Bà Hương cho biết thêm, trước khi ký hợp đồng, bà được nhân viên tư vấn của Holidays Việt Nam giới thiệu, công ty này là đối tác của Tập đoàn Movenpick và Vietnam Airline, thực tế đây là thông tin sai sự thật vì vào cuối tháng 5/2023 cả 2 đơn vị này đều lên tiếng là không có hợp tác với Holidays Việt Nam.
Khách hàng lên tiếng tố Công ty TNHH Holidays Việt Nam có hành vi lừa đảo |
Sau khi bị tố và các đơn vị liên quan lên tiếng, phía Công ty Holidays Việt Nam đã thừa nhận những sai sót trong việc quản lý, quán triệt nội dung tới các nhân viên tư vấn, đội ngũ bán hàng. Holidays Việt Nam khẳng định sẽ hỗ trợ các khách hàng có nhu cầu chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế, thông tin với báo chí, nhiều khách hàng tố bị Công ty Holidays Việt Nam lừa đảo hiện vẫn chưa thể lấy lại được tiền và gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm việc, trao đổi với công ty này.
“Việc nhân viên tư vấn cam kết nếu không có nhu cầu nghỉ dưỡng có thể cho thuê lại với giá 4 triệu đồng/đêm cũng chỉ là lời hứa mà không thể thực hiện được” – bà Hương nói.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, các đơn vị chức năng của Bộ cũng nhận được một số đơn, phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến loại hình kinh doanh “sở hữu kỳ nghỉ”, bao gồm các vấn đề về hình sự, dân sự, du lịch, bảo vệ người tiêu dùng, cạnh tranh…
Dưới góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ năm 2021, Bộ Công Thương đã cung cấp thông tin rộng rãi để người dân nắm được bản chất của loại hình hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ cũng như những điều cần lưu ý khi giao kết loại hình hợp đồng này.
Liên tiếp đến thời gian gần đây, nhằm cập nhật liên tục và cung cấp thêm thông tin cho người tiêu dùng về loại hình kinh doanh này, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện các tin bài khuyến cáo trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ Công Thương và Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và các phương tiện thông tin truyền thông.
Bên cạnh đó, liên quan tới đơn, thư phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng gửi tới Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương còn tiến hành các hoạt động khác nhằm thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực “sở hữu kỳ nghỉ” như: Tiến hành thanh tra một số doanh nghiệp, trong đó đã xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi hợp đồng theo mẫu nhằm tuân thủ pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng dùng khi ký kết với người dân, yêu cầu doanh nghiệp cải chính thông tin tới người dân….
Đồng thời, Bộ Công Thương còn tổ chức các buổi tiếp công dân, làm việc với doanh nghiệp; thu thập, xác minh thông tin, phối hợp với một số bên có liên quan để xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân; hướng dẫn người dân gửi đơn tới các cơ quan có thẩm quyền như: Cơ quan điều tra của Bộ Công an đối với nội dung phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình sự; Tòa án đối với nội dung phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật về dân sự liên quan đến các giao dịch dân sự đã được xác lập…
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan theo dõi sát tình hình, tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ” để trên cơ sở đó kiến nghị Chính phủ các biện pháp quản lý phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Bộ Công Thương khuyến nghị người tiêu dùng nghiên cứu kỹ những thông tin cảnh báo, phân tích của Bộ Công Thương từ đầu mối Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và các Bộ, ngành, địa phương liên quan về hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ” trước khi giao kết để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.