TP Hồ Chí Minh: Số hoá bảo tàng, khu di tích, tiếp cận lịch sử bằng công nghệ mới

HH&PL – Bằng những công nghệ tiên tiến VR/AR/MR/hướng dẫn viên ảo, TP Hồ Chí Minh đang hướng đến việc số hoá không gian trưng bày trong các bảo tàng, khu di tích.

Là một trong những đơn vị tiên phong trong việc số hoá không gian trưng bày các hiện vật lịch sử, Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh mới đây đã có buổi ký kết triển khai dự án “Số hóa không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh”. Dự án có sự tham gia góp sức của Trường Đại học Hutech, Công ty cổ phần Meta Art và Tạp chí Du lịch Việt Nam.

TP. Hồ Chí Minh: Số hoá bảo tàng, khu di tích, tiếp cận lịch sử bằng công nghệ mới

Lễ Ký kết hợp tác Dự án Số hóa không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Đây là dự án bảo tàng ảo được tích hợp nhiều công nghệ đồ họa tiên tiến trên nền tảng VR/AR/MR/hướng dẫn viên ảo.

Số hóa không gian, xây dựng bảo tàng ảo là phương pháp sử dụng nhiều công nghệ khác nhau như máy scan 3D, máy scan hồng ngoại hoặc công nghệ Photogrametry để thu thập dữ liệu từ công trình hoặc hiện vật ngoài thực tế. Dữ liệu sau khi số hóa của công trình và hiện vật sẽ chuyển thành mô hình 3D trên không gian máy tính.

Việc số hóa không gian, xây dựng bảo tàng ảo tạo ra một không gian giả lập giống như thực tế. Khách tham quan có thể trải nghiệm thông qua các thiết bị di động, máy tính hoặc kính thực tế ảo chuyên dụng.

Qua đó mang tới trải nghiệm mới lạ cho du khách khi có thể đi lại, tương tác với các hiện vật trong không gian 3 chiều, có thể dễ dàng truy cập các thông tin chi tiết của tài liệu và hiện vật.

Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ số hoá cho bảo tàng giúp vượt qua các hạn chế về địa lý và di chuyển, cho phép tất cả mọi người trên khắp thế giới đều có thể dễ dàng truy cập và tham quan bảo tàng mà không cần trực tiếp đến địa điểm vật lý.

Điều này góp phần mở rộng đối tượng khách tham quan và tạo cơ hội cho những người không có điều kiện cũng có thể tham quan được các bảo tàng, di tích lịch sử. Ngoài ra, việc số hóa còn giúp đơn vị quản lý bảo tàng thuận lợi hơn trong việc kiểm kê, bảo quản tài liệu và hiện vật.

Mô phỏng 3D toàn cảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiểu Kết)
Mô phỏng 3D toàn cảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Bảo tàng

Về phía Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TP Hồ Chí Minh, ThS. Lưu Thị Tuyết Trinh – Giám đốc Bảo tàng cho biết, Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua 45 năm hình thành và phát triển, với 5 lần chỉnh lý lớn (1982, 1985, 1990, 1995 và 2008). Tuy nhiên, hiện nay hệ thống trưng bày cố định tại bảo tàng chưa theo kịp xu hướng hiện đại với các bảo tàng khác, chưa thỏa mãn được nhu cầu của công chúng tìm hiểu về danh nhân Hồ Chí Minh.

Thêm vào đó, thành phố cũng luôn nỗ lực để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trước tình hình trên, việc đổi mới phương pháp trưng bày trở thành nhu cầu cấp thiết để thu hút khách tham quan trong và ngoài nước. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá, bảo tàng đã lựa chọn giải pháp đổi mới, đó là phương pháp số hóa không gian trưng bày, xây dựng bảo tàng ảo.

Dự án sẽ được triển khai qua 5 giai đoạn, dự kiến khánh thành vào tháng 9 năm 2024. Dự án đã đánh dấu một bước khởi đầu mới, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển trong tương lai để phía bảo tàng không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách tham quan, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh”, bà Lưu Thị Tuyết Trinh – Giám đốc Bảo tàng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Long Hưng – Điều hành dự án mong muốn: “Với việc ứng dụng nhiều công nghệ đồ họa tiên tiến kết hợp âm nhạc và lời bình để tăng cảm xúc của du khách, sẽ giúp khách tham quan như được quay ngược thời gian, đắm chìm trong không gian của những năm tháng xưa cũ. Dự án sẽ góp phần lan tỏa hình ảnh, giá trị thực tế của Bảo tàng đến những người không có điều kiện đến tham quan trực tiếp. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để quảng bá, hấp dẫn du khách, tăng cường sự quan tâm đối với bảo tàng thực tế”.

Có thể nói, xu hướng số hoá không gian bảo tàng và di tích đang trở thành một phần không thể thiếu trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử tại Việt Nam.

Hiện nay, việc số hoá giúp bảo tồn hiện vật và không gian di tích một cách bền vững, chống lại sự tàn phá của thời gian, môi trường và các yếu tố khách quan khác. Đồng thời, số hoá còn mở ra cơ hội tiếp cận di sản văn hoá cho đông đảo công chúng, không chỉ trong nước mà còn quốc tế, giúp tăng cường nhận thức và giáo dục về lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Ý nghĩa của việc số hoá không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, mà còn tạo ra các trải nghiệm tương tác mới mẻ, thu hút giới trẻ và những người yêu thích công nghệ tham gia khám phá văn hóa truyền thống một cách hiện đại và thú vị. Thông qua các công nghệ số hóa 3D/360, du khách có thể khám phá chi tiết các di tích từ xa. Điều này không chỉ thuận tiện mà còn làm tăng giá trị và sức hấp dẫn của các bảo tàng, di tích.

Tuy nhiên, để đảm bảo quá trình số hóa không ảnh hưởng đến giá trị văn hóa truyền thống của các bảo tàng, di tích lịch sử, theo ông Trần Duy Hào – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp Chuyên gia StarGlobal (StarGlobal 3D) chia sẻ, người làm công tác số hóa cần lưu ý một số vấn đề quan trọng, cụ thể:

Thứ nhất, cần đảm bảo tính nguyên vẹn của các không gian và hiện vật. Việc số hóa bảo tàng, các khu di tích quan trọng nhất là số hóa hiện vật. Hiện vật luôn là tài sản, giá trị cốt lõi và là linh hồn của các Bảo tàng, khu di tích lịch sử. Vậy nên, trong quá trình tác nghiệp thu thập dữ liệu số hóa, đặc biệt là với những hiện vật đã bị oxy hóa, xuống cấp hoặc hư hại, cần có phương pháp tiếp cận cẩn trọng. Việc thu thập dữ liệu phải được thực hiện một cách tỉ mỉ, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến tính nguyên vẹn của hiện vật.

Thứ hai, ứng dụng công nghệ tiên tiến để đảm bảo khâu xử lý dữ liệu được chuẩn xác, hạn chế tối đa những sai lệch so với dữ liệu thật. Nhiều hiện vật có hình dạng phức tạp hoặc bị hư hại nặng, gây khó khăn trong quá trình quét 3D và xử lý dữ liệu. Các thách thức như phản xạ bóng, đồng màu, hoặc thiếu dữ liệu cần được khắc phục. Để đảm bảo tính toàn vẹn và trung thực của hiện vật trong không gian số hóa. Quá trình này đòi hỏi sự tỉ mỉ, sử dụng công nghệ và phần mềm chuyên dụng để xử lý nâng cao, dù có thể tốn nhiều thời gian và công sức.

Thứ ba, cần đảm bảo tính chuẩn xác của thông tin và tôn trọng giá trị văn hóa truyền thống. Khi hoàn thiện sản phẩm số hóa hiện vật và di tích, việc tích hợp thông tin giới thiệu đòi hỏi sự cẩn trọng và tôn trọng đối với các giá trị văn hóa vốn có. Mục tiêu của quá trình này không chỉ dừng lại ở việc tái hiện hình ảnh hiện vật một cách chính xác, mà còn phải truyền tải được đầy đủ tinh thần, bối cảnh và ý nghĩa lịch sử của từng không gian, từng hiện vật. Để đạt được điều này, mọi thông tin được tích hợp cần trải qua quá trình kiểm chứng nghiêm ngặt bởi các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan. Quy trình này giúp đảm bảo tính xác thực của thông tin, tránh những hiểu lầm hoặc diễn giải sai lệch có thể làm suy giảm giá trị văn hóa đích thực của di tích. Đồng thời, cũng góp phần bảo tồn và phát huy đúng đắn bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo sự cân bằng giữa tính hiện đại của công nghệ số và giá trị truyền thống của di sản.

Với sứ mệnh kiến tạo bản sao toàn diện của thế giới thực trong thế giới số 3D, giúp loại bỏ rào cản về không gian và thời gian, phát huy tối đa khả năng sáng tạo và tương tác giữa con người với thế giới thông qua Internetcùng bằng sáng chế độc quyền tại Hoa Kỳ (USPTO) được cấp cho sản phẩm “Web/App tương tác thông minh 3D/360”, Giải pháp này của chúng tôi đang thực hiện sứ mệnh của mình và không chỉ dừng lại ở việc tái hiện một cách chính xác các công trình và vật thể với đầy đủ kích thước, màu sắc và thông tin chi tiết, mà chúng tôi còn tích hợp đa dạng các loại thông tin đa phương tiện như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, và mô hình 3D vào trong không gian số hóa. Giải pháp này đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như du lịch, bảo tàng, di sản, nhà máy, khu công nghiệp, bất động sản, trường học, trang trại, hạ tầng, và showroom.”, ông Trần Duy Hào – Tổng giám đốc StarGlobal 3D khẳng định.

Ông Trần Duy Hào – Tổng giám đốc StarGlobal 3D (Ảnh: StarGlobal 3D)
Ông Trần Duy Hào – Tổng giám đốc StarGlobal 3D. Ảnh: StarGlobal 3D

Được thành lập từ năm 2016, công ty StarGlobal 3D được đánh giá là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực công nghệ số hoá 3D, với hàng loạt giải thưởng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Đây cũng là startup Việt Nam duy nhất trong lĩnh vực công nghệ Số hóa 3D được Cơ quan Sáng chế và Thương hiệu Mỹ (United States Patent and Trademark Office – USPTO) cấp Bằng phát minh sáng chế độc quyền (Patent) cho phát minh “Hệ thống quản lý tương tác thông minh tích hợp thông tin thời gian thực bằng Bản đồ số hóa 3D/360”.

Riêng lĩnh vực số hóa bảo tàng và di tích, doanh nghiệp này đã thực hiện nhiều dự án số hóa quan trọng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam. Tại TP.HCM có thể kể đến như: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, UBND TP.HCM, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà thờ Tân Định, Bến nhà rồng,…

Ngoài ra, StarGlobal 3D còn thực hiện các dự án số hóa bảo tàng, di tích lịch sử lớn trên khắp Việt Nam như: Khu di tích Kim Liên, Nhà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ cự Thạch Hàng Gòn, Nhà trưng bày Hoàng Sa, Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam…

Một số dự án Bảo tàng, khu di tích lịch sử đã được StarGlobal 3D số hoá 3D.
Một số dự án bảo tàng, khu di tích lịch sử đã được StarGlobal 3D số hoá 3D. Ảnh: StarGlobal 3D

Những dự án này không chỉ tái hiện toàn bộ hiện vật và không gian trưng bày mà còn giúp du khách có thể tham quan từ xa với trải nghiệm tương tác sống động. Qua đó, góp phần bảo tồn di sản văn hóa và lịch sử của đất nước, mang lại giá trị ứng dụng cao trong việc giáo dục, nghiên cứu, quảng bá di sản.

Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ số hóa 3D vào lĩnh vực bảo tàng và di tích không chỉ duy trì sự gắn kết của du khách với bảo tàng truyền thống, mà còn khơi gợi sự hứng thú, thúc đẩy họ đến thăm quan trực tiếp để tận mắt chiêm ngưỡng những hiện vật in đậm dấu ấn thời gian. Hơn thế nữa, việc số hoá bảo tàng, di tích lịch sử còn được xem là một công cụ hiệu quả để giáo dục và truyền bá văn hóa, lịch sử và nghệ thuật đến với mọi người.

– Công nghệ VR: Công nghệ VR (Virtual Reality – công nghệ thực tại ảo) du khách có thể trải nghiệm hoàn toàn trong không gian bảo tàng ảo khi đeo kính VR3D hoặc có thể trải nghiệm từ xa thông qua điện thoại thông minh, Ipad và các loại màn hình tương tác có kết nối Internet. Hình ảnh bảo tàng được thể hiện trung thực, sống động khi toàn bộ không gian khuôn viên bảo tàng và cả các không gian trưng bày được số hóa bằng phương pháp scan 3D. Khi muốn xem thông tin chi tiết của hiện vật trưng bày, khách tham quan có thể click thẳng vào hiện vật trong không gian ảo để xem hình ảnh phóng lớn với đầy đủ các thông tin chi tiết.

– Công nghệ AR: Công nghệ AR (Augmented Reality – thực tế tăng cường) Không chỉ dừng lại ở những hình ảnh 2D, khi khách tham quan click vào các hiện vật trưng bày, cửa sổ 3D xuất hiện và có thể xem hiện vật dưới dạng không gian 3 chiều, xoay quanh các hiện vật như tượng, xe ngựa, xe lôi, ô tô… Để số hóa các hiện vật 3D với chi tiết sống động như hiện vật trưng bày thật chúng tôi sử dụng các phương pháp như Lidar Scan, Photogrametry, hồng ngoại.

– Công nghệ MR: Công nghệ MR (Mixed Reality – Thực tế hỗn hợp tăng cường) Công nghệ này sẽ giúp thể hiện đồng thời các công nghệ trong cùng một môi trường, có thể can thiệp vào thế giới thực khi tham quan trải nghiệm.

Tiểu Kết (theo Công thương)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan