Vấn nạn gian lận trên môi trường thương mại điện tử
PLNews – Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc đang tràn lan trên mạng Internet và trên các nền tảng giao dịch trực tuyến, trở thành mối lo ngại lớn cho người tiêu dùng và xã hội.
Lợi dụng livestream để bán hàng giả
Sự phát triển của công nghệ đã tạo ra mô hình kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, kết nối người mua và người bán, trở thành một “ngành kinh tế” mới, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế. Đặc biệt, trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19, Việt Nam nổi lên là một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.
Mặc dù thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu và không rõ nguồn gốc vẫn tràn lan trên mạng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời thất thu ngân sách nhà nước. Các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử và bưu chính để vận chuyển và buôn bán hàng lậu, hàng giả, thậm chí sử dụng kho và phương tiện của các doanh nghiệp bưu chính để che giấu hành vi này, hoặc tiêu thụ hàng qua hình thức bán hàng trực tuyến và vận chuyển qua bưu chính.
Livestream bán hàng trên các ứng dụng OTT, mạng xã hội và sàn thương mại điện tử đang bị lợi dụng để vi phạm pháp luật. Cục A05 từng phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện nhiều kho hàng lớn tại Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Lào Cai… chứa hàng trăm nghìn sản phẩm không rõ nguồn gốc, nghi giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, Gucci, Nano J.Plus. Các đối tượng sản xuất và bán trực tiếp qua mạng xã hội.
Cần phối hợp chặt chẽ để đối phó hiệu quả
Việc ngăn chặn tình trạng này gặp nhiều khó khăn do tính ẩn danh của tội phạm mạng và khả năng thay đổi thông tin, che giấu bằng chứng một cách nhanh chóng. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, như lực lượng an ninh mạng, cảnh sát kinh tế, hải quan, và các bộ ngành liên quan để thu thập thông tin và xử lý các vụ việc buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên không gian mạng.
Để đạt hiệu quả, cần có kế hoạch phối hợp chi tiết về thời gian, địa điểm và phân công trách nhiệm giữa các bên. Đồng thời, lực lượng công an địa phương cũng cần tham gia để ngăn chặn việc các đối tượng tẩu tán hàng hóa khi bị phát hiện. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu các cơ sở kinh doanh cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, và niêm yết đường dây nóng để người dân tố giác hành vi vi phạm. Việc hoàn thiện cơ chế chính sách và tăng cường quản lý nhà nước là cần thiết để đấu tranh hiệu quả với loại hình tội phạm này.
Theo Hoàng Văn Giang, phòng Nghiệp vụ – Tổng hợp (dms.gov.vn)