Tái diễn hành vi kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc tại Saigon Square
14/06/2024
HH&PL – Thời gian qua, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng 5/2024, song song với việc triển khai các Kế hoạch công tác năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường thành phố cũng chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường nắm tình hình tại địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận khác.
Cùng đó, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo các Đội chú trọng các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vàng, vật tư nông nghiệp, lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế,…; chú trọng công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu trong thương mại điện tử và các hành vi vi phạm thuộc chức năng, kiểm tra, xử lý của Quản lý thị trường.
Riêng, trong tháng 5/2024, Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã phát hiện kiểm tra 464 vụ việc, xử lý 418 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 10 tỷ đồng.
Trong tháng 5, cơ quan này cũng chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 2 vụ có dấu hiệu phạm tội buôn lậu trị giá tang vật vi phạm hơn 10 tỷ đồng và 1 vụ chuyển trả để xử lý hành chính.
|
Tại trung tâm thương mại Saigon Square, các loại mắt kính in thương hiệu Dior, Chanel, Gucci, RayBan… được bán với với giá chỉ 200 nghìn đồng |
Song theo ghi nhận của phóng viên, tại Trung tâm mua sắm Saigon Square (phường Bến Thành, quận 1) – nơi được coi là thiên đường đồ fake giữa trung tâm Thành phố. Tại đây, các loại mắt kính in thương hiệu mắt kính Dior, Chanel, Gucci, RayBan… được bán với với giá chỉ 200 nghìn đồng. Các tiểu thương tại đây thừa nhận, số hàng trên đều là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc nên mới có giá rẻ như vậy.
Tương tự, tại sạp bán đồng hồ mang thương hiệu Omega, Citizen, Rolex, Orient… đều đồng giá 1 triệu đồng/sản phẩm, trong khi hàng chính hãng có giá hàng chục triệu đến hàng trăm triệu.
Ghé vào một cửa hàng quần áo, giày dép, phóng viên Báo Công Thương nhận thấy, nhiều sản phẩm mang thương hiệu Adidas, Nike, Tomy, Boss,… nhưng có giá một vài trăm nghìn đồng.
Tương tự như Saigon Square, tại Chợ Bến Thành (phường Bến Nghé, quận 1) cũng được coi là một nơi bày bán nhiều mặt hàng thời trang, trang sức, mắt kính, ví da… giả mạo thương hiệu với giá rẻ bất ngờ.
Tại đây, một số loại ví da dành cho nam giới mang thương hiệu Prada, Thom Browne, Gucci, Louis Vuitton – LV, Tomy… có giá từ vài trăm đến 1 triệu đồng. Thậm chí, tiểu thương còn cho biết, hàng giả được phân làm nhiều loại, bán với giá khác nhau.
Theo quan sát, phần lớn các sản phẩm mang thương hiệu lớn được bày bán tại đây đều không có tem phụ bằng tiếng Việt theo quy định, có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xâm phạm các nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.
Được biết, lực lượng Quản lý thị trường đã nhiều lần vào cuộc truy quét hàng giả tại Trung tâm thương mại Saigon Square, chợ Bến Thành, qua đó phát hiện, thu giữ nhiều sản phẩm hàng hóa vi phạm. Tuy nhiên, sau những đợt kiểm tra của lực lượng chức năng, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn tái diễn ở những địa điểm này.
Cũng theo chia sẻ của lãnh đạo Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, để góp phần giữ thị trường ổn định, kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, trong những tháng tới, Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục duy trì việc phân công công chức giám sát chặt chẽ tất cả các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, kịp thời kiểm tra, xử lý theo quy định nếu có dấu hiệu vi phạm; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về chất lượng xăng dầu theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân Thành phố, Tổng Cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường Thành phố.
Cùng đó, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các lĩnh vực, mặt hàng nhạy cảm, thiết yếu, như: Xăng dầu, vàng, thuốc lá điện tử, khí đốt, than đá, phân bón; các loại rau, củ, quả; thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh… tập trung tại các địa bàn phức tạp, nổi cộm, trọng điểm; đồng thời, đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử.
Hoàng Giang (theo Công thương)