bạc Liêu, Lào Cai… đã tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý hàng trăm tấn gạo vi phạm tại các cơ sở kinh doanh với các hành vi chủ yếu như kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, hoạt động mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; không thực hiện tự công bố sản phẩm theo quy định; nhãn hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa…
Đối với vụ việc tại Bắc Ninh, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, mặc dù giá trị hàng hóa vi phạm không lớn, tuy nhiên đây là vụ việc điển hình bởi, lúa gạo là mặt hàng đặc biệt, là sản phẩm của bà con nông dân. Thương hiệu “Gạo Ông Cua” cũng là niềm tự hào của Việt Nam. “Việc xâm phạm nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ chính là hành vi lừa dối người tiêu dùng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, mất uy tín trên thị trường” – Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định.
Đặc biệt, việc kinh doanh được thực hiện trên nền tảng thương mại điện tử Đây là lĩnh vực được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm bởi những trái mà TMĐT gây ra. Sự vào cuộc và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm thể hiện sự quyết tâm của lực lượng Quản lý thị trường trong đấu tranh với gian lận thương mại trên nền tảng công nghệ số.
Trong thời gian qua, ngoài việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để hỗ trợ, hướng dẫn các quy trình thực hiện bảo hộ nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng, việc này cũng sẽ được Tổng cục nhân rộng và đẩy mạnh trong thời gian tới.