‘Hàng hiệu’ Hàn Quốc, Nhật Bản bị làm giả tại La Phù

PLNews – Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện cơ sở tại La Phù, Hoài Đức sản xuất hàng chục ngàn đôi tất giả mạo nguồn gốc xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản…

Tin mới nhất từ Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho biết, đơn vị này vừa kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Sơn Vân Nam, địa chỉ tại xóm Hoa Thám, xã La Phù, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Theo ghi nhận của đơn vị chức năng, trên mặt sàn rộng hơn 300m², căn nhà cấp 4 được chia thành nhiều khu vực nhỏ với đường đi lắt léo được Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Sơn Vân Nam sử dụng làm nơi sản xuất, đóng gói và hoàn thiện các sản phẩm, chủ yếu là tất chân.

Cơ sở sản xuất do ông N.P.S. (sinh năm 1976) làm chủ, được đăng ký thành lập từ năm 2012, với danh mục đăng ký kinh doanh gồm hàng chục ngành nghề khác nhau từ sản xuất trang phục dệt kim, hàng may sẵn, sản xuất sợi, bán buôn máy móc, thiết bị đến bán buôn gạo…

'Hàng hiệu' Hàn Quốc, Nhật Bản bị làm giả tại La Phù
Hàng chục ngàn đôi tất giả mạo các thương hiệu từ Hàn Quốc, Nhật Bản được lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện tại xã La Phù – Hà Nội. Ảnh: Quyên Lưu

Tại thời điểm kiểm tra, mọi hoạt động sản xuất của cơ sở vẫn diễn ra bình thường. Với 32 máy dệt công nghiệp phục vụ cho việc sản xuất hàng hóa hoạt động tối đa công suất. Hàng chục nhân công, chủ yếu là người địa phương đang sắp xếp sản phẩm theo từng nhãn hiệu khác nhau để sẵn sàng đóng gói.

Tuy nhiên, bằng hoạt động nghiệp vụ, đoàn kiểm tra phát hiện tại nhiều ngóc ngách của xưởng sản xuất cất giấu nhiều sản phẩm mang thương hiệu Uniqlo, Slazenger… có dấu hiệu sản xuất hàng giả và giả mạo xuất xứ.

'Hàng hiệu' Hàn Quốc, Nhật Bản bị làm giả tại La Phù
'Hàng hiệu' Hàn Quốc, Nhật Bản bị làm giả tại La Phù
Đoàn kiểm tra còn ghi nhận một lượng lớn tem, nhãn mác có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản…

Xét thấy cơ sở có dấu hiệu sản xuất hàng giả, Phòng Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đã mời PC03, Công an TP. Hà Nội và Đội Quản lý thị trường số 24, Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội phối hợp kiểm tra.

Đặc biệt, kiểm tra thực tế các máy đang sản xuất hàng hóa tại xưởng, đoàn kiểm tra phát hiện trong dữ liệu của máy còn lưu các tiêu bản thể hiện nhiều thương hiệu khác nhau đã được cơ sở sản xuất trước đó.

Đoàn kiểm tra còn ghi nhận một lượng lớn tem, nhãn mác có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản…

Tiến hành đối chiếu hóa đơn cơ sở cung cấp, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước tạm giữ một số lượng lớn nguyên liệu, nhãn mác, tem, cùng gần 10.000 đôi tất có dấu hiệu giả xuất xứ, nhãn hiệu và niêm phong toàn bộ các máy móc có dấu hiệu sản xuất hàng giả để tiếp tục xác minh, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển cho cơ quan công an để tiếp tục điều tra, xử lý đúng quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1398/QĐ-BCT ngày 20/5 về Kế hoạch cao điểm giám sát, kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình mới.

Quyết định nhằm tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong tình hình mới (Chỉ thị số 13/CT-TTg); Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Công điện số 65/CĐ-TTg).

Đồng thời nhằm tập trung đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, doanh nghiệp, bảo vệ an ninh, an toàn sức khỏe cho nhân dân, góp phần phục vụ đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Hoàng Giang (theo Công thương)

Tin liên quan