Xuất khẩu tôm: Cần phát triển thương hiệu dựa trên chất lượng sản phẩm

PLNews – Xuất khẩu tôm quý I/2025 vượt 900 triệu USD: Xây dựng thương hiệu gắn liền với chất lượng để thúc đẩy kim ngạch.

Trung Quốc – Thị trường chủ chốt trong xuất khẩu tôm Việt Nam

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, trong quý I/2025, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 939 triệu USD, tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm 2024. Mức tăng trưởng ấn tượng này chủ yếu đến từ sự phục hồi nhu cầu tại các thị trường lớn, đặc biệt là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và khối CPTPP.

Quý I/2025, xuất khẩu tôm tăng trên 37%
Quý I/2025, xuất khẩu tôm tăng trên 37%. Ảnh minh họa

Trong đó, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) nổi bật như điểm sáng lớn nhất của ngành tôm Việt Nam với tổng kim ngạch đạt 288 triệu USD, tăng mạnh 125%. Đặc biệt, xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ. Giá xuất khẩu tôm sú Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 3 duy trì ở mức 9,6 USD/kg, tăng nhẹ so với tháng 1. Tuy nhiên, giá tôm chân trắng vẫn duy trì ở mức thấp (6,6 USD/kg), cho thấy sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như Ecuador và Ấn Độ.

Bên cạnh Trung Quốc, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong quý I đạt 134 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang EU đạt 107 triệu USD, tăng 33%, trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 124 triệu USD, tăng 20%. Thị trường Hàn Quốc đạt 77 triệu USD, tăng 16%. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu sang khối CPTPP đạt 269 triệu USD, tăng 40%, mặc dù vẫn phụ thuộc lớn vào Nhật Bản và Canada.

Nâng cao năng lực ngành tôm: Cần “xanh hóa” để phát triển bền vững

Theo báo cáo của Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong quý I/2025 đạt 2,29 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2024.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư, cho biết tôm và cá tra hiện vẫn là hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành. Trong quý I/2025, xuất khẩu tôm đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, với tỷ lệ tăng trưởng trên 37,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Để vượt qua những thách thức, đặc biệt là các rào cản thương mại, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần tập trung vào việc đầu tư vào chế biến sâu, xây dựng thương hiệu “tôm Việt” gắn liền với chất lượng, tính bền vững và minh bạch.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP, RCEP để mở rộng thị trường và gia tăng xuất khẩu. Các thị trường tiềm năng có nhu cầu tiêu thụ tôm lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, châu Âu, và thị trường Halal cũng đang được khai thác mạnh mẽ.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành tôm Việt, việc cải thiện chất lượng và tính bền vững trong sản xuất là yêu cầu cấp thiết. TS. Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP và Chủ tịch HĐQT FIMEX Việt Nam, chia sẻ rằng các sản phẩm thủy sản muốn được bày bán ở các kệ hàng cao cấp cần thuyết phục đối tác về những gì đã và đang thực hiện trong việc sản xuất sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Ngành tôm Ecuador, ngoài lợi thế giá rẻ, còn có khoảng 30% diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận ASC, thuận lợi trong việc tiêu thụ tại EU và Hoa Kỳ. Trong khi đó, tỷ lệ diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận ASC tại Việt Nam còn rất thấp, chủ yếu do phần lớn diện tích nuôi tôm ở Việt Nam là nhỏ lẻ và khó áp dụng các tiêu chuẩn này, nếu làm thì chi phí lại rất cao. Đây là một “nút thắt cổ chai” cần được giải quyết để ngành tôm Việt Nam có thể mở rộng cơ hội vươn ra thế giới.

“Xanh hóa” ngành tôm: Hướng đi bền vững cho tương lai

Thị trường ngành tôm hiện đang phải đối diện với nhiều biến động lớn. Các chuyên gia nhận định rằng ngành tôm Việt Nam đang gặp không ít khó khăn và cần có những chiến lược ứng phó linh hoạt, kịp thời để vượt qua thử thách, đồng thời nâng cao vị thế ngành hàng. Một trong những giải pháp quan trọng là “xanh hóa” ngành tôm, tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển lâu dài.

Bà Lê Hằng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, cho biết, theo Quyết định 3444/QĐ-BNN-KH ngày 12/9/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã đặt ra các nhiệm vụ cụ thể cho ngành nuôi trồng thủy sản. Ngành tôm được định hướng áp dụng các mô hình nuôi mới có hiệu quả cao, khả năng chống chịu tốt và thích ứng với điều kiện khí hậu thay đổi. Đồng thời, kiểm soát dịch bệnh, giảm sử dụng kháng sinh và đảm bảo an toàn thực phẩm là những ưu tiên hàng đầu.

Quyết định 4441/QĐ-BNN-KHCN ngày 13/12/2024 tiếp tục thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và phát triển các chế phẩm sinh học xử lý môi trường nuôi, mở ra hướng đi bền vững cho ngành tôm. Ngành đã tích cực triển khai công nghệ nuôi tuần hoàn và tái chế phụ phẩm, giảm ô nhiễm, tối ưu hóa dinh dưỡng và sử dụng năng lượng hiệu quả, qua đó giúp bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị kinh tế.

Các mô hình nuôi kết hợp như tôm – rừng và tôm – lúa cũng được khuyến khích, không chỉ thân thiện với môi trường mà còn giúp đa dạng hóa sản phẩm. Điều này góp phần nâng cao giá trị kinh tế của ngành tôm, tạo ra những sản phẩm sạch và bền vững.

Truy xuất nguồn gốc là yếu tố không thể thiếu để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như ASC, BRC và GlobalGAP không chỉ nâng cao uy tín cho sản phẩm tôm Việt Nam mà còn giúp người tiêu dùng tin tưởng vào nguồn gốc sạch và bền vững của sản phẩm.

Bà Lê Hằng khẳng định rằng, phát triển xanh cho ngành tôm Việt Nam là một hướng đi toàn diện, kết hợp công nghệ tiên tiến, quản lý chất thải hiệu quả và thực hành nuôi bền vững. Những nỗ lực này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, và tăng khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Nguyễn Hạnh

Theo congthuong.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan