Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA): Cơ hội mở rộng thị trường cho hàng Việt

HH&PLHiệp định thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA) được ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các ngành hàng của Việt Nam như da giày, thủy sản, trái cây…

Israel hiện là một trong những đối tác hợp tác thương mại, đầu tư và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Tây Á. Với cơ cấu hàng hóa có tính bổ trợ lẫn nhau, việc ký kết và triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA) sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh như thủy sản, rau quả, dệt may, da giày sang Israel.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): Cơ hội để thủy sản mở rộng thị phần

Nửa đầu năm 2023 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã giảm mạnh 27% và chỉ đạt 4,2 tỷ USD- cho thấy ngành thủy sản đang trong giai đoạn rất khó khăn. Chính vì thế trong thời điểm này việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA) có ý nghĩa với doanh nghiệp thủy sản.

Lý do, trong cơ cấu xuất khẩu thị trường Isarel mặc dù chiếm tỷ trọng chưa nhiều nhưng đây là một thị trường rất tiềm năng bởi Israel là thị trường có sức mua, khả năng thanh toán cao. Bên cạnh đó, Israel là nước không có nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực lao động trong nước hạn chế, dù là nước nhỏ nhưng nhu cầu tiêu dùng khá lớn. Bởi vậy, thị trường này còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể khai thác hiệu quả.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA): Cơ hội mở rộng thị trường cho hàng Việt
Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)

Các thống kê cho thấy, hàng năm, Israel thuộc trong top 22 thị trường hàng đầu trong số trên 100 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu qua thị trường này gồm tôm, mực đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá tra… Trong đó, năm 2022 xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 36,63 triệu USD và Israel đứng thứ 4 trong số 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam (sau Mỹ, Canada và Nhật Bản); xuất khẩu mực đông lạnh sang thị trường này đạt 23,22 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,7% xuất khẩu mặt hàng này của cả nước và Israel đứng thứ 8 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc hàng đầu của Việt Nam; xuất khẩu tôm đông lạnh sang Israel đạt khoảng 21 triệu USD và Israel đứng thứ 20.

Thêm vào đó, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam tại Israel hiện đã có chỗ đứng ổn định và được người tiêu dùng quốc gia này ưa chuộng, đánh giá cao. Chính vì thế theo lộ trình giảm thuế mà hiệp định này đưa ra sẽ tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Đáng lưu ý, không chỉ tại thị trường Israel, dự kiến FTA Việt Nam – Israel được ký kết còn mở ra cơ hội hợp tác với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng thông qua cửa ngõ các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

“Theo chúng tôi được biết, quy mô dân số của Israel chỉ khoảng 9,3 triệu người nhưng đây lại là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông (sau UAE và Thổ Nhĩ Kỳ). Chính vì vậy, Israel có vị thế là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam ở khu vực Trung Đông”– ông Hòe nói thêm.

Liên quan đến những “hành trang” cần chuẩn bị cho doanh nghiệp thủy sản để thâm nhập thị trường Isarel, ông Hòe cho biết, do thị Hiệp định chỉ mới vừa ký kết nên VASEP sẽ cần thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu kỹ để phổ biến tới các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm đã tận dụng được từ các FTA khác như EVFTA, CPTPP… VASEP tin tưởng các doanh nghiệp thủy sản sẽ tận dụng được lợi thế từ FTA với Isarel.

Ông Trần Quốc Mạnh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn: Cầu nối cho sản phẩm nội thất đi các nước Trung Đông, Mỹ

Chúng tôi đánh giá rất cao thị trường Isarel bởi đây là quốc gia có nhiều tương đồng với Việt Nam, trong đó điển hình là nước này vẫn còn mô hình của các hợp tác xã. Đặc biệt, Isarel là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến mà chúng ta có thể học hỏi nhiều.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA): Cơ hội mở rộng thị trường cho hàng Việt
Ông Trần Quốc Mạnh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn

Riêng với ngành gỗ, mặc dù hiện tại lượng sản phẩm nội thất xuất khẩu qua Isarel chưa nhiều song với FTA VIFTA sẽ mở thêm cơ hội cho các doanh nghiệp gỗ trong tương lai gần để tiếp cận thị trường này.

Thêm vào đó, khác với những thị trường mà Việt Nam đã có FTA, thị trường Isarel chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên doanh nghiệp Việt có thể hợp tác cùng họ để thành lập công ty tại nước này. Thông qua hợp tác doanh nghiệp Việt sẽ hiểu nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng cũng như cách đưa ra được những sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng Isarel. Ngoài ra, Isarel cũng sẽ là cầu nối tốt để chúng ta tiếp cận thị trường khu vực Trung Đông và Mỹ.

Tuy nhiên do Hiệp định mới ký kết hiểu biết của doanh nghiệp còn hạn chế và Bộ Công Thương cần tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại để giúp doanh nghiệp tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá kỹ thị trường trước khi đưa sản phẩm xuất khẩu tới nước này.

Ông Nguyễn Văn Khánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày TP. Hồ Chí Minh: Thị trường nhỏ nhưng đầy tiềm tăng

6 tháng đầu năm xuất khẩu của ngành da giày rất khó khăn, đơn hàng của doanh nghiệp giảm mạnh 30-40%, các nhà nhập khẩu ở hầu hết các thị trường đều rất dè dặt khi đặt đơn hàng mới.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA): Cơ hội mở rộng thị trường cho hàng Việt
Ông Nguyễn Văn Khánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày TP. Hồ Chí Minh

Trong bối cảnh đó, việc có thêm một thị trường mới như Israel giúp ngành có thêm cánh cửa để mở rộng xuất khẩu. Cho dù Israel chưa phải là thị trường thực sự lớn, tạo bước đột phá cho ngành nhưng về lâu dài sẽ rất có giá trị.

Hiện nay trong cơ cấu xuất khẩu thị trường Isarel mặc dù chiếm tỷ trọng chưa nhiều nhưng đây là một thị trường rất tiềm năng bởi Israel là thị trường có sức mua, khả năng thanh toán cao, nhu cầu tiêu dùng khá lớn. Bởi vậy, thị trường này còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp da giày Việt Nam có thể khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, thị trường Isarel còn là cửa ngõ tiềm năng, mở ra cơ hội hợp tác xuất khẩu da giày vào thị trường Mỹ.

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký hiệp hội Rau quả Việt Nam: Kỳ vọng trong tương lai sẽ là thị trường top 10 của xuất khẩu rau quả

Israel là thị trường mạnh về nông nghiệp và có đời sống cao. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nông sản nhiệt đới như thanh long, nhãn, vải, xoài… vẫn bị thiếu hụt. Trong khi đó, đây lại là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Do đó cơ hội cho xuất khẩu rau quả tươi nhiệt đới vào thị trường này rất lớn.

Ngoài các sản phẩm tươi, đây cũng là thị trường tiềm năng với mặt hàng rau quả chế biến. Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về vùng nguyên liệu nông sản nên chúng ta có thể kết hợp với công nghệ của Israel để tăng tỉ lệ hàng chế biến của Việt Nam ra thế giới.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA): Cơ hội mở rộng thị trường cho hàng Việt
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký hiệp hội Rau quả Việt Nam

Cùng với đó, cơ hội cho nông sản Việt Nam không chỉ dừng lại tại thị trường Israel mà còn mở ra cơ hội hợp tác với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng thông qua cửa ngõ các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Cụ thể, Israel là cửa ngõ vào UAE. UAE là cửa ngõ đi ra toàn cầu. Đến và chạm vào UAE đồng nghĩa với nông sản hàng hóa của Việt Nam có cơ hội đi ra thế giới. Các nhà buôn lớn đều đến UAE, Dubai, đến các chương trình lớn như Gulfood, Expo để giao thương, nhập lượng hàng hóa lớn về đất nước của họ.

“Hiện nay, với rau quả Israel vẫn là thị trường nhỏ, chưa có thống kê riêng. Song chúng tôi kỳ vọng, thị trường này có thể đạt top 15, top 10 thị trường xuất khẩu rau quả trong thời gian tới”, ông Đặng Phúc Nguyên kỳ vọng.

Dù tiềm năng, song cũng cần lưu ý Israel là thị trường quy củ, bài bản và có tiêu chuẩn cao. Do đó, khi làm ăn tại Israel doanh nghiệp cần nắm được đầy đủ quy định, tập tục làm ăn của quốc gia và doanh nghiệp đối tác, tránh tâm lý “ăn xổi”.

Mặc dù tiêu chuẩn thị trường của Israel không quá khắt khe như Mỹ hay EU nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định vẫn phải đáp ứng các tiêu chuẩn của người mua hàng. Với trái cây tươi, ít nhất phải có tiêu chuẩn Global GAP. Với thực phẩm chế biến cần chú ý đến một số tiêu chuẩn đặc thù như chứng nhận Kosher – tiêu chuẩn về thực phẩm của người Do Thái. Chứng nhận Kosher không phải là yêu cầu pháp lý để nhập khẩu thực phẩm vào Israel, tuy nhiên sản phẩm không theo tiêu chuẩn Kosher có thị phần nhỏ hơn tại Israel. Hầu hết siêu thị, khách sạn từ chối sử dụng sản phẩm không có chứng nhận này.

Ngoài ra, đây cũng là một thị trường xa, do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đảm bảo về công nghệ bảo quản phù hợp để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Hà Duyên – Thùy Dương (theo Công thương)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan