Sập nắp hầm chui cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang: Thông tin mới nhất

HH&PLBan Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang thông tin ban đầu sự cố sập bản nắp hầm dân sinh, làm 1 người tử vong.

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang cho biết, sự cố sập bản nắp hầm dân sinh xảy ra tại Km25+095 thuộc gói thầu số 20, thuộc dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang do nhà thầu thi công Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi triển khai.

Theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, kết cấu hầm giao thông dân sinh này xây dựng mới hoàn toàn bằng bê tông cốt thép 30 Mpa, tĩnh không đường chui trong đường dân sinh BxH= 6,5×4,5m, chiều dài hầm L= 30,5m, thân hầm, tường cánh bằng bê tông cốt thép 30 Mpa.

Sập nắp hầm chui cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang: Thông tin mới nhất
Hiện trường ngổn ngang sau sự cố sập bản nắp hầm dân sinh thuộc dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang do nhà thầu thi công Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi triển khai. (Ảnh: Xuân Bắc)

Đối với tiến độ hạng mục triển khai được xác định, từ ngày 9/9/2024 đến ngày 16/9/2024, tại vị trí thôn Khe Đảng, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, nhà thầu tiến hành thi công bản nắp hầm giao thông dân sinh Km25+095 (bên phải tuyến đã đổ xong trước đó).

Nhà thầu tháo đà giáo, ván khuôn bản nắp đốt trái tuyến, chuyển sang lắp đặt bên phải tuyến để thi công bản nắp bên phải.

Ngày 16/9/2024, nhà thầu đổ bê tông bản nắp hầm giao thông dân sinh Km25+095 (bên phải tuyến) từ lúc 16h30 và kết thúc lúc 18h55 cùng ngày. Trong quá trình thu cần bơm thì xảy ra sự cố sập nắp hầm (bên phải tuyến).

Tại thời điểm này có 1 nam công nhân tên là Tòng Văn T., 35 tuổi, ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đang hoàn thiện công việc sau khi kết thúc đổ bê tông ở trong lòng hầm.

Nam công nhân này đã bị nắp hầm sập xuống người và được nhà thầu đưa đi Bệnh viện Phương Bắc, thành phố Tuyên Quang để cấp cứu, nhưng đã tử vong tại bệnh viện. Sau đó, cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm tử thi.

Sập nắp hầm chui cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang: Thông tin mới nhất
Khối bê tông đổ sập khiến 1 nam công nhân tử vong. (Ảnh: Xuân Bắc)

Ngay sau khi nhận được tin báo sự cố sập cầu chui dân sinh, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang đã có mặt tại hiện trường, phối hợp với UBND huyện Yên Sơn, Công an huyện Yên Sơn chỉ đạo bảo vệ hiện trường, để các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguyên nhân và khẩn trương khắc phục sự cố.

Hiện nguyên nhân sự cố sập nắp hầm chui dân sinh tại Km25+095 thuộc gói thầu số 20, Dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang vẫn đang được các cơ quan chức năng tiếp tục đánh giá, điều tra, làm rõ.

Đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình như thế nào?

Theo trong khoản 20 Điều 2 Nghị định 06/2021/NĐ-CP 26 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, để đảm bảo quá trình làm việc suôn sẻ, tránh những thiệt hại đáng có và đặc biệt để bảo vệ người lao động tránh bất kỳ sự thương tích hoặc tử vong nào và để duy trì hiệu suất lao động của họ.

Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người lao động, cho công trình xây dựng, và cho tài sản, thiết bị, phương tiện trong quá trình thi công. Họ cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng cháy nổ và bảo vệ môi trường.

Chủ đầu tư phải thực hiện giám sát quy định về an toàn của nhà thầu trong suốt quá trình thi công, tạm dừng thi công khi phát hiện vi phạm hoặc sự cố gây mất an toàn, và phải phối hợp với các nhà thầu để xử lý các sự cố hoặc tai nạn lao động.

Bên cạnh đó, họ phải thông báo kịp thời với các cơ quan có thẩm quyền khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn lao động có thể dẫn đến tử vong.

Trách nhiệm nhà thầu trong việc đảm bảo an toàn lao động trên công trường ra sao?

Theo quy định tại khoản 8 Điều 13 Nghị định 06/2021/NĐ-CP 26 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng được xác định như sau:

Thứ nhất, nhà thầu có trách nhiệm phải hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có thể xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường

Thứ hai, nhà thầu phải phối hợp với các bên liên quan thường xuyên rà soát kế hoạch tổng hợp về an toàn, biện pháp đảm bảo an toàn và đề xuất điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tế thi công xây dựng.

Thứ ba, để đảm bảo an toàn lao động thì nhà thầu có trách nhiệm triển khai thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình đã được chủ đầu tư chấp thuận.

Thứ tư, nhà thầu phải yêu cầu người lao động sử dụng đúng và đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc.

Thứ năm, nhà thầu cần phải có biện pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời; quyết định việc tạm dừng thi công xây dựng đối với công việc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động.

Thứ sáu, nhà thầu phải thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các yêu cầu về an toàn lao động của người lao động; quản lý số lượng người lao động làm việc trên công trường.

Thứ bảy, tham gia ứng cứu, khắc phục tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động.

Thứ tám, đình chỉ tham gia lao động đối với người lao động không tuân thủ biện pháp kỹ thuật an toàn hoặc vi phạm các quy định về sử dụng dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong thi công xây dựng và báo cáo cho chỉ huy trưởng công trường hoặc giám đốc dự án.

Theo Hải Sơn (congthuong.vn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan