Đấu tranh chống gian lận thương mại trên thương mại điện tử

PLNews – Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT), đã xuất hiện những đối tượng lợi dụng nền tảng này để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của internet và xu hướng kinh doanh trực tuyến, mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều ngành nghề tại Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Sự tăng trưởng vượt bậc của thương mại điện tử đã giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng hàng đầu trong khu vực ASEAN.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước phát biểu tại Hội thảo

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT), đã xuất hiện những đối tượng lợi dụng nền tảng này để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thậm chí, chúng còn lợi dụng TMĐT để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuyên truyền và phát tán các sản phẩm cấm, và có cả những sản phẩm xâm phạm đến chủ quyền, an ninh quốc gia. Các hành vi vi phạm này ngày càng trở nên tinh vi và khó lường về cả quy mô lẫn phạm vi hoạt động.

Trong thời gian qua, công tác đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trong lĩnh vực TMĐT, đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, trong năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra và xử lý hơn 3.400 vụ vi phạm trong lĩnh vực TMĐT, trong đó có 1.256 vụ liên quan đến hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hàng giả trong năm 2024 đạt khoảng 1,9 triệu USD, và trị giá hàng hóa bị tịch thu, xử lý gần 2 triệu USD.

Qua thực tế kiểm tra và giám sát trên thị trường, có thể nhận thấy rằng hầu hết các sản phẩm có thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Xét về khía cạnh kinh tế, hàng giả và hàng xâm phạm quyền SHTT gây tổn thất lớn cho lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, đồng thời làm giảm uy tín của họ. Điều này dễ dẫn đến sự hiểu lầm từ phía người tiêu dùng, khiến họ quay lưng với các sản phẩm chính hãng. Thêm vào đó, với lợi thế về giá so với hàng thật, hàng giả và hàng xâm phạm quyền SHTT khiến các mặt hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng rơi vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu, thậm chí dẫn đến phá sản hoặc buộc phải chuyển đổi sang mặt hàng kinh doanh khác.

Nhận thức được vấn đề này, trong thời gian qua, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương đã triển khai và tham mưu cho Chính phủ nhiều hoạt động cụ thể nhằm giảm thiểu tình trạng này, hướng tới phát triển thương mại điện tử (TMĐT) một cách lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điển hình trong các hoạt động này là Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025, đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 319/QĐ-TTg vào ngày 29 tháng 3 năm 2023.

Ông Nguyễn Đức Lê, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước phát biểu tại Hội thảo

Chia sẻ về nội dung này, ông Nguyễn Đức Lê, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho biết, mục tiêu chính của Đề án là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đấu tranh chống hàng giả và các hành vi gian lận thương mại khác. Vào năm 2025, đơn vị sẽ tổng kết và đánh giá kết quả đạt được của Đề án, phân tích những khó khăn, vướng mắc và tiếp tục trình kế hoạch triển khai cho giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, theo ông Lê, để Đề án đạt hiệu quả cao, cần phải hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, xây dựng các chế tài hỗ trợ công tác đấu tranh chống hàng giả. Đồng thời, cần nâng cao năng lực chuyên môn, trau dồi kinh nghiệm và ứng dụng công nghệ trong việc đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm. Trong năm 2024, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã ký biên bản hợp tác với Cục Công nghiệp an ninh, Bộ Công An. Trong năm 2025, sẽ xây dựng hệ thống phần mềm quản lý dữ liệu liên quan đến hoạt động TMĐT nói riêng và thương mại nói chung, thông qua việc xác định và truy vết các sản phẩm hàng hóa, bắt đầu thí điểm với mặt hàng sách giáo khoa.

“Việc tổ chức hội thảo trước Ngày Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng (15/3) là một hành động nhằm nhắc nhở mọi người rằng, dù chúng ta đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại dưới nhiều hình thức khác nhau, mục tiêu cuối cùng vẫn là bảo vệ người tiêu dùng. Bởi chính người tiêu dùng là những người đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế. Khi quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ, quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp cũng sẽ được bảo vệ, từ đó xã hội sẽ ngày càng phát triển,” ông Nguyễn Đức Lê chia sẻ thêm.

Tại Hội thảo, bà Trịnh Thúy Hằng, Giám đốc React Việt Nam, đã cung cấp cho các đại biểu một cái nhìn tổng thể về tình hình các sản phẩm vi phạm trên thị trường, đặc biệt là những dòng sản phẩm có mức tiêu thụ cao như thuốc giun Fugaca, thuốc chữa bệnh, và các sản phẩm thuộc lĩnh vực thời trang, bao gồm túi xách của một số nhãn hiệu nổi tiếng đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Ông Phan Mạnh Hà, Giám đốc đối ngoại Shopee chia sẻ tại Hội thảo
Bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc Đối ngoại Lazada

Cùng với việc chia sẻ những kinh nghiệm trong việc kiểm tra hàng giả ở cả thị trường online và offline, ông Phạm Thanh Hiền, Giám đốc phụ trách điều tra và thực thi của React Việt Nam, đã đưa ra kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả trong việc xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả. Ông đề xuất tăng cường hợp tác giữa các đại diện thương hiệu, cơ quan thực thi pháp luật và các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) để phát hiện và xử lý hàng giả nhanh chóng. Đồng thời, cần xem xét các thông tin về hoạt động bán hàng trực tuyến như một trong những chứng cứ để kiểm tra các đối tượng vi phạm. Ông cũng đề xuất xây dựng kênh tiếp nhận thông tin cảnh báo sớm từ phản hồi của người tiêu dùng về các sản phẩm kém chất lượng và triển khai các chiến lược truyền thông giúp người tiêu dùng cũng như các nhà bán hàng nhỏ lẻ nâng cao nhận thức về vấn đề hàng giả.

Ông Nguyễn Thanh Bình bày tỏ kỳ vọng: “Thông qua Hội thảo này, chúng tôi hy vọng mối quan hệ hợp tác giữa lực lượng thực thi và các doanh nghiệp thành viên của React sẽ được củng cố, từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cả nền tảng thương mại điện tử và thương mại truyền thống, đồng thời bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp thành viên của React hoạt động tại Việt Nam.” 

Quyên Lưu
Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan