Ưu tiên các giải pháp giảm thiểu rác thải trong thương mại điện tử
HH&PL – Để thương mại điện tử (TMĐT) phát triển bền vững và thân thiện hơn với môi trường, đồng thời trở thành một công cụ quan trọng hướng tới nền kinh tế xanh, cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghệp và người dân.
Rác thải thải ra từ TMĐT tăng ít nhất gấp 5 lần so với thương mại truyền thống
Tại hội thảo “Rác thải nhựa từ thương mại điện tử” vừa được Hiệp hội TMĐTViệt Nam tổ chức, ông Nguyễn Thanh Hưng, thành viên Hội đồng tư vấn cấp cao về TMĐT của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho biết, theo thống kê của các cơ quan chức năng, ở Hàn Quốc, rác thải do TMĐT thải ra môi trường gáp 4,8 lần rác thải truyền thống. Còn tại Hoa Kỳ, mua sắm trực tuyến tốn lượng giấy carton nhiều gấp 7 lần so với mua sắm truyền thống. Trong khi đó tại Trung Quốc, năm 2020 sử dụng trên 70 tỷ kiện hàng giao dịch thương mại điện tử, trong đó đã sử dụng 11 triệu tấn bao bì carton và nhựa, trong đó gần 2 triệu tấn chất thải nhựa.
Đồ ăn đặt online sẽ gia tăng áp lực rác thải nhựa lên môi trường
Còn tại Việt Nam năm 2023 bán lẻ hàng hoá trực tuyến sử dụng 1,84 tỷ gói hàng hoá, trong đó khối lượng bao bì, vật liệu nhựa là 306 nghìn tấn. Trong đó hộp carton và túi nylon là loại bao bì phổ biến được các thương nhân sử dụng đóng gói đơn hàng khi kinh doanh trên các nền tảng online. Đặc biệt, ngành quần áo, thời trang, phụ kiện và đồ ăn nhanh có đến 90% thương nhân sử dụng túi nylon, hộp, cốc nhựa để đóng gói.
Bên cạnh đó, phần lớn các đơn hàng đều sử dụng vật liệu chèn là mút xốp và xốp nylon bong bóng khí với tỷ lệ tương ứng là 30% và 35%. Các đơn hàng đều sử dụng vật liệu phụ trợ là băng keo nhựa.
“Với tốc độ tăng trưởng trên 25% mỗi năm, có thể tới năm 2030, quy mô TMĐT Việt Nam sẽ gấp trên 4,7 lần hiện tại, khi đó lượng rác thải nhựa từ TMĐT sẽ lên tới 800 ngàn tấn”, ông Hưng nhận định.
Đồng tình quan điểm đó, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Chính sách, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, số lượng rác thải thải ra từ thương mại điện tử, mua bán hàng online phải tăng ít nhất gấp 5 lần so với thương mại truyền thống.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn lý giải, chúng ta cứ nghĩ TMĐT ngồi ở nhà gọi điện, truy cập mạng thì lượng rác thải ít hơn mua truyền thống. Nhưng suy nghĩ này đã nhầm, bởi chỉ một đơn hàng giá trị nhỏ nhất đã phải đóng gói và sử dụng các vật liệu từ carton, túi nylon, băng keo… trong khi đó, nếu mua hàng truyền thống thì có thể sử dụng túi nylon ít hơn và gần như không sử dụng băng keo, bìa carton.
Việc đóng gói quá kỹ dẫn tới sử dụng bao bì nhiều hơn mức cần thiết. Người bán hàng thường muốn bảo đảm rằng hàng hoá đến tay khách hàng trong tình trạng hoàn hảo nhất. Hàng hoá thường được bọc bằng hai hoặc ba lớp giấy và bao nilon, thậm chí được chèn thêm màng xốp hơi trước khi đặt vào hộp.
Hạn chế rác thải nhựa, hướng tới phát triển thương mại điện tử xanh để bảo vệ môi trường
Ông Nguyễn Thanh Hưng (VECOM) cho rằng, hiện nay các chính sách về kinh tế số và TMĐT phần lớn vẫn tập trung vào các giải pháp cho phát triển nhanh. Chính vì vậy, đã đến lúc cần thiết phải có các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số và TMĐT một cách bền vững, thân thiện môi trường. Trong đó, người tiêu dùng trực tuyến và các doanh nghiệp TMĐT cũng như logistics là những đối tượng nòng cốt thực thi các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững.
Tại Hội thảo “Rác thải nhựa từ thương mại điện tử”, Đại diện Phòng Chính sách – Cục TMĐT và Kinh tế số đã giới thiệu định hướng chính sách phát triển TMĐT gắn với bảo vệ môi trường giai đoạn tới năm 2030.
Trưởng phòng Chính sách, Cục TMĐT và Kinh tế số Nguyễn Hữu Tuấn
Ông Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, để phát triển TMĐT bền vững cần 6 nhóm đối tượng tham gia trực tiếp vào giảm rác thải nhựa: khối cơ quan quản lý Nhà nước; người tiêu dùng; doanh nghiệp TMĐT, logistics, hoàn tất đơn hàng; cơ quan truyền thông, báo chí; hiệp hội, ngành hàng và các tổ chức xã hội nghề nghiệp cùng các đơn vị liên quan khác.
Về chính sách, theo ông Tuấn, cần ưu tiên và có chính sách hỗ trợ các giải pháp giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường trong TMĐT.
Xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn đánh giá và nhận diện các doanh nghiệp TMĐT xanh, mô hình TMĐT bền vững. Xây dựng và khuyến khích áp dụng bộ tiêu chuẩn đóng gói hàng hoá cho TMĐT theo hướng ưu tiên sử dụng vật liệu có thể tái chế, giảm rác thải nhựa.
Khuyến khích doanh nghiệp TMĐT, người bán hàng trong TMĐT áp dụng các giải pháp thân thiện với môi trường; ưu tiên sử dụng nguyên liệu tái chế hoặc các sản phẩm đóng gói có thể phân huỷ sinh học, giảm thiểu lượng rác thải.
Cùng với việc khuyến khích doanh nghiệp vận chuyển sử dụng các phương tiện thân thiện môi trường, khuyến khích các sáng kiến bảo vệ môi trường trong TMĐT, cần tổ chức trao giải cho các doanh nghiệp có sáng kiến tiêu biểu hàng năm…
Trước đó, trong một Diễn đàn do Cục TMĐT và Kinh tế số chủ trì, Cục trưởng trưởng Lê Hoàng Oanh cho biết, phát triển bền vững đối với bất kỳ lĩnh vực nào cũng phải bao gồm đầy đủ các yếu tố tăng trưởng ổn định tích cực, đảm bảo sự cân bằng không ai bị bỏ lại phía sau, đáp ứng xu thế xanh, bảo vệ môi trường và đặc biệt là bảo vệ người tiêu dùng.
Nhất quán với quan điểm đó, Phó Cục trưởng Lại Việt Anh từng khẳng định, khi tiêu dùng xanh trở thành xu hướng, TMĐT cũng bắt buộc phải chuyển mình, hướng tới nền TMĐT xanh. Người dùng đang có xu hướng ngừng mua các sản phẩm, dịch vụ có tác động xấu tới môi trường và xã hội. Đó là lúc TMĐT phải thay đổi không chỉ từ những gói hàng mà ngay cả hành trình của nó từ người bán tới người mua cũng cần phải xanh hơn, bền vững hơn.
Để giảm tác động ảnh hưởng của TMĐT đối với môi trường, Phó Cục trưởng Lại Việt Anh đề xuất khẩu bán hàng cần sử dụng phương tiện giao hàng thân thiện với môi trường; xây dựng logistics thông minh, tối ưu hóa vận chuyển và giao hàng. Bên cạnh đó, khâu đóng gói cần khuyến khích sử dụng bao bì tái chế, đồng thời giảm số lượng bao bì đóng gói tại các khâu. Các nhà bán lẻ cần có những giải pháp thay đổi thói quen tiêu dùng hướng tới giao hàng xanh.
Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu về TMĐT. Mặt khác, Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc quản lý kinh doanh TMĐT trên mạng xã hội, đồng thời xây dựng và hướng dẫn cụ thể quy trình xử lý kỹ thuật các website/ứng dụng kinh doanh TMĐT vi phạm pháp luật.
Anh Thư (theo QLTT)