Viên ngọc lấp lánh bên dòng sông Hàn
HH&PL – Với những nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của chính quyền và người dân thành phố, có thể nói Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải và Bảo tàng Đà Nẵng trong tổng thể quảng trường Trung tâm như một viên ngọc lấp lánh bên bờ sông Hàn.
Bảo tàng Đà Nẵng (số 42 Bạch Đằng) ở vị trí toà thị chính trước đây cùng với các công trình trong khu vực sẽ tạo thành không gian mở quan trọng, gắn với các giá trị lịch sử và đương đại, chính trị và văn hóa, gắn với giá trị của thiên nhiên là dòng sông Hàn. Đây cũng sẽ là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa chính trị của thành phố, phục vụ nhu cầu thường nhật của người dân về vui chơi giải trí và khuyến khích người dân tìm hiểu lịch sử thành phố.
Đáp ứng tầm vóc lịch sử lẫn sự phát triển của đô thị
Tòa Đốc lý hay còn gọi là Tòa thị chính Đà Nẵng (số 42 Bạch Đằng, quận Hải Châu), được xây dựng dưới thời Pháp thuộc, đến nay đã có hơn 120 năm tuổi. Không chỉ mang tính biểu tượng, Tòa thị chính còn là nhân chứng cho những thời khắc lịch sử hào hùng của quân và dân Đà Nẵng với sự kiện trưa 29-3-1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Tòa thị chính, đánh dấu thắng lợi của quân dân Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong giai đoạn xây dựng và phát triển, công trình này tiếp tục được sử dụng làm trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Năm 1994, tòa nhà được tu sửa, nâng cấp nhưng vẫn giữ nguyên những giá trị thẩm mỹ của kiến trúc Pháp vốn có. Thời điểm chia tách địa giới hành chính năm 1997, tòa nhà vẫn được chọn là trụ sở của UBND thành phố Đà Nẵng. Đến tháng 6-2014, bộ máy chính quyền chuyển vào Trung tâm Hành chính thành phố, tòa nhà trở thành trụ sở của HĐND thành phố.
Bảo tàng tại vị trí mới kết nối với quảng trường chung quanh Thành Điện Hải, Thư viện Khoa học Tổng hợp và cảnh quan bờ tây sông Hàn, tạo thành quần thể kiến trúc văn hóa độc đáo. Ảnh: Cổng TTĐT Đà Nẵng
Nhằm tạo hạ tầng để tiếp nhận, trưng bày hiện vật của bảo tàng hiện nay (đang đặt tại vùng lõi di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải), cuối năm 2016, Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý chuyển Bảo tàng Đà Nẵng (bên trong Thành Điện Hải) về trụ sở số 42 Bạch Đằng sau khi HĐND thành phố dời đi.
Từ cuộc tuyển phương án kiến trúc công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở cụm công trình 42, 44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú thành Bảo tàng Đà Nẵng và mở rộng Công viên APEC tổ chức hồi tháng 3-2019, phương án thiết kế của tư vấn Singapore được chọn với chiến lược kiến trúc cũ và mới, dựa trên sự tôn trọng các điều kiện bảo tồn nghiêm ngặt nhất. Phần cánh nhà mới được thiết kế với một mái hiên với ngôn ngữ kiến trúc hiện đại và mở thông suốt ra các phía của thành phố, cho phép luồng du khách có thể đi từ phía Quảng trường mới trước tòa Hội trường HĐND đến thư viện nằm dọc sông. Đây là một trong những hoạt động nhằm đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa của thành phố, trong đó, Bảo tàng Đà Nẵng được xác định đáp ứng tầm vóc lịch sử lẫn sự phát triển của đô thị.
Đến giữa năm 2020, UBND thành phố phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng Đà Nẵng với tổng diện tích 8.686 m2 và tổng mức đầu tư gần 505 tỉ đồng.
Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện – Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, bảo tàng tại vị trí mới kết nối với quảng trường chung quanh Thành Điện Hải, Thư viện Khoa học Tổng hợp và cảnh quan bờ tây sông Hàn, tạo thành quần thể kiến trúc văn hóa độc đáo.
Sau khi hoàn thành công trình, Bảo tàng Đà Nẵng cũng mở rộng quy mô trưng bày, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất là nơi sưu tầm, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của thành phố và khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Từ đó, góp phần giáo dục và phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham quan, tìm hiểu, hưởng thụ văn hóa của đông đảo người dân cũng như du khách.
Không gian mở quan trọng gắn với dòng sông Hàn
Sau gần 4 năm thực hiện, Bảo tàng Đà Nẵng mới đang dần lộ rõ “hình hài mới” với lối kiến trúc cổ kính xen lẫn hiện đại. Phía mặt tiền đường Bạch Đằng với điểm nhấn kiến trúc của khối nhà 42 và 44 Bạch Đằng đã và đang trở thành điểm check-in yêu thích của người dân, du khách. Không chỉ trong các dịp lễ, Tết mà ngay cả ngày thường, khu vực này cũng thu hút rất đông các bạn trẻ đến chụp ảnh, check-in hay các cặp đôi đến chụp ảnh cưới.
Dự kiến, Bảo tàng Đà Nẵng mới sẽ có không gian trưng bày ngoài trời kết nối với quảng trường xung quanh Thành Điện Hải, Thư viện Tổng hợp và cảnh quan bờ tây sông Hàn. Bảo tàng Đà Nẵng mới sau khi hoàn thành có 4 khu vực trưng bày.
Phần 1 là dẫn nhập giới thiệu tổng quan về nội dung trưng bày, giới thiệu tổng quan về thành phố Đà Nẵng trong bối cảnh miền Trung và cả nước từ quá khứ đến hiện tại, bản đồ thành phố Đà Nẵng, sơ đồ tham quan bảo tàng, quầy thông tin; Phần 2 chủ đề “Lịch sử thiên nhiên và con người thành phố Đà Nẵng”; Phần 3 có chủ đề “Lịch sử phát triển đô thị Đà Nẵng” qua hệ thống chính quyền các thời kỳ và quá trình xây dựng và phát triển của thành phố trong hòa bình; Phần 4, trưng bày mảng nội dung về văn hóa.
Cạnh đó, Bảo tàng trưng bày các nội dung chuyên đề – Chứng tích chiến tranh của Mỹ và vùng lân cận; Các nội dung trưng bày chuyên đề ngắn hạn; Các nội dung triển lãm phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa theo thời sự của địa phương và cả nước.
Không gian Quảng trường Trung tâm thành phố gồm khu vực Thành Điện Hải, Trung tâm Hành chính thành phố, Bảo tàng Đà Nẵng và tiếp cận ra sông Hàn được nâng cấp xứng tầm là không gian mở quan trọng gắn với dòng sông Hàn. Ảnh: Cổng TTĐT Đà Nẵng
Theo Đồ án quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ Đông, tỉ lệ 1/2.000, thành phố sẽ tái thiết khu vực hai bên bờ sông Hàn, tạo nên điểm nhấn đặc sắc cho khu vực trung tâm đô thị biển Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, thành phố Đà Nẵng sẽ xây dựng Quảng trường trung tâm với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.000 tỷ đồng.
Dự án Quảng trường trung tâm Đà Nẵng gồm 3 khu: Khu A có diện tích 10,69ha, được giới hạn bởi các đường Nguyễn Chí Thanh, Lý Tự Trọng, Quang Trung, bờ Tây sông Hàn; Khu B có diện tích 2,37ha, tại bến du thuyền cảng sông Hàn; Khu C có diện tích 3,16ha, được giới hạn bởi các đường Trần Phú, Quang Trung, bờ Tây sông Hàn, cầu Sông Hàn (bao gồm Bảo tàng Đà Nẵng, thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng).
Trong đó, không gian Quảng trường gồm khu vực Thành Điện Hải, Trung tâm Hành chính thành phố, Bảo tàng Đà Nẵng và tiếp cận ra sông Hàn được quy hoạch để đầu tư, cải tạo, nâng cấp xứng tầm là không gian mở quan trọng, gắn với các giá trị lịch sử và đương đại, chính trị và văn hóa, gắn với giá trị của thiên nhiên là dòng sông Hàn. Đồng thời, đây cũng sẽ là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa chính trị của thành phố, phục vụ nhu cầu thường nhật của người dân về vui chơi giải trí và khuyến khích người dân tìm hiểu lịch sử thành phố.
Các không gian mở của các công trình công cộng – dịch vụ kết nối với sông và biển tạo thành một không gian tự nhiên hài hòa, sinh thái. Trong đó, không gian cảnh quan dọc sông Hàn là không gian mở chính của khu vực trung tâm, kết nối các khu trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, du lịch dọc bờ sông và được nâng cấp, cải tạo, bố trí thêm hành lang xanh, các không gian công cộng, tổ chức chiếu sáng nghệ thuật,… để phát huy lợi thế của dòng sông.
Việc cải tạo, nâng cấp cơ sở cụm công trình 42, 44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú thành Bảo tàng Đà Nẵng là minh chứng cụ thể của sự quan tâm, đầu tư cho văn hóa của chính quyền thành phố trong suốt thời gian qua. Bảo tàng Đà Nẵng kết hợp với các công trình xung quanh tạo thành khu vực công cộng hấp dẫn người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm các dịch vụ dọc sông Hàn.
Trúc Linh (theo QLTT)