Hơn 5.500 cửa hàng đóng cửa trong đợt cao điểm chống hàng giả

PLNews – Bộ Công Thương cho biết, có hơn 5.500 cửa hàng trên cả nước đóng cửa giữa đợt cao điểm chống hàng giả diễn ra từ 15/5-15/6.

Hơn 5.500 cửa hàng đóng cửa

Chiều 19/6, tại họp báo thường kỳ quý II/2025 của Bộ Công Thương, ông Hoàng Ánh Dương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho biết, Bộ đã triển khai quyết liệt Công điện 65 và Chỉ thị 13 của Thủ tướng về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên phạm vi toàn quốc.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân trực tiếp chia sẻ các vấn đề được các phóng viên quan tâm

Từ 15/5 đến 15/6, các lực lượng chức năng tại nhiều địa phương đã đồng loạt kiểm tra, kiểm soát thị trường. Kết quả ghi nhận có hơn 5.500 cửa hàng đóng cửa, tập trung ở các tuyến phố, chợ truyền thống và khu vực buôn bán đông đúc. Các mặt hàng phổ biến bị ảnh hưởng gồm thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, quần áo, bánh kẹo và đồ gia dụng.

Nguyên nhân được cho là do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, sức ép từ thương mại điện tử và tâm lý e ngại khi bị kiểm tra gắt gao. Nhiều hộ kinh doanh cũng chưa đáp ứng quy định pháp lý, không xuất trình được hóa đơn hay nguồn gốc hàng hóa nên buộc phải ngừng hoạt động.

Tiếp tục kiểm tra, siết chặt quản lý hàng hóa trên sàn thương mại điện tử

Ông HHoàng Ánh Dương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước chia sẻ tại họp báo

Bên cạnh những nguyên nhân đã nêu, Bộ Công Thương cho biết, việc thay đổi chính sách thuế và mô hình kinh doanh chậm thích ứng với xu hướng thương mại điện tử cũng là lý do khiến nhiều cửa hàng đóng cửa. Một số đơn vị chuyển địa điểm kinh doanh hoặc ngừng hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu pháp lý và nhu cầu thị trường mới.

Trả lời câu hỏi liên quan đến vụ việc bà Chu Thanh Huyền, đại diện Bộ Công Thương cho biết đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo đúng quy định. Kết quả sẽ được thông tin chính thức sau khi có báo cáo cụ thể. Đồng thời, lực lượng quản lý thị trường đang được kiện toàn, phối hợp chặt chẽ với địa phương nhằm tăng cường hiệu quả kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp trọng tâm như giám sát hoạt động phân phối, lưu thông hàng hóa, tăng cường kiểm soát kho bãi, bến bãi, điểm tập kết. Cùng với đó, sẽ đẩy mạnh công nghệ, chia sẻ dữ liệu, sửa đổi chính sách phù hợp và thực hiện nghiêm các nghị quyết của Chính phủ để bảo vệ người tiêu dùng và ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử.

Vấn đề chống hàng giả được nhiều phóng viên quan tâm, đặt câu hỏi với Bộ Công Thương

Chống hàng giả để tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, đợt cao điểm phòng chống hàng lậu, hàng giả, hàng gian và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ ngày 15/5 đến 15/6 không chỉ là nỗ lực riêng của lực lượng quản lý thị trường, mà là sự vào cuộc đồng bộ của nhiều lực lượng chức năng trên cả nước.

Theo đánh giá, đợt ra quân này đã tạo tác động tích cực, giúp khôi phục niềm tin của người tiêu dùng đối với thị trường hàng hóa trong nước. Tuy nhiên, Bộ cũng lưu ý cần truyền thông đầy đủ, tránh gây hiểu lầm rằng hàng giả xuất hiện tràn lan khắp nơi, từ đó khiến người dân hoang mang.

Thứ trưởng nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng không chỉ là xử lý vi phạm, mà còn là khơi dậy niềm tin cho cả người tiêu dùng và nhà sản xuất. Từ đó, tạo động lực để doanh nghiệp an tâm sản xuất kinh doanh, cung cấp hàng hóa chất lượng, góp phần đẩy lùi vấn nạn hàng giả trên thị trường.

Nhóm phóng viên

Theo congthuong.vn

Tin liên quan