Ẩm thực Việt toả sáng, tăng “sức mạnh mềm” cho hình ảnh quốc gia

HH&PL- Nhiều món ăn Việt Nam liên tiếp được xếp hạng món ngon hàng đầu thế giới đã tăng sức hấp dẫn cho ẩm thực Việt cũng như tăng sức mạnh mềm cho hình ảnh quốc gia.

Nhiều món ngon được vinh danh

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam vừa thông tin, trong công bố của chuyên trang ẩm thực quốc tế TasteAtlas về danh sách 100 món ăn đường phố hấp dẫn nhất ở châu Á, Việt Nam vinh dự có mặt với nhiều món ăn đặc sắc. Theo đó, TasteAtlas đã gọi tên 5 món ăn đặc sắc của Việt Nam là bánh mì, phở, cơm tấm, chả giò và bánh xèo.

Ẩm thực Việt toả sáng, tăng
Nhiều món ăn Việt Nam được vinh danh hàng đầu thế giới. Ảnh: Indochine

Đây không phải là lần đầu tiên chuyên trang TasteAtlas được xem là bản đồ ẩm thực truyền thống địa phương lớn nhất thế giới với những đánh giá dựa trên trải nghiệm thực tế của du khách vinh danh ẩm thực Việt.

Trước đó, TasteAtlas cũng đã xếp món canh chua cá – một món ăn phổ biến và hấp dẫn của Việt Nam vào top 100 món ăn về cá được đánh giá cao nhất thế giới. Tiếp đó, 3 món ăn của Việt Nam cũng nằm trong top 100 món trộn ngon nhất thế giới đó là phở trộn, nộm và gỏi gà của Việt Nam.

TasteAtlas cũng đã vinh danh món bò kho của Việt Nam ở vị trí thứ 9 trong top 100 món hầm ngon nhất thế giới. Bò né, bún bò Huế và bánh cuốn cũng nằm trong top những món ăn sáng ngon nhất thế giới; chè, bánh da lợn và rau câu (thạch) là 3 món tráng miệng hấp dẫn của Việt Nam được TasteAtlas xướng tên trong danh sách những món ăn phổ biến nhất thế giới.

Trong danh sách “Top 100 sandwiches in the world” (100 món bánh sandwich ngon nhất thế giới) công bố gần đây cũng của chuyên trang ẩm thực TasteAtlas, bánh mì Việt Nam vinh dự ở vị trí đầu tiên.

Năm 2023, với số điểm trung bình 4,44/5 do các chuyên gia ẩm thực, đầu bếp và khách quốc tế đánh giá, ẩm thực Việt Nam đã đứng thứ 22 trong bảng xếp hạng 100 nền ẩm thực ngon nhất thế giới 2023 của chuyên trang ẩm thực danh tiếng thế giới TasteAtlas.

Đáng chú ý, ở ở hạng mục 100 Best Cuisines in the World (100 nền ẩm thực ngon nhất thế giới 2023), ẩm thực Việt Nam được đánh giá cao nhất ở các món như: Phở bò, bún chả, bánh hỏi, nem rán, bún bò Huế, bò kho, nước mắm Phú Quốc, thanh long Phan Thiết,…

Vừa qua, cẩm nang ẩm thực nổi tiếng thế giới Michelin Guide cũng đã gắn sao cho 4 nhà hàng Việt Nam, trong đó có 3 nhà hàng tại Hà Nội và 1 nhà hàng tại TP.Hồ Chí Minh. Đánh giá về giá trị ẩm thực trong phát triển du lịch. Việc Michelin Guide gắn sao cho 4 nhà hàng đã tạo ra thương hiệu cho du lịch ẩm thực Việt Nam thu hút du khách quốc tế lựa chọn làm điểm đến.

Việc ẩm thực Việt Nam, cũng như nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam được các chuyên gia ẩm thực và thực khách trên khắp thế giới đánh giá cao, có tên trong các bảng xếp hạng của bản đồ ẩm thực thế giới TasteAtlas, của các hãng truyền thông quốc tế nư CNN một lần nữa chứng minh sức hấp dẫn đặc trưng của ẩm thực Việt, đây chính cũng chính là tiềm năng lớn để thu hút du khách quốc tế.

Theo ước tính của Tổ chức Du lịch ẩm thực thế giới (World Food Tourism Association – WFTA), du khách quốc tế dành khoảng 25 – 35% ngân sách du lịch cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong suốt hành trình du lịch.

Còn theo báo cáo xu hướng du lịch 2024 cung cấp thông tin xoay quanh tình trạng du lịch tại khu vực khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Viện kinh tế Mastercard (MEI) mới đây cho thấy, du khách đã hình thành thói quen du lịch lâu hơn với 7,4 ngày tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và 5,4 ngày tại Australia và New Zealand.

Đặc biệt, theo Mastercard nhu cầu trải nghiệm giải trí về đêm cũng có sự gia tăng với chi tiêu cho trải nghiệm và hoạt động giải trí về đêm chiếm tổng cộng 12% doanh thu từ du lịch. Trong đó, du khách ưa chuộng cảm giác gần gũi thân thuộc, ngoại trừ những cửa hàng bán lẻ và nhà hàng cao cấp mang lại giá trị vượt trội so với số tiền bỏ ra.

Đối với thị trường Việt Nam Việt Nam, Mastercard cho hay, du khách đến Việt Nam dành ra trung bình 7,9 ngày cho mỗi chuyến du lịch, so với thời kỳ trước Covid-19 là 5,9 ngày. Trong 12 tháng tính đến tháng 3 năm 2024, chi tiêu của du khách tại Việt Nam dành cho ẩm thực bình dân tăng 79,1% và ẩm thực cao cấp tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.

Ẩm thực Việt toả sáng, tăng
Ẩm thực tăng sức hấp dẫn cho du lịch Việt Nam. Ảnh: Indochine

Cơ hội “vàng” cho du lịch

Như vậy, trước nhu cầu và xu hướng du lịch, trải nghiệm văn hoá của du khách cùng với lợi thế về nền ẩm thực phong phú, đa dạng… đây được xem là cơ hội vàng để du lịch Việt Nam khai thác, định vị thương hiệu.

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định du lịch ẩm thực là một trong những dòng sản phẩm quan trọng góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và thương hiệu du lịch Việt Nam. Chiến lược này đã được cụ thể hoá đã phê duyệt Đề án Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa nhằm phát triển thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa.

Với sứ mệnh tìm kiếm, phục dựng, bảo tồn, phát huy và phát triển nền văn hoá ẩm thực Việt Nam lên tầm cao mới, định hướng biến di sản thành tài sản, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) cũng đã triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 – 2024”.

Theo đó, để khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế về du lịch ẩm thực, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch ẩm thực hấp dẫn, chất lượng, trong đó chú trọng cung cấp những trải nghiệm, khám phá về bản sắc văn hoá, sinh hoạt động đồng của điểm đến gắn với từng món ăn, đồ uống.

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng đã nhận định nơi nào có dịch vụ ăn uống đặc sắc nơi đó có dấu ấn tốt với du khách, qua đó tạo niềm tin và giúp họ thỏa mãn nhu cầu khám phá nghệ thuật ẩm thực, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu bình quân và tạo nguồn thu cho địa phương.

Nhằm khai thác “mỏ vàng” ẩm thực, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng sẽ tăng cường quảng bá rộng rãi về văn hoá ẩm thực Việt Nam ra thế giới thông qua những sự kiện quốc tế được tổ chức trong và ngoài nước, nhất là ở những quốc gia là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam.

Kỳ vọng, việc thúc đẩy nền ẩm thực phát triển thì đây không chỉ là một kênh giới thiệu, lan tỏa tinh hoa văn hóa của Việt Nam ra thế giới mà còn mở rộng kênh tiêu thụ lương thực, thực phẩm, tạo ra sự cạnh tranh mềm trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia với thế giới.

Đặc biệt, như ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam chia sẻ, khi đã trở thành thương hiệu, tài sản quốc gia, ẩm thực sẽ tác động rất lớn đến nhiều ngành kinh tế mà trước nhất là du lịch.

Theo Bảo Thoa. Công Thương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan