Tính đến ngày 24/6, sản lượng vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hơn 24,5 nghìn tấn; còn lại được xuất khẩu sang các thị trường khác như: EU 53 tấn, Nhật Bản 45 tấn, Úc 42 tấn, Hoa Kỳ 20 tấn, Dubai 21 tấn, Canada 16 tấn và các nước khu vực Đông Nam Á 18 tấn.
Được biết, giá trị doanh thu từ vải thiều và từ các dịch vụ phụ trợ ước đạt khoảng trên 5.775 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ vải thiều ước đạt khoảng trên 4.814 tỷ đồng; doanh thu từ xuất khẩu đạt 1.670 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ vải thiều đạt 1.392 tỷ đồng.
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết: “Với sự chủ động vào cuộc từ sớm của các cơ quan chức năng, năm nay việc ùn tắc cục bộ tại hai cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn và Kim Thành, tỉnh Lào Cai đã không xảy ra”.
Tuy nhiên, theo ông Tấn, để quả vải tiếp tục được xuất khẩu đến được nhiều thị trường trên thế giới với số lượng cao hơn, lãnh đạo Sở Công Thương kiến nghị Bộ Công Thương, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương của các nước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất khẩu vải thiều; giúp đỡ thúc đẩy việc quảng bá, tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước. Tiếp tục hỗ trợ, mời gọi các kênh phân phối, các Tập đoàn bán lẻ của các nước đến tìm hiểu, hợp tác, thu mua tiêu thụ vải.
Bên cạnh đó, định hướng thông tin các chính sách, quy định mới về nhập khẩu, quy trình thủ tục, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm… của thị trường các nước đối với vải thiều, các sản phẩm chế biến từ vải cũng như triển khai các bước để thực hiện chiếu xạ vải thiều xuất khẩu sang Hoa kỳ được thực hiện tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội.
Nhiều đơn hàng đã chốt đến hết năm 2030
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, vải là trái cây có giá trị kinh tế rất cao trong số cây trồng ở địa phương này. Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ổn định, giá vải tăng đều hàng năm.
Năm 2023, sản lượng vải của Bắc Giang đạt trên 201.000 tấn, doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ lập kỷ lục 6.876 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, doanh thu trực tiếp từ quả vải trên 4.658 tỷ đồng, còn lại là các ngành dịch vụ phụ trợ.
Trong các thị trường xuất khẩu quả vải Việt Nam, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang nhận định, Trung Quốc vẫn là thị trường chính. Hiện nhiều doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc là bạn hàng truyền thống đã chuẩn bị cho việc giám sát thu mua, tiêu thụ vải thiều tại huyện Tân Yên và huyện Lục Ngạn.
Một cơ sở đóng gói tại Lục Ngạn. Ảnh: Bảo Lâm |
“Chúng tôi đã chuẩn bị và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân, doanh nghiệp, các hiệp hội, thương hội quan tâm đến khảo sát, giám sát thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều và các loại nông sản khác của tỉnh Bắc Giang sang thị trường Trung Quốc”, ông Tấn nói.
Còn theo bà Nguyễn Thị Nhung, cán bộ khuyến nông xã Phúc Hòa (huyện Tân Yên), thị trường tiêu thụ vải chín sớm năm nay “nóng” ngay từ đầu vụ. Hiện các vườn vải có mã số vùng trồng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đều có doanh nghiệp ký hợp đồng mua xuất khẩu đến các thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản, EU…
Điểm mới so với những năm trước đây là nhiều doanh nghiệp đàm phán ký hợp đồng thu mua cho cả giai đoạn 2024 – 2030 chứ không ký theo từng năm. Giá mua tại vườn phổ biến 35.000 đồng/kg, trong trường hợp thị trường giảm, giá không thấp hơn 25.000 đồng/kg.
Theo bà Nhung, năm nay vải mất mùa nên có thể giá bán ngoài thị trường sẽ cao hơn so với giá ký hợp đồng. Nhưng đây là các hợp đồng cam kết thu mua trong dài hạn, các nhà vườn đều tính toán được chi phí trong khoảng an toàn để sản xuất và đảm bảo vẫn có lãi khi liên kết làm vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp. Vì thế, có nhiều nhà vườn ở Phúc Hòa đã ký xong hợp đồng bán vải cho doanh nghiệp đến năm 2030.