Văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số

HH&PL – Mỗi dân tộc có những món ăn độc đáo và thú vị, những sản vật tự nhiên, hương liệu từ thiên nhiên đã hình thành món ăn đặc trưng của ẩm thực vùng cao của vùng núi phía Bắc.

Cùng tìm hiểu những món ăn độc đáo, lạ miệng của đồng bào dân tộc thiểu số khiến ta không thể nào quên.

Pa pỉnh tộp

Dân tộc Thái vùng Tây Bắc có một đặc sản nổi tiếng mà nếu đã thưởng thức một lần sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên – Pa pỉnh tộp (cá chép nướng). Cá chép được làm sạch phần ruột, mang nhưng để nguyên vảy rồi ướp với hạt mắc khén (một loại gia vị đặc trưng của ẩm thực Tây Bắc), muối và ớt tươi.

Ngoài những gia vị thông thường thì một trong những gia vị không thể thiếu khi làm pa pỉnh tộp được gọi là hạt mắc khén rừng. Các loại gia vị, gừng, tỏi, sả, hành, rau thơm rừng, ớt bột… băm nhỏ, trộn lẫn với nhau và xát đều lên mình, đồng thời nhồi vào trong bụng cá. Ướp trong thời gian 30 – 40 phút cho cá ngấm đều gia vị rồi nướng trên than củi nướng chín.

canuong.jpg

Cá nướng của dân tộc Thái chế biến có vị lạ miệng, thơm ngon nhờ sự pha trộn tinh tế các loại gia vị, có đủ vị cay, chua, ngọt, không làm mất đi vị cá và tôn lên vị ngọt béo của cá. Sau đó, cá được kẹp chặt bằng tre tươi đem nướng trên bếp than hoa trong khoảng 30 phút. Khi cá chín dậy mùi thơm, mang vị ngọt bùi xen lẫn vị cay của ớt và mắc khén.

Món ăn dân dã này trở thành thứ đặc sản quý giá cho du khách bốn phương đến với miền Tây Bắc của Tổ quốc, khiến bất cứ ai khi đã thưởng thức rồi đều không thể quên được hương vị của nó.

Rêu đá nướng

Món rêu đá nướng là một món ăn vô cùng đặc biệt mà bạn chỉ có thể bắt gặp ở một số nơi của vùng Tây Bắc. Để làm được món rêu đá nướng cũng đòi hỏi một quá trình công phu và tỉ mỉ. Rêu được lấy về từ những tảng đá bên suối, rửa sạch loại bỏ các chất bẩn rồi được đặt lên thớt và dùng một khúc gỗ đập đều tay.

reuda(1).jpg

Sau khi làm sạch, rêu được cắt khúc, nêm gia vị, gừng, sả, tỏi, ớt, lá chanh, thìa là rồi bọc lá chuối nướng trên than hoa hoặc vùi trong tro nóng khoảng một giờ. Khi thưởng thức món rêu nướng, bạn sẽ cảm nhận được vị thanh mát của món ăn này. Đặc sản rêu nướng ngon nhất khi nhâm nhi với rượu cần trong dịp cả nhà quây quần.

Cháo ấu tẩu

Cháo ấu tẩu ở Hà Giang được làm từ nguyên liệu là củ ấu tẩu – một loại củ có chất độc cực mạnh. Qua cách chế biến tài tình của đồng bào Mông, nó trở thành món ăn có ích cho sức khỏe. Món cháo ấu tẩu là một nét đặc sắc mỗi khi nhắc đến cao nguyên đá Hà Giang.

chaoauto.jpg

Trước khi nấu cháo, củ ấu tẩu phải được ngâm trong nước gạo, sau đó ninh cho đến lúc bở tơi, rồi mới đem tán nhuyễn, nấu cùng với gạo tẻ, nếp cái, chân giò. Cháo ấu tẩu ăn kèm thịt băm, các loại rau thơm, tiêu, hay măng chua. Bên cạnh vị bùi, béo ngậy và dễ nhận ra bát cháo hơi đắng, lạ miệng.

Với những du khách đi một chặng đường xa đến Hà Giang mà được ăn một bát cháo ấu tẩu sẽ thấy cơ thể sảng khoái, người khỏe khoắn trở lại, đầu óc minh mẫn, hào hứng hơn. Không những thế, ăn món cháo ấu tẩu giúp thư giãn gân cốt, giảm đau xương nhức cơ, hồi phục sinh lực.

Măng nướng xào “vêch” bò

Người dân Ê Đê ở Tây Nguyên rất nổi tiếng với món măng nướng xào “vêch” bò. Đặc biệt, họ chỉ thết đãi món ăn này cho những vị khách mà họ quý mến.

Măng được chọn là măng le, loại măng ngon nhất, đồng thời hiếm nhất so với các loại măng khác của núi rừng. Măng mang về được nướng trực tiếp trên bếp củi cho đến khi chín đều bên trong, tách vỏ, lấy măng bên trong rửa sạch và vắt ráo nước. “Vêch” bò thực chất là lòng, phèo bò được làm rất kì công và cẩn thận để loại bỏ hết mùi hôi, đem xào với măng đã nướng thơm.

mangnuongxao-vechbo.jpg

Măng xào với “vêch” bò có vị hơi đăng đắng đầu lưỡi, nhưng nhai kĩ lại thấy cái giòn giòn của “vêch” lẫn với vị ngọt vô cùng đặc trưng của măng rừng khiến người ta thích thú. Chỉ cần một chút rượu cần của người Ê Đê, thêm một đĩa măng nướng xào “vêch” bò, bạn sẽ cảm thấy tấm lòng của người dân Ê Đê thơm thảo đến nhường nào.

Ong vò vẽ chiên, trộn măng

Đặc sản của đồng bào Cor (Quảng Ngãi) chính là món trộn ong vò vẽ với măng. Món trộn này với gia vị, nguyên liệu có sẵn ở trong vườn nhà hoặc rất dễ tìm mua. Măng non được xắt nhỏ, luộc với chút muối rồi trộn gia vị mắm, muối. Nhộng, ong vò vẽ non sau khi đảo dầu cùng gia vị nước mắm, tiêu, tỏi đem trộn với măng luộc sẵn cùng ít khế, chuối chát, rau mùi, lạc rang. Sau đó, thêm một ít nước mắm pha cùng chanh, đường, tỏi, ớt.

Những mùi vị của nguyên liệu hòa quyện cùng với nhau, vị béo của nhộng, vị chua của khế, vị chát của chuối, thơm của đậu phộng và rau mùi cùng vị nước mắm thanh ngọt. Tất cả sẽ đem lại cho bạn cảm giác vô cùng hấp dẫn, nhớ mãi không quên.

ongvove(1).jpg

Khi bạn dùng miếng bánh tráng mè nướng, xúc một muỗng ong trộn từ tốn nhai, âm thanh trong miệng kêu “bụp”, đó là lúc nhộng ong vò vẽ vỡ ra, chất béo, ngọt, bùi, hòa quyện cùng vị chát của chuối, chua của khế, thơm của rau mùi, ngọt, béo của đậu phụng khiến bạn nhớ mãi.

Za zá

Za zá được xem là món ăn ngon miệng đặc trưng của người Cơ Tu, Quảng Nam. Món za zá thường được chế biến từ các món thịt rừng hay thịt ếch, chim, cá, gà… của đồng bào chăn nuôi hay bẫy được. Thịt trộn với măng, ớt, nêm gia vị rồi cho vào ống lồ ô và đổ thêm một lượng nước vừa phải đem nướng lên. Hương thơm từ lồ ô quyện vào các thực phẩm khác làm tăng thêm vị đậm đà cho món ăn.

mon-zaza.jpg

Za zá phải thưởng thức ngay khi còn nóng mới cảm nhận hết được mùi vị làm say lòng người của nó, vị cay nồng của tiêu, ớt đỏ, mùi hanh, the lá, mùi thơm của thịt và vị đắng của đọt mây rừng. Các vị này kết hợp, hòa quyện với nhau tạo nên hương vị đậm đà tan chảy nơi đầu lưỡi.

Trong tiết trời se lạnh, thưởng thức món za zá ngon thơm vị đặc sản của đồng bào Cơ Tu, nhấp một hơi rượu cần hay chén rượu nếp là một trải nghiệm riêng có trên những cung đường miền núi xứ Quảng.

Mèn mén

Mèn mén là tên một món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông tại vùng núi phía Bắc. Do điều kiện thực tế phải sinh sống trên các triền núi đá cao, không có đất trồng lúa nên lương thực chính của người dân ở đây bao đời nay là cây ngô. Để làm món mèn mén đồng bào Mông sau khi thu hoạch ngô về, họ sẽ chọn ra những bắp to nhất, hạt mẩy nhất, rồi đem tách hạt và xay nhuyễn thành bột.

men-men1.jpg

Công đoạn đồ mèn mén cũng phải thực hiện hai lần. Lần đầu, cho bột ngô vào chõ, vẩy nước vào bột ngô, đảo đều cho tơi ra không dính vào nhau. Ở lần đồ này, phải chú ý lửa sao cho bột ngô được chín đều, cho đến khi nào từ chõ bốc lên mùi thơm nghi ngút là có thể bắc ra được. Lúc này, bột ngô sẽ được đổ ra mẹt, đánh tơi. Như thế lần đồ sau bột ngô sẽ chín kỹ, dẻo và thơm hơn. Ở lần đồ thứ hai, thì cần đồ kỹ hơn lần đồ trước, khi nào thấy mèn mén dẻo, rộ màu vàng, thơm nức là được.

Với bất kỳ vị khách nào khi tới miền núi phía Bắc mà chưa được thưởng thức mèn mén cũng là chưa khám phá trọn vẹn cái lạ lẫm hấp dẫn của nơi đây.

Món trứng kiến độc nhất vô nhị

Độc lạ nhất trong các món ẩm thực vùng cao có lẽ là món bánh trứng kiến. Đây là loại bánh đặc biệt được coi là đặc sản của dân tộc Tày, Nùng miền núi phía Bắc. Trong đó, nguyên liệu chính của bánh chính là trứng kiến rừng. Đây là loại kiến đen có thân nhỏ, đuôi nhọn được cho là lành nhất. Trứng kiến thường nhỏ hơn hạt gạo, có màu trắng đục, thân mẩy và tròn. Loài kiến này thường làm tổ, đẻ trứng trên những cành cây không cao lắm và thường được thu lượm ở cây ngõa, găng, vầu… Trứng kiến lấy về được rửa sạch ráo nước, sau đó rang với hành và lá hẹ thái nhỏ để làm nhân bánh, việc này cũng phải hết sức khéo léo vì nếu quá lửa trứng kiến sẽ cháy.

kien.jpg

Điều khiến bánh trứng kiến thơm ngon, nhớ lâu còn bởi bánh được làm từ bột gạo nếp vùng cao trong những dịp lễ Tết, hội. Món bánh trứng kiến trở thành món ăn truyền thống hấp dẫn, là niềm tự hào của đồng bào vùng cao các tỉnh miền núi phái Bắc.

Thưởng thức món bánh trứng kiến, chúng ta cảm nhận được độ mềm dẻo của bột bánh, hương vị béo ngậy của trứng kiến, vị thơm của hẹ, bùi của lá vả… tất cả tạo nên hương vị tuyệt vời khiến người thưởng thức ăn một lần còn nhớ mãi.

Trúc Linh (theo QLTT)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan