IMF cảnh báo gia tăng rủi ro kinh tế Châu Á trong thời gian tới
PLNews – Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa cảnh báo rằng kinh tế châu Á đang đối mặt với nhiều rủi ro lớn do căng thẳng thương mại, bất ổn trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc và nguy cơ biến động thị trường gia tăng.
Theo báo cáo của IMF, sức ép giảm giá tại Trung Quốc có thể dẫn đến cạnh tranh gay gắt hơn giữa các ngành xuất khẩu tương tự ở các quốc gia láng giềng, gây áp lực lên thương mại trong khu vực. IMF kêu gọi chính phủ Trung Quốc nhanh chóng thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế nhằm tăng cường tiêu dùng nội địa để giúp ổn định nền kinh tế.
Trong báo cáo về triển vọng kinh tế khu vực, IMF nhấn mạnh: “Nếu suy thoái tại Trung Quốc kéo dài hơn dự kiến, điều này sẽ gây ảnh hưởng không chỉ đến khu vực mà còn toàn cầu.” IMF cũng lưu ý rằng chính sách của Trung Quốc có vai trò quan trọng và cần phải thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ bất động sản và tăng tiêu dùng tư nhân.
Dự báo mới nhất của IMF cho thấy kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 4,6% vào năm 2024 và 4,4% vào năm 2025, với kỳ vọng rằng các chính sách tiền tệ nới lỏng trên toàn cầu sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng. Cả hai dự báo cho năm 2024 và 2025 đều tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo tháng 4, nhưng vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng 5,0% của năm 2023.
IMF cảnh báo rằng những rủi ro từ các chính sách thắt chặt tiền tệ và căng thẳng địa chính trị có thể làm suy giảm nhu cầu toàn cầu, đẩy cao chi phí thương mại và gây biến động thị trường. Báo cáo cũng nhấn mạnh nguy cơ leo thang thuế quan giữa các đối tác thương mại lớn sẽ làm trầm trọng hơn sự phân mảnh thương mại, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng trong khu vực.
Căng thẳng trong thương mại quốc tế cũng được dự báo sẽ ảnh hưởng nếu Mỹ áp dụng các mức thuế nhập khẩu cao hơn. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết sẽ tăng thuế lên 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và 60% đối với Trung Quốc, điều này có thể tác động mạnh đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Krishna Srinivasan, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IMF, cho biết tại cuộc họp báo rằng: “Các biện pháp thuế quan, rào cản phi thuế quan, hay quy định tỷ lệ nội địa không phải là giải pháp bền vững, bởi chúng làm suy yếu dòng chảy thương mại và hệ thống thương mại đa phương.” Ông cảnh báo rằng cuối cùng, người tiêu dùng và nhà đầu tư sẽ phải chịu gánh nặng từ các chi phí tăng cao.
IMF cho biết, biến động gần đây trên thị trường có thể là dấu hiệu cảnh báo về những bất ổn tiềm ẩn khi các nhà đầu tư đang điều chỉnh giá cả theo kỳ vọng về chính sách lãi suất. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất lớn hơn, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dự kiến sẽ tăng lãi suất trong tương lai gần.
Dự báo của IMF cho thấy kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,8% vào năm 2024, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, nhưng vẫn thấp hơn mức 5,2% của năm 2023. IMF dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm xuống còn 4,5% vào năm 2025, cho thấy những thách thức mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt.
Theo Mai Hương (Báo Công thương)