Bản tin Chống hàng giả ngày 28/8/2023: Thu giữ và tiêu hủy hàng loạt sản phẩm trên cả nước

HH&PL – Bản tin Chống hàng giả ngày 28/8/2023 thông tin hoạt động lực lượng QLTT và các lực lượng chức năng đấu tranh ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, vi phạm nhãn hiệu.

TP Hồ Chí Minh tiêu hủy hơn 30.000 sản phẩm hàng hóa vi phạm

Vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức thực hiện tiêu hủy 2.495 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm trong đó loại mỹ phẩm không đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, với tổng giá trị 194.876.000 đồng.

Bản tin Chống hàng giả ngày 28/8/2023: Thu giữ và tiêu hủy hàng loạt sản phẩm trên cả nước
Lực lượng quản lý thị trường số 3 – Ảnh QLTT TP HCM

Trước đó, ngày 04/8/2023, tại Công ty TNHH Sản xuất Dịch vụ Thương mại Môi Trường Xanh, Lô H10E, KCN Lê Minh Xuân, Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, lực lượng Quản lý thị trường cũng đã phối hợp tổ chức thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về việc buộc tiêu hủy 27.627 đơn vị sản phẩm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu gồm: hơn 6 tấn đường cát, quần áo, thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc lá điện tử… ngoại nhập không đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Tổng trị giá hàng hóa tiêu hủy là 1.588.489.532 đồng.

Toàn bộ quá trình tiêu hủy có sự giám sát chặt chẽ của Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, các đơn vị phối hợp, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về môi trường.

Xử phạt 45 triệu đồng về hành vi tàng trữ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu

Đội quản lý thị trường số 10 – Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Ngọc Phú với hành vi tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa vi phạm theo quy định.

Bản tin Chống hàng giả ngày 28/8/2023: Thu giữ và tiêu hủy hàng loạt sản phẩm trên cả nước
Lực lượng Đội Quản lý thị trường số 10 – Cục QLTT Thanh Hóa trực tiếp giám sát hộ kinh doanh Nguyễn Ngọc Phú áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả

Cụ thể, theo Quyết định số 2989/QĐ-XPHC của UBND tỉnh Thanh Hóa ông Nguyễn Ngọc Phú – Hộ kinh doanh Nguyễn Ngọc Phú có địa chỉ tại thôn 2, xã Yên Trường, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa bị xử phạt hành chính số tiền là 45 triệu đồng, buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với toàn bộ hàng hóa vi phạm gồm: 700 bộ quần áo giả mạo nhãn hiệu Zaza; 150 bộ quần áo giả mạo nhãn hiệu Uniqlo và 220 cái áo. Toàn bộ hàng hóa vi phạm có trị giá 42.500.000 đồng.

Việc xử lý vi phạm hành chính và loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp và không gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu nhãn hiệu và người tiêu dùng trên địa bàn. Đồng thời có tính tuyên truyền, răn đe nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa.

Kiểm tra, phát hiện, tiêu hủy hàng loạt sản phẩm vi phạm thương hiệu Chanel, Hermes, Nike…

Vào tháng 8/2023, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa đã chủ trì, phối hợp thực hiện 39 lượt kiểm tra, phát hiện 27 vụ vi phạm với tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 344 triệu đồng, đã xử lý 30 vụ (một số vụ từ tháng trước chuyển qua). Qua đó, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 552 triệu đồng; trong đó chủ yếu thu phạt vi phạm hành chính. Đồng thời buộc tiêu hủy 100 đôi dép nhái hiệu Chanel và Hermès; 65 cái áo thun nhái hiệu Nike, LV và Burberry (trị giá hơn 80 triệu đồng); tạm giữ 1.020 chai khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) nhãn hiệu AN – GAS để tiếp tục xử lý theo quy định.

Thời gian tới, Cục Quản lý thị trưởng tỉnh chỉ đạo các lực lượng tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông, chống buôn lậu và gian lận thương mại; kiểm tra chống kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận về đo lường; kiểm tra việc thực hiện ghi nhãn hàng hóa và niêm yết giá, việc chấp hành chế độ đăng ký kinh doanh và kinh doanh có điều kiện trên địa bàn; chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý gây bất ổn thị trường; chủ động nắm bắt tình hình, giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa; ngăn chặn các hành vi lợi dụng chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để trà trộn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ…

Hương Trần (theo Công thương)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan